Đưa văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh

Bài cuối: Nền tảng phát triển bền vững

- Thứ Năm, 25/11/2021, 06:29 - Chia sẻ

“Quan điểm bao trùm là phải thật sự coi trọng văn hóa, lấy văn hóa làm nền tảng, một trong những nguồn lực quan trọng của sự phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế. Thậm chí văn hóa phải đi trước, phải kết hợp văn hóa với kinh tế, vì văn hóa mang nội hàm rất rộng, là đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một cộng đồng, một xã hội, một dân tộc”. Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển từng phát biểu nhấn mạnh như vậy khi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tháng 9.2020.

Ưu tiên xây dựng con người

Các chuyên gia đều khẳng định trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, Đảng ta luôn coi trọng văn hóa và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa. Các văn kiện, nghị quyết của Đảng quá đầy đủ. Chúng ta cũng không làm khác đi. Vậy tại sao những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực văn hóa cứ kéo dài từ năm này qua năm khác?

	Du khách nước ngoài nghe giới thiệu và trải nghiệm chơi nhạc cụ dân tộc truyền thống tại Đại Nội Huế-Nguồn tapchicongsan.org.vn
Du khách nước ngoài nghe giới thiệu và trải nghiệm chơi nhạc cụ dân tộc truyền thống tại Đại Nội Huế. Nguồn tapchicongsan.org.vn

Theo GS.TSKH. Phan Hồng Giang, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật (nay là Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam): “Nói đến văn hóa là nói đến một ngành liên ngành, tổng hợp, không phải chỉ riêng ngành văn hóa theo quản lý hành chính. Tất cả những vấn đề phát triển văn hóa không chỉ giải quyết gói gọn trong quản lý nhà nước về văn hóa mà nó phụ thuộc nhiều vào cả các lĩnh vực hành chính khác nhưng có tác động trực tiếp và sâu rộng đến văn hóa”.

Xuất phát từ ý đó, để phát triển văn hóa, điều quan trọng nhất là phải tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền... “Nghe có vẻ xa xôi nhưng điều này ảnh hưởng trực tiếp đến văn hóa, vì pháp luật chỉ là yêu cầu tối thiểu về văn hóa”, GS.TSKH. Phan Hồng Giang nói.

Một trong các đột phá chiến lược được đưa ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Việc khẳng định ưu tiên xây dựng con người, phát triển nguồn nhân lực rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay, nhưng theo GS.TS. Phạm Quang Long, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, cần xác định cụ thể con người là con người nào? “Đó phải là con người có nhân cách văn hóa, bản chất là tự do, sáng tạo, thượng tôn pháp luật”. GS.TS. Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, kiến nghị cần đặt ra vấn đề đưa tác phẩm văn hóa nghệ thuật đến công chúng, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các giai tầng xã hội.

Phát huy tiềm năng của văn hóa

Trong thời kỳ hiện nay, văn hóa không chỉ là tài sản để chúng ta cất giữ, nâng niu, tự hào, mà còn là nguồn lực phát triển, là sức mạnh mềm của đất nước để có thể mở rộng hợp tác cạnh tranh sòng phẳng trên trường quốc tế.

Thực tế, cùng với sự phát triển kinh tế thị trường nói chung và hội nhập quốc tế một cách sâu rộng, thị trường văn hóa và công nghiệp văn hóa bước đầu cũng đã được hình thành và phát triển, nhằm cùng lúc đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa đa dạng của người dân, đồng thời có thể đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước đã có những quy định cụ thể nhằm tạo môi trường phát triển công nghiệp văn hóa, từ ban hành các văn bản quy định tạo hành lang pháp lý đến xây dựng, ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Trong giai đoạn tới cần phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa. Phát triển công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam. Huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho văn hóa, tăng cường xuất khẩu dịch vụ văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Xây dựng và triển khai chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, lựa chọn các ngành có lợi thế, xác lập thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hình thành các tổ chức chuyên trách để tư vấn, kết nối, phối hợp hoạt động, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Xây dựng hạ tầng cho các ngành công nghiệp văn hóa có lợi thế cạnh tranh, phát huy vai trò của khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin kết nối, quảng bá các sản phẩm.

GS.TS. Nguyễn Chí Bền góp ý, cần đánh giá thêm hệ thống sản phẩm văn hóa và quan hệ thị trường. Những gì người dân tiếp nhận hằng ngày là sản phẩm văn hóa như sách báo, CD phim ảnh, âm nhạc… “Sản phẩm văn hóa phải tồn tại trong thị trường của nó. Cần xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam”.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần quan tâm tới mối quan hệ giữa văn hóa và giáo dục cũng như vai trò của giáo dục trong phát triển văn hóa. Đã đến lúc phải chọn giáo dục là quốc sách hàng đầu và văn hóa là nền tảng cho sự phát triển. Để một nước phát triển, văn hóa và giáo dục phải hòa quyện làm một. Phi giáo dục thì không có văn hóa, và phi văn hóa không có giáo dục. Bởi mọi thiết chế văn hóa, giáo dục đều phục vụ con người.

“Theo tôi, mục tiêu chính của ngành văn hóa là phải giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa của dân tộc và con người Việt Nam, lấy xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện làm trung tâm, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Giữ cho được 7 giá trị tinh thần của con người Việt Nam như GS. Trần Văn Giàu đã chỉ ra: Yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người và vì nghĩa. Tôi thiển nghĩ, phải chăng đây cũng chính là hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam”.

Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

Anh Minh - Ngọc Phương