Để nông sản Việt chinh phục thị trường EU

Bài cuối: Nhiều ưu đãi cho nông nghiệp công nghệ cao

- Chủ Nhật, 29/11/2020, 06:59 - Chia sẻ
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC); đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị; giúp nông sản Việt tự tin trong sân chơi EVFTA không chỉ là mối quan tâm lớn của Chính phủ mà còn là mục tiêu quan trọng trong chiến lược kinh doanh của ngành ngân hàng nói chung và của Agribank nói riêng. Vì thế, ngoài việc tập trung đầu tư tín dụng, Agribank còn dành nhiều ưu đãi cho lĩnh vực này.

Ưu tiên cho vay nông nghiệp CNC

Thực tế hoạt động của thị trường tín dụng thời gian qua cho thấy, ngành ngân hàng đã dành nhiều ưu tiên cho lĩnh vực cho vay sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp CNC. Cụ thể, Agribank đã giảm lãi suất cho vay từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm cho khách hàng tham gia vào chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch, tùy từng trường hợp cụ thể khi khách hàng tham gia vào các khâu khác nhau của quá trình sản xuất nông nghiệp CNC. Bên cạnh đó, khách hàng vay vốn theo chương trình phát triển nông nghiệp CNC, nông nghiệp sạch của Agribank được miễn phí chuyển tiền trong hệ thống Agribank, giảm 50% theo mức phí quy định hiện hành đối với chuyển tiền ngoài hệ thống.

Để tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận vốn vay nhanh chóng cho khách hàng, giúp mở rộng đầu tư tín dụng, Agribank không ngừng nỗ lực cải tiến quy trình, rút gọn thời gian thẩm định dự án, phương án vay vốn và nâng định mức cho vay cho khách hàng; tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như về hạn mức vốn vay, tài sản thế chấp.

	Agribank luôn dành nhiều ưu đãi cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao Nguồn: ITN
Agribank luôn dành nhiều ưu đãi cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Nguồn: ITN

Đặc biệt, từ tháng 11.2016, khi Thủ tướng phát động chương trình cho vay nông nghiệp CNC, Agribank đã dành 50 nghìn tỷ đồng cho chương trình này. Tính đến 31.10.2020, doanh số cho vay từ khi bắt đầu triển khai chương trình của Agribank đã đạt trên 26.000 tỷ đồng, dư nợ đạt trên 5.000 tỷ đồng với gần 4.000 khách hàng, trong đó, có gần 100 khách hàng doanh nghiệp và 3.900 khách hàng là cá nhân. Có thể kể đến một số dự án lớn Agribank đã đầu tư với quy mô vốn lớn như dự án nhà máy chế biến rau quả thực phẩm, nông sản xuất khẩu tại An Giang, Vĩnh Long với doanh số cho vay hơn 4.100 tỷ đồng; các dự án nuôi tôm giống, tôm thịt, nuôi bò sữa tại Ninh Thuận có doanh số cho vay hơn 3.700 tỷ đồng. Đáng chú ý, có các dự án sản xuất thức ăn chăn nuôi sạch tại Hà Nam với doanh số cho vay gần 5.000 tỷ đồng...

Hoàn thiện chính sách, tháo gỡ khó khăn

Mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nhưng để vào được EU, nông sản Việt cần rất nhiều trợ lực của Nhà nước, Chính phủ cũng như từ phía ngân hàng trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học công nghệ, các yếu tố đầu vào, trợ giá...

Đơn cử, ở lĩnh vực cho vay nông nghiệp CNC vẫn gặp phải không ít khó khăn do còn nhiều bất cập về chính sách. Theo Phó Tổng giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng, việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng làm thủ tục thế chấp vay ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn. Tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp CNC, nông nghiệp sạch còn chung chung, chưa quy định rõ cơ quan nào xác nhận các tiêu chí của dự án, nên ngân hàng thương mại thiếu căn cứ để xác định cho vay. Bên cạnh đó, lĩnh vực nông nghiệp thường có rủi ro lớn nhưng thị trường bảo hiểm nông nghiệp chưa phát triển, số lượng doanh nghiệp tham gia còn hạn chế, sản phẩm bảo hiểm còn đơn điệu… Những điều này làm cản trở sự phát triển của ngành nông nghiệp nói chung và nông nghiệp CNC nói riêng.

Để góp phần cung ứng vốn kịp thời, đầy đủ, khuyến khích phát triển nông nghiệp CNC, nông nghiệp sạch, tận dụng cơ hội EVFTA cho nền nông nghiệp Việt Nam, Phó Tổng giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cho rằng, các bộ, ngành cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông nghiệp đầu tư vào nông nghiệp CNC. Theo đó, Chính phủ cần hoàn thiện các tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hoàn thiện chính sách xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, tháo gỡ rào cản thương mại để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp CNC…

Nhà nước sớm ban hành quy định đối với việc thực hiện hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp, trong đó, nêu rõ chế tài đối với các bên tham gia nhằm hạn chế những rủi ro và bảo đảm sự bền vững trong liên kết chuỗi giá trị nông sản. Cùng với đó là các quy định về bảo hiểm trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhằm hạn chế những tổn thất, rủi ro, có chính sách khuyến khích phát triển thị trường bảo hiểm nông nghiệp.

Vấn đề liên quan đến thế chấp tài sản của các dự án sản xuất nông nghiệp CNC, cần  phải được các cấp ngành tháo gỡ đến cùng, nhằm tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi; bố trí ngân sách thỏa đáng để thực hiện các chính sách ưu đãi, nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp CNC.

Thời gian tới, Agribank tiếp tục cam kết đáp ứng nhu cầu vốn lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung và lĩnh vực nông nghiệp sạch, công nghệ cao nói riêng, duy trì tỷ trọng dư nợ cho vay đối với NNNT từ 65 - 70% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.

Phó Tổng giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng

Riêng với bài toán vốn, theo ông Phạm Toàn Vượng, Chính phủ cần tăng cường đầu tư cho khu vực nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là đầu tư từ ngân sách nhà nước về cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học công nghệ, các yếu tố đầu vào, trợ giá, có chính sách ưu tiên xây dựng các điểm phân phối hàng nông sản, tiêu thụ hàng hóa, xuất khẩu. Có chính sách khuyến khích ứng dụng công nghệ cao và có cơ chế tách bạch rõ ràng giữa tín dụng chính sách với tín dụng thương mại. Khi thực hiện nhiệm vụ chính sách, các TCTD cũng phải được hưởng những ưu đãi như các đơn vị thụ hưởng, cụ thể là tạo nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất do thực hiện chính sách giảm lãi suất, cách tính các hệ số an toàn, chính sách thuế... Có như vậy, mới khuyến khích các TCTD tích cực tham gia vào các mô hình sản xuất công nghệ cao và nông sản Việt mới đủ sức đua trên “đường cao tốc EVFTA”.

Đức Kiên