Công nghiệp hình ảnh

Bài cuối: Nhân lực đông mới có hệ sinh thái mạnh

- Thứ Ba, 11/01/2022, 06:26 - Chia sẻ
Không thể phát triển công nghiệp hình ảnh mà không tính tới bài toán nhân lực của ngành. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần đánh giá, nhìn nhận đầy đủ về tiềm năng, từ đó có cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ, định hướng cho lĩnh vực này phát triển.

Nhân lực thiếu và yếu

Ngoài các dự án truyện tranh chuyển thể sang phim, game, ông Vũ Trần Lâm, Giám đốc chi nhánh VTC Academy Hà Nội nhận định: Xu hướng của công nghệ sáng tạo hình ảnh của Việt Nam 5 năm tới có thể là ứng dụng công nghệ, đưa ra các chương trình trải nghiệm qua công nghệ 3D, công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường; xây dựng video người ảo để giới thiệu nội dung, tạo lớp học ảo... 

Để phát triển lĩnh vực này, theo các chuyên gia, điều đầu tiên cần quan tâm là nhân lực. So với giai đoạn trước, hiện nay có nhiều cơ sở đào tạo trong các ngành liên quan; giới trẻ có thể tiếp cận và cập nhật kiến thức mới nhờ internet, từ đó hoàn thiện kỹ năng của bản thân. Tuy nhiên, ông Hà Huy Hoàng, DeeDee Studio, chia sẻ: “Thực hiện các dự án lớn cho nước ngoài, dự án quảng cáo, chúng tôi thường xuyên có nhu cầu tuyển dụng, nhưng yêu cầu càng ngày càng tăng về chất lượng. Khi tuyển dụng, đặc biệt là vị trí diễn hoạt viên, ứng viên ở Việt Nam chưa thực sự đáp ứng yêu cầu trình độ. Dù các bạn đã được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm làm tự do, tuy nhiên, studio vẫn phải đào tạo lại”.

Ông Hoàng Việt Tân, Giám đốc điều hành VTC Academy cho rằng, sở dĩ các studio nước ngoài ở Việt Nam chưa mạnh dạn thực hiện dự án lớn vì thiếu nhân lực chất lượng cao. Là một đơn vị đào tạo trong lĩnh vực công nghiệp hình ảnh hiện nay, ông Tân cho biết, số học viên tăng nhanh, 30 - 50%/năm, nhưng nguồn cung chưa đáp ứng nhu cầu thị trường cả về số lượng và chất lượng. Vấn đề chung của các trường là đều dạy mang tính dàn trải. Một học viên sau khi tốt nghiệp cái gì cũng biết một chút, nhưng chưa có khả năng diễn họa từ đầu đến cuối. 

Sự chênh lệch cung - cầu này ảnh hưởng nhiều tới hệ sinh thái. Điều đó đòi hỏi các đơn vị đào tạo phải lấy chuẩn đầu vào của doanh nghiệp làm chuẩn đầu ra của học viên, cập nhật chương trình đào tạo tiên tiến, đáp ứng chuẩn thị trường. Chuyên gia trong ngành cho rằng, cần tăng cường truyền thông để nhiều bạn trẻ biết và chọn học tập, gắn bó với ngành công nghiệp này. 

Ông Sidi Benlarbi, Công ty Xilam - chuyên thực hiện các loạt phim hoạt hình và phim điện ảnh của Pháp, có studio ở Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi thấy rằng sự tăng trưởng trong lĩnh vực này ngày càng cao với phim hoạt hình hay phim truyền hình dài tập, chương trình ngắn kỹ thuật số... Chúng tôi luôn muốn tạo ra nhiều nội dung mang tính chất địa phương hơn. Tôi nghĩ cần có nhiều khóa đào tạo để các bạn trẻ Việt Nam tham gia ngành này. Khi họ biết nhiều hơn về những gì đang diễn ra trên toàn cầu, họ sẽ nhận thức được công việc mà họ tìm thấy ở đây”.

Nhân lực là bài toán của ngành công nghiệp hình ảnh

Nguồn: tinanime.com 

Đánh giá tiềm năng, định hướng và hỗ trợ

Theo TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc VICAS Arts Studio, Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, hệ sinh thái của ngành công nghiệp hình ảnh phải được tạo dựng từ sự kết nối giữa cơ chế, chính sách; nhà xưởng - studio; khu vực đào tạo nhân lực. Chuỗi chu trình sản xuất của ngành cần có sự gắn kết, như để phát triển video game ở Việt Nam phải có những người sáng tạo, phát triển game, nghệ sĩ; quy trình sản xuất, phân phối sản phẩm và dịch vụ; trao đổi và trưng bày; hệ thống lưu trữ và phê bình. 

Từ quá trình theo dõi, nghiên cứu, đánh giá, TS. Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, những người trong ngành đang nỗ lực, nhưng chính sách chưa được chú trọng. Chẳng hạn game là ngành có thể đóng góp lớn, nhanh và mạnh hơn nhiều ngành công nghiệp văn hóa. Tuy mới hình thành như ngành công nghiệp vào năm 2010, khi bắt đầu đưa đánh giá doanh thu, tốc độ phát triển của ngành game trên nền tảng số ở Việt Nam, nhưng quy mô phát triển nhanh gấp 2 - 3 lần so với các ngành khác. Có mức độ phát triển theo cấp số nhân, nhưng hiện chưa có chính sách hỗ trợ và định hướng cho ngành này. Rọi chiếu sang các ngành như hoạt hình cũng tương tự. 

Các nhà chuyên môn kỳ vọng, thời gian tới, để ngành công nghiệp hình ảnh có điều kiện phát triển hơn nữa, yếu tố căn cốt là cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát đánh giá cẩn trọng tiềm năng phát triển của ngành này để có chính sách phù hợp, thu hút các doanh nghiệp đầu tư cho ngành tiềm năng này. Bên cạnh tạo nhiều sân chơi cho giới trẻ, để nuôi dưỡng tài năng ngành công nghiệp hình ảnh, theo TS. Nguyễn Thị Thu Hà, phải làm tốt việc bảo vệ sở hữu trí tuệ. Giải quyết được vấn đề này sẽ giúp xây dựng hệ sinh thái công nghiệp hình ảnh nhanh hơn. Ngành công nghiệp hình ảnh ở Việt Nam “phải chạy cùng lúc nhiều hướng mới rút ngắn khoảng cách với  các quốc gia trong khu vực và thế giới”, TS. Nguyễn Thị Thu Hà nói. 

Thảo Nguyên