Phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
Với mục tiêu khơi dậy khát vọng phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xanh, thông minh, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Thống nhất cao trong nhận thức về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng và yêu cầu, nhiệm vụ phát triển thủ đô, tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, kết hợp với nguồn lực trong nước và quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, kinh tế và hội nhập quốc tế có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển.
Đồng thời, cần phát triển Thủ đô nhanh, bền vững, bao trùm, hội nhập quốc tế, gắn với quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn. Khai thác và sử dụng hiệu quả các lợi thế về địa chính trị, địa kinh tế, điều kiện tự nhiên. Bảo tồn, phát huy bản sắc, văn hóa, lịch sử nghìn năm văn hiến, các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của vùng đất Thăng Long - Hà Nội. Văn hóa và con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, là động lực, nguồn lực đặc biệt quan trọng để phát triển Thủ đô với con người là trung tâm, hạt nhân của sự phát triển. Giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài là trụ cột cốt lõi trong xây dựng, phát triển Thủ đô.
Phát triển đô thị xanh, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc, là động lực phát triển chính của Thủ đô, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết với các đô thị vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Phát triển nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, có bản sắc. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, trong đó ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối, giao thông công cộng, hạ tầng số, hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tích cực chủ động hội nhập quốc tế, mở rộng các hoạt động đối ngoại, xây dựng hình ảnh Thủ đô Hà Nội văn hiến, thanh bình và thịnh vượng, thành phố toàn cầu.
Kinh tế đô thị gắn với khai thác hiệu quả các không gian phát triển
Về mục tiêu phát triển, đến năm 2030, thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, nơi đáng đến và lưu lại, nơi đáng sống và cống hiến; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao, có trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực; là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước; trung tâm kinh tế tài chính lớn, cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của cả nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực; trung tâm hàng đầu cả nước về giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.
Trong đó, Hà Nội sẽ đi sâu vào các nhiệm vụ trọng tâm, với nhiệm vụ ưu tiên là bảo vệ môi trường và cảnh quan. Giải quyết căn bản ô nhiễm môi trường không khí và môi trường nước; xóa bỏ tình trạng ngập, úng cục bộ; xử lý nước thải, làm sống lại các dòng sông, khai thác tiềm năng lợi thế không gian mặt nước của hệ thống sông, ao hồ để tạo cảnh quan môi trường đặc sắc của Thủ đô với sông Hồng là trục cảnh quan trung tâm, là không gian văn hóa, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch.
Về phát triển đô thị và nông thôn, thành phố sẽ phát triển giao thông công cộng, cơ bản hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị, đường vành đai, các cầu qua sông Hồng trước năm 2035; giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc tại các cửa ngõ của thành phố và khu vực nội đô. Bảo tồn, tôn tạo các khu phố cổ, phố cũ; phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, các công trình kiến trúc tiêu biểu gắn với phát triển du lịch bền vững. Cải tạo các khu chung cư cũ, các khu nhà ở không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn. Phát triển đô thị theo hướng xanh, thông minh, hiện đại, có hệ thống hạ tầng và dịch vụ đồng bộ...
Riêng về phát triển kinh tế, Hà Nội quyết tâm cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ. Hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa trước năm 2030. Ưu tiên phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, các ngành mới nổi; phát triển khu công nghiệp công nghệ cao, sinh thái, thu hút các tập đoàn lớn trên thế giới thực hiện các chương trình trọng điểm của Thủ đô... Đặc biệt, Hà Nội sẽ phát triển kinh tế đô thị gắn với tổ chức, khai thác có hiệu quả các không gian phát triển. Phát triển các mô hình kinh tế đêm phù hợp đối với từng khu vực, gắn với khai thác không gian văn hóa - lịch sử, phố cổ - hồ Tây - sông Hồng và các khu vực có tiềm năng, lợi thế, tạo nên nét đặc sắc, hấp dẫn của Hà Nội.
Hà Nội cũng cam kết sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường, thiếu lớp, bảo đảm điều kiện tiếp cận giáo dục thuận lợi, phù hợp theo độ tuổi với chất lượng giáo dục hướng đến tiêu chuẩn quốc tế, đào tạo công dân toàn cầu; xây dựng hệ thống y tế Thủ đô tiên tiến, hiện đại, chuyên sâu, đáp ứng toàn diện nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, là trung tâm lớn về y tế của cả nước và khu vực...
Kế thừa và tiếp nối truyền thống lịch sử hào hùng, vẻ vang, với khát vọng, tinh thần đoàn kết và sáng tạo, Hà Nội vững bước vào thời kỳ mới với quyết tâm xây dựng Thủ đô trở thành thành phố toàn cầu, xứng tầm đại diện vị thế Thủ đô nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.