Bài cuối: Nếu phim ảnh là di sản...
Nhiều nhà nghiên cứu mong muốn ghi danh những tác phẩm điện ảnh giá trị; có quy định, chính sách lưu giữ, phục hồi kịp thời và phát huy các tác phẩm mang dấu ấn của điện ảnh Việt, để các thế hệ tương lai có cơ hội được thưởng thức.
Chưa có quy định cụ thể
“Các nhà sử học thường coi ngày khai sinh ra nghệ thuật điện ảnh là ngày 28.12.1895, khi buổi chiếu phim chuyển động và có thu tiền đầu tiên được anh em Auguste và Louis Lumière tổ chức tại Paris, Pháp. Nhưng thực tế, điện ảnh khi sinh ra không được coi là bộ môn nghệ thuật, phải rất lâu sau đó các nhà lưu trữ, nghiên cứu lịch sử, văn hóa… mới tìm cách phủ lớp nghĩa lên 2 chữ điện ảnh. Thời gian dài sau đó việc nhìn nhận điện ảnh là di sản cần được lưu trữ, bảo tồn, phục chế, phát huy giá trị kinh tế và tinh thần của điện ảnh mới diễn ra” - đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ.

Theo TS. Trần Hoài, giảng viên bộ môn Di sản học, Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội, hơn 4 thập kỷ trước, UNESCO đã có những chương trình, khái niệm về di sản với điện ảnh. Cụ thể, những năm 1980, UNESCO đã có động thái bảo tồn giá trị các hình ảnh động, trong đó có coi điện ảnh là di sản cần phải giữ gìn. Năm 1992, UNESCO phát triển chương trình "Ký ức thế giới", đưa ra khái niệm “ký ức” và có các tác phẩm điện ảnh được ghi danh trong loại hình Di sản tư liệu, cùng với các tài liệu dạng chữ viết, âm thanh…
Tại Việt Nam, theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, "Điện ảnh mà là di sản á?" hay "Mấy cuốn phim này là di sản nỗi gì?" là những nghi ngại nở rộ thời gian gần đây. Đối thoại và xung đột xoay quanh thuật ngữ di sản điện ảnh không chỉ trong giới làm phim mà lan rộng, trở thành câu hỏi cấp thiết hơn bao giờ hết.
Từ câu chuyện các cuốn phim của Hãng Phim truyện Việt Nam bị hư hại mới thấy rõ, chúng ta còn bối rối vì chưa biết xếp chúng vào loại hình gì, trong khi Luật Di sản văn hóa hiện hành không có quy định về di sản tư liệu, Luật Điện ảnh cũng chưa đề cập đến nội dung này.
Thậm chí, chính những người đang hoạt động trong các lĩnh vực liên quan cũng chưa làm quen với cụm từ “di sản tư liệu”. Bởi vậy, sẽ thật khó khi muốn ghi danh, định danh di sản với những thước phim có giá trị cao về nghệ thuật, lịch sử…
Cần lộ trình ghi danh những thước phim giá trị
Nói về giá trị của phim ảnh để có thể trở thành một di sản, TS. Trần Hoài cho rằng, giá trị của chúng không chỉ nằm ở khía cạnh vật thể mong manh và dễ biến mất dưới tác động của khí hậu, thời tiết, chiến tranh; mà chứa đựng trong vỏ vật chất ấy là ký ức, lịch sử của một dân tộc, cộng đồng, phản ánh từng thời kỳ biến động về xã hội, kinh tế, văn hóa, ghi dấu những vùng đất, con người…
Không chỉ vậy, đó còn là ký ức của những nhà làm phim về công nghệ sản xuất, địa điểm thực hiện; tri thức của các đạo diễn, quay phim trong thời kỳ sử dụng vật liệu nhựa như vật liệu hoàng kim để sản xuất điện ảnh; cũng như ký ức về các điều kiện làm phim trong thời kỳ còn nhiều khó khăn và kỹ thuật hạn chế như giai đoạn chiến tranh hay bao cấp ở Việt Nam; ký ức của mạng lưới những người sản xuất, bảo quản, giữ gìn phim.
Từ góc nhìn của nhà nghiên cứu, sưu tầm, phục chế, trùng tu, làm việc với các loại hình di sản văn hóa, kiến trúc, PGS.TS. Trần Trọng Dương cho biết đã thử tìm hiểu trong ngành điện ảnh có bộ phim nào được công nhận là di sản hay chưa, và rất bất ngờ là chưa có tác phẩm nào. Trong khi ngành văn hóa đã có vài chục tác phẩm, hiện vật được coi là bảo vật quốc gia.
Theo PGS.TS. Trần Trọng Dương, ngành điện ảnh cần đưa ra lộ trình để sớm có một vài bộ phim được Nhà nước công nhận là di sản. Chẳng hạn, những thước phim quan trọng ghi dấu lịch sử cách mạng Việt Nam có thể được ghi danh, từ đó, chúng ta có cơ hội để những thước phim có giá trị khác được công nhận là di sản.
Cho dù chưa được coi là di sản, những người yêu điện ảnh vẫn nỗ lực bảo vệ các cuốn phim có giá trị, tạo nên dấu mốc trong lịch sử điện ảnh Việt. Tuy nhiên, PGS. TS. Trần Trọng Dương nêu thực tế, việc cứu các cuốn phim là quá trình đòi hỏi nhiều công sức, nguồn lực, chuyên môn. Vì thế, khi được Nhà nước công nhận là di sản, chúng ta sẽ có nguồn lực, chế tài, trang thiết bị, tạo điều kiện kết nối với thế giới để bảo tồn, phát huy phim.
Nhiều ý kiến kỳ vọng, Luật Di sản văn hóa đang trong quá trình nghiên cứu bổ sung, sửa đổi, sẽ đưa vào khái niệm “di sản tư liệu”. Khi đó phim, hình ảnh động, âm thanh… sẽ được ghi nhận trong lĩnh vực này. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng, Nhà nước đã làm tốt công tác lưu trữ phim, nhưng với nguồn lực có hạn như hiện nay, việc phục chế cần sự chung tay từ nhiều phía của ngành công nghiệp điện ảnh, đơn vị lưu trữ và cả công chúng, để phim được bảo tồn đúng quy chuẩn, số hóa với chất lượng cao và phát huy giá trị bằng nhiều cách. Giống như để làm ra được một bộ phim thành công sẽ cần toàn bộ sự cống hiến và nỗ lực của hàng trăm người, thì việc bảo đảm sự tồn tại của phim cũng cần nỗ lực hợp tác từ các cơ quan, tổ chức và người yêu điện ảnh.