Thiếu thành tố để thị trường phát triển
Nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài, từ thị trường đi trước, có thể nhìn rõ những thị trường mới nổi như Việt Nam, nên từ những năm 1980 - 1990 đã mua tác phẩm của các danh họa Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm… với giá vài trăm USD. Đây là mức giá hời nhưng họ không thể bán ngay lúc đó với giá cao. Có thể thấy, phải có nhà sưu tập nội địa thì mới có thị trường, nên họ phải giữ sưu tập nghệ thuật cho tới khi kinh tế có sự chuyển đổi…
Đây là ví dụ về tính thanh khoản - đặc thù của thị trường nghệ thuật. Nhà sưu tập Hoàng Anh Tuấn cho rằng, mua tranh và kỳ vọng bán được ngay lập tức là rất khó - đó là những bài học đau đớn cho nhà đầu tư nghệ thuật Việt Nam. Có người cần bán bộ sưu tập nhưng không thể bán, cách duy nhất là liên lạc với họa sĩ để bán lại, dù giá bán không bằng lúc mua… Bởi vì thị trường nghệ thuật chưa ở giai đoạn trưởng thành, thiếu những thành tố của thị trường thứ cấp.
Cũng theo nhà sưu tập Hoàng Anh Tuấn, cùng theo quy luật cung cầu, nhưng nghệ thuật và hàng hóa thông thường có điểm khác biệt. Thị trường hàng hóa thường được sản xuất hàng loạt, có tiêu chuẩn, giá cả niêm yết rõ ràng và dễ dàng so sánh, mọi người dễ tiếp cận. Trong khi đó, mỗi tác phẩm nghệ thuật thường mang tính độc bản, khó định giá lao động sáng tạo, “phí gia nhập” khá lớn.
Bên cạnh đó, giá trị của tác phẩm nghệ thuật phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan như thị hiếu cá nhân, sự đánh giá của giới chuyên môn và xu hướng thị trường. Đây cũng là những yếu tố dẫn đến thiếu hụt các tiêu chuẩn đánh giá khách quan, khiến việc định giá và giao dịch trở nên khó khăn hơn. Mặt khác, rào cản về thông tin, sự thiếu minh bạch trong giao dịch cũng là trở ngại đối với người mới tham gia thị trường. Đặc biệt, vấn nạn tranh giả, tranh nhái cũng là một thách thức lớn đối với thị trường nghệ thuật Việt Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các nghệ sĩ và làm xói mòn niềm tin của người sưu tập…
Mặc dù vậy, thị trường nghệ thuật Việt Nam vẫn ẩn chứa những cơ hội lớn. Sự đa dạng về phong cách, chất liệu và ý tưởng của các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của người sưu tập cả trong nước và quốc tế. Cùng với sự phát triển của kinh tế, nhu cầu về các tác phẩm nghệ thuật ngày càng tăng. Để khai thác hết tiềm năng này, cần có cơ chế minh bạch hơn, cùng các chính sách thúc đẩy, tạo môi trường thuận lợi để phát triển.
Tạo hệ sinh thái hoàn chỉnh
Các gallery tư nhân, nghệ sĩ không công khai giá bán tác phẩm, nhưng nhà đấu giá có trách nhiệm pháp lý trong việc cung cấp thông tin minh bạch về giá giao dịch, niêm yết công khai lô đấu, thậm chí có các vựng tập đấu giá nhiều chục năm trước. Theo nhà nghiên cứu Ace Lê, đó là kho dữ liệu lớn để tham khảo, đối chiếu, nghiên cứu đồ thị phát triển của nghệ sĩ. "Hy vọng càng ngày có nhiều phiên đấu giá liên quan tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam, góp phần minh bạch hóa thị trường".
Để thị trường nghệ thuật bền vững phải giáo dục trẻ em về thẩm mỹ, để lớn lên sẽ là những “đốm lửa nhỏ” dần tạo ra nhu cầu thưởng thức nghệ thuật. Hiện nay, trẻ em Việt Nam hầu như không được học lịch sử mỹ thuật trong nhà trường, trải nghiệm nghệ thuật cũng khá hạn chế. Khi các nhà sưu tập tư nhân, gallery tăng cường quảng bá tác phẩm, khán giả có thói quen xem triển lãm, thưởng thức nghệ thuật sẽ tạo gu thẩm mỹ và nhu cầu…
Đồng thời, cần hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ quyền của nghệ sĩ và người mua, có chính sách khuyến khích để thị trường vận hành trơn tru. Cùng với đó, cần có các thành tố tham gia thị trường nghệ thuật, bao gồm: bên mua, bên bán, bên môi giới tạo giá trị gia tăng cho tác phẩm như giám tuyển, truyền thông, nhà nghiên cứu và giáo dục… mỗi người sẽ tạo ra giá trị riêng và sống được bằng nghề.
Nhiều người băn khoăn về tranh chép, tranh giả, Giám đốc Hanoi Studio Gallery Dương Thu Hằng khẳng định, thị trường nghệ thuật nào cũng có tranh giả. Các nghệ sĩ trẻ đi sau nhưng kiểm soát vấn đề này tốt hơn. Dù điêu khắc có thể làm phiên bản, nhưng nghệ sĩ phải đăng ký, tác phẩm 1 phiên bản sẽ có giá khác với tác phẩm 5 phiên bản. Công chúng, nhà đầu tư, nhà sưu tập cũng là người kiểm soát tính minh bạch của thị trường. "Hiện nay nhiều nhà sưu tập sành sỏi, có sưu tập nghệ thuật lớn, kỳ vọng họ không mua tranh cất kho, mà sẽ có các hoạt động giới thiệu nghệ thuật, đóng góp cho cộng đồng".
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, thị trường nghệ thuật Việt Nam đang ở giai đoạn quá độ, muốn nâng mức thị trường trưởng thành thì phải có các thành tố hoạt động đầy đủ chức năng, từ đó dung lượng thị trường sẽ tăng nhanh, sưu tập mạnh hơn. Điều này cũng sẽ tác động thay đổi chính sách liên quan, như cho phép doanh nghiệp sử dụng tác phẩm nghệ thuật để thế chấp ngân hàng; giảm thuế cho doanh nghiệp có hoạt động nghệ thuật đóng góp cho cộng đồng hoặc tặng tác phẩm cho bảo tàng… Từ đó góp phần tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút cả nhà sưu tập cá nhân và các tổ chức lớn.
Việc xây dựng một hệ sinh thái nghệ thuật hoàn chỉnh, với các chính sách ưu đãi và cơ chế minh bạch sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thị trường nghệ thuật Việt Nam trong tương lai.