Ủy quyền lập pháp: Từ quy định đến thực thi

Bài cuối: Nâng cao trách nhiệm các chủ thể

- Thứ Sáu, 04/06/2021, 09:03 - Chia sẻ
Dù có những hạn chế trong quá trình thực hiện thời gian qua nhưng ủy quyền lập pháp vẫn là một xu hướng tất yếu cần được duy trì trong điều kiện hiện nay để giảm tải áp lực lập pháp cho Quốc hội, tránh cho Quốc hội không phải xem xét các vấn đề được cho là quá chi tiết hoặc quá kỹ thuật. Do đó, thời gian tới cần hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến ủy quyền lập pháp, đồng thời nâng cao trách nhiệm của cả chủ thể ủy quyền và được ủy quyền.

Thu hẹp phạm vi, chủ thể được ủy quyền

Trong năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành được 53 văn bản, còn nợ 5 nghị định và 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 6 thông tư của các bộ. Từ ngày 1.1.2021, có thêm 12 luật, nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực thi hành với 26 nghị định, 2 quyết định của Thủ tướng và 18 thông tư của bộ trưởng cần phải ban hành. Như vậy, bước sang năm 2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ còn nợ 34 văn bản, các bộ còn nợ 24 thông tư quy định chi tiết.

So với quy định của các Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trước đây, phạm vi các vấn đề thuộc thẩm quyền lập pháp của Quốc hội đã được xác định rõ hơn tại Điều 15 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đây có thể được xem là các nội dung không được ủy quyền lập pháp.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, thực tiễn cho thấy vẫn còn những lĩnh vực mà tới nay việc trao thẩm quyền cho Chính phủ ban hành các quy định chi tiết có phần ngày càng không phù hợp với xu thế xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Chẳng hạn, vẫn còn khoảng trên 70 nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Việc Chính phủ quy định quy tắc xác định mức phạt cụ thể đối với các hành vi này (có số lượng lên tới hàng vạn), trong đó có những mức phạt lên tới hàng tỷ đồng là điều không nên xét về lâu dài. Do đó, trong thời gian tới, khi việc sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 tiếp tục được đặt ra (mặc dù Luật này vừa được sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì điều cần thiết là xác định rõ hơn nữa phạm vi các vấn đề không được ủy quyền lập pháp, với xu thế chung là phạm vi này sẽ ngày càng mở rộng để khẳng định rõ hơn vai trò lập pháp của Quốc hội.

Thực tế, trong những năm qua, mỗi lần sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy tắc ủy quyền lập pháp đã hoàn thiện thêm nhưng thực chất có phần còn lỏng lẻo. Muốn khắc phục được tình trạng ban hành quá nhiều văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay, nên quan tâm hoàn thiện quy tắc về ủy quyền lập pháp, theo đó cần quy định rõ mục tiêu, nội dung, phạm vi và thời hạn ủy quyền, các nguyên tắc cần tuân thủ khi thực hiện lập pháp theo ủy quyền, trách nhiệm của chủ thể thực hiện lập pháp theo ủy quyền khi thời hạn ủy quyền sắp hết...

Đồng tình với quan điểm này, Ths. Lê Thị Thiều Hoa, Trưởng ban Nghiên cứu pháp luật Hành chính Nhà nước, Viện Khoa học pháp lý cho rằng, cần giới hạn lại các chủ thể được ủy quyền nhằm hạn chế sự lỏng lẻo, tùy tiện, thiếu thống nhất trong việc ủy quyền lập pháp. Để bảo đảm nguyên tắc quyền lập pháp thuộc về Quốc hội, cần xác định rõ một số lĩnh vực không thể ủy quyền lập pháp, ví dụ như các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại, ngân sách, thuế, quyền con người, quyền công dân... Đặc biệt, những vấn đề liên quan đến hạn chế quyền thì phải được điều chỉnh bởi luật.

Nguồn: ITN

Giám sát thường xuyên hơn

Số liệu được công bố trong một hội nghị gần đây của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật cho thấy, hoạt động lập pháp theo ủy quyền do các chủ thể như Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ trưởng thực hiện ngày càng thường xuyên về tần suất và lớn về quy mô.

Theo Ths. Nguyễn Phước Thọ, Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, cần thiết có những giải pháp để đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp theo ủy quyền của Chính phủ. Bởi những hạn chế, bất cập trong hoạt động lập pháp theo ủy quyền của Chính phủ thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan như: Số lượng văn bản phải ban hành ngày càng nhiều với tính phức tạp, tính khẩn trương, cấp bách về thời gian; kỷ luật, kỷ cương trong việc soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết còn chưa nghiêm. Đa số các bộ, ngành chưa thực sự tiếp cận phương pháp soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành đồng thời với dự án luật, pháp lệnh nên còn tâm lý bị động, chờ đợi, chỉ khi có phân công và có chương trình do Thủ tướng ban hành thì mới bắt đầu nghiên cứu, soạn thảo văn bản. Trong kỹ thuật soạn thảo văn bản vẫn mang nặng “căn bệnh” công thức, tâm lý ôm đồm nội dung, muốn quy định cả các biện pháp thi hành khiến nội dung văn bản trở nên phức tạp, tốn kém thời gian và công sức.

Nhấn mạnh ủy quyền lập pháp cũng giống như các loại ủy quyền khác, người chịu các hệ quả pháp lý tối cao vẫn là chủ thể ủy quyền, theo TS. Nguyễn Văn Cương, Quốc hội cần thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với chất lượng của các văn bản lập pháp theo ủy quyền (các văn bản hướng dẫn thi hành) để từ đó tăng cường hơn công tác giám sát và xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các chủ thể thực hiện lập pháp theo ủy quyền.

Một số ý kiến khác đề xuất, nên quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội trong việc tham gia trực tiếp vào quá trình soạn thảo văn bản quy định chi tiết để bảo đảm tiến độ của văn bản cũng như bảo đảm văn bản thể hiện đúng tinh thần các nội đung được ủy quyền lập pháp. Cũng có thể cân nhắc quy định trước khi nghị định quy định chi tiết có hiệu lực thi hành thì cơ quan thẩm tra của Quốc hội sẽ cho ý kiến về nội dung quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong luật.

Hoàng Tuấn