Tiền đề phát triển mạng xã hội lành mạnh, an toàn

Bài cuối: Mấu chốt là ý thức "công dân mạng"

- Thứ Sáu, 25/06/2021, 08:17 - Chia sẻ
Thực tế cho thấy vi phạm trên môi trường mạng vẫn tiếp tục xảy ra...  nếu như các quy định, chế tài, quy tắc về ứng xử chưa đến được với người sử dụng mạng xã hội. Bên cạnh các quy định pháp luật, bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được coi là "khế ước" về mặt đạo đức điều chỉnh các hành vi ứng xử của công dân mạng, góp phần xây dựng môi trường văn hóa mạng xã hội văn minh, an toàn, lành mạnh.

Chế tài đã đủ, nhưng...

Tục ngữ Việt Nam có câu "học ăn, học nói, học gói, học mở” vẫn luôn luôn đúng. Bản thân mỗi người không tự ý thức để hành xử đúng mực thì xã hội sẽ lộn xộn. Người lớn, người của công chúng mà ứng xử không chuẩn mực thì các thế hệ sau sẽ làm theo. Do đó, giáo dục phổ biến, nâng cao nhận thức, ý thức cho mọi người phải bắt đầu giáo dục từ bé, trong gia đình, nhà trường.

- TS. Khuất Thu Hồng

Là quốc gia đứng thứ 7 trên thế giới về số lượng người sử dụng Facebook nói riêng và có khoảng 55 triệu người dùng mạng xã hội nói chung, Việt Nam có số lượng người sử dụng mạng xã hội chiếm khoảng 57% dân số. Do vậy hệ thống văn bản liên quan đến lĩnh vực này tương đối đầy đủ, từ Luật An ninh mạng đến các văn bản hướng dẫn; gần đây có Nghị định 15/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử được đánh giá là một văn bản tác động đến cá nhân, tổ chức sử dụng mạng internet.

Theo các văn bản pháp luật hiện hành thì tùy tính chất, mức độ hành vi vi phạm để xử lý hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Chẳng hạn, Điều 155, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định: người nào sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác sẽ bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Hay, tại Mục 4, Chương V, Nghị định 15/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm về thông tin trên mạng nêu rõ: Đối với cá nhân cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức; danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng.

Theo các chuyên gia pháp luật, quy định pháp luật và chế tài xử phạt các cá nhân, tổ chức vi phạm quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là rất rõ ràng, nghiêm khắc. Tuy nhiên thực tế cũng cho thấy, tình trạng vi phạm vẫn xảy ra, những sự việc, cá nhân dùng lời lẽ khiếm nhã, thiếu lịch sự, thậm chí xúc phạm, thóa mạ người khác thông qua các "tút", bình luận thi thoảng vẫn xuất hiện trên mạng xã hội. Dẫn chứng việc này, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đưa ra con số: Từ đầu năm đến hết tháng 5.2021, Sở Thông tin và truyền thông đã phát hiện và xử lý trên 30 trường hợp vi phạm đăng tải các thông tin chứa nội dung sai sự thật về dịch bệnh Covid-19. Đó là chưa kể, các bộ phận chức năng của Sở này cũng đã tiến hành kiểm tra, rà soát, nhắc nhở, yêu cầu gỡ thông tin đối với nhiều trường hợp khác có hành vi đăng tin, bình luận “lệch chuẩn”, gây hoang mang, tạo dư luận không tốt trong xã hội.

Mới đây, để góp phần thúc đẩy công lý về ứng xử trên mạng xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng ban hành quy tắc “mềm” về ứng xử trên mạng xã hội. Bên cạnh những quy tắc chung về tôn trọng, tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; bảo đảm an toàn, bí mật thông tin... Bộ quy tắc cũng quy định trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên mạng xã hội và phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật. Đặc biệt, Bộ Quy tắc khuyến cáo cá nhân, tổ chức sử dụng mạng xã hội nên sử dụng họ, tên thật; Chỉ chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; Có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa; Không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo...

Nguồn: ITN

Bắt đầu từ giáo dục

Rõ ràng, trong bối cảnh mạng xã hội đang phát triển khó kiểm soát như hiện nay, bên cạnh quy định pháp luật, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được các chuyên gia ví như là quy tắc “mềm”, là công cụ thúc đẩy công lý, tạo điều kiện phát triển lành mạnh mạng xã hội Việt Nam, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các quy ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Chia sẻ về điều này, Biên tập viên trang tin nhanh Lê Thị T - một facebooker sở hữu một Fanpage hàng nghìn like chia sẻ: Việc lạm dụng, dùng mạng xã hội sai cách như dùng ngôn từ không lành mạnh, có yêu tố chỉ trích... có thể dẫn tới nhiều vấn đề tiêu cực. Chính vì thế, Bộ quy tắc giúp người dùng nắm rõ hơn về cách dùng mạng xã hội theo chuẩn mực nhất định và sử dụng có mục đích, ý nghĩa hơn trong cuộc sống mỗi ngày. Từ góc nhìn này có thể thấy, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội sẽ góp phần giúp cho người sử dụng có những hành vi ứng xử phù hợp, tạo ra một không gian mạng văn minh hơn.

Dẫu vậy, dưới góc nhìn xã hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, TS. Khuất Thu Hồng nêu thực tế: Hiện đã có các quy định pháp luật với các khung hình phạt khá răn đe về việc ứng xử trên mạng xã hội, song thực tế vẫn có trường hợp một số người phải tự tử vì bị bắt nạt trên mạng xã hội, vẫn có những câu chuyện đôi co giữa nghệ sĩ này với nghệ sĩ kia bởi từ một "tút" bình luận trên mạng xã hội. Lý do này là vì đâu? Phải chăng do việc phổ biến, tuyên truyền luật tới người dân đến nơi đến chốn, để rồi những vi phạm chỉ được nhắc nhở, nhiều trường hợp chỉ bị phạt với số tiền rất nhỏ khiến vi phạm không được xử lý triệt để… dẫn đến có nhiều trường hợp bất chấp quy định, quy tắc, coi thường pháp luật?

Nhiều chuyên gia pháp lý cũng cho rằng, cần phổ biến rộng rãi đến người dân, nhất là thế hệ trẻ, người của công chúng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, từ đó góp phần ngăn ngừa những hành vi vi phạm pháp luật từ việc sử dụng mạng. Có thể thấy, Bộ Quy tắc chỉ phát huy được giá trị thúc đẩy khi được nhiều người biết đến và cùng nhau xây dựng cộng đồng mạng văn minh. Sâu xa hơn, mạng xã hội là tấm gương phản chiếu các giá trị của đời sống thực, do đó, điều quan trọng không kém phải là nâng cao dân trí, đổi mới giáo dục và lan tỏa các giá trị văn hóa tiến bộ trong cộng đồng.

Hải Thanh