Nhìn lại 10 năm thi hành Luật Nuôi con nuôi:

Bài cuối: Lấy trẻ em làm trung tâm

- Chủ Nhật, 28/11/2021, 10:11 - Chia sẻ
Thực tiễn 10 năm thực hiện Luật Nuôi con nuôi cho thấy, nuôi con nuôi là một trong những biện pháp chăm sóc thay thế dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Chính vì thế, một trong giải pháp ưu tiên thực hiện trong thời gian tới là là bãi bỏ nhiều thủ tục không cần thiết thuận lợi hơn cho người nhận nuôi; đồng thời bổ sung trách nhiệm của người nhận nuôi.

Bổ sung trách nhiệm

Đích đến cuối cùng của việc nuôi con nuôi là bảo đảm cho trẻ em rơi vào hoàn cảnh không may mắn được sống trong môi trường gia đình. Do đó, để khắc phục những bất cập trong hơn 10 năm thi hành Luật Nuôi con nuôi, chuyên gia pháp lý cho rằng, việc đánh giá điều kiện nuôi con nuôi phải tập trung cả về những yếu tố gia đình, xã hội, tâm lý và sức khỏe của trẻ em, thay vì chỉ dựa trên ý chí và nguyện vọng của người lớn.

Việc xác định điều kiện nuôi con nuôi cần dựa trên các yếu tố gia đình, xã hội, tâm lý và sức khỏe của trẻ em

Phó Cục trưởng Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp Nguyễn Kim Anh cho rằng, về lâu dài Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ việc nuôi con nuôi trong nước, tập huấn cho người dân có nguyện vọng nhận trẻ em làm con nuôi và cần phải có thay đổi trong trình tự, thủ tục giải quyết việc nuôi con nuôi trong nước. Đại diện của nhiều địa phương cho rằng, để làm được điều này cần có các hướng dẫn các tiêu chí để thẩm tra, xác nhận điều kiện quy định tại Điều 14, Luật Nuôi con nuôi của người nhận nuôi con nuôi; đồng thời mở rộng phạm vi lấy kiến đồng ý về việc giải quyết cho trẻ làm con nuôi đối với cô, dì, chú, bác ruột của trẻ em (trong trường hợp không thể lấy được ý kiến của bố mẹ đẻ của đứa trẻ).

Đại diện Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện thành phố có 54 cơ sở nuôi dưỡng được thành lập hợp pháp và đang nuôi dưỡng trên 3.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhưng chỉ có 8 cơ sở nuôi dưỡng thực hiện việc gửi hồ sơ tìm gia đình thay thế cho trẻ. Số còn lại không thực hiện việc gửi hồ sơ hay tìm gia đình thay thế cho trẻ. Mặc dù, thành phố đã có chỉ đạo về việc này nhưng đến nay, tình hình chưa được cải thiện. Lý giải điều này, đại diện Sở Tư pháp cho hay, pháp luật chưa có quy định chế tài đối với các trường hợp cơ sở nuôi dưỡng không thực hiện việc đánh giá, lập hồ sơ tìm gia đình thay thế cho trẻ theo quy định của Luật Trẻ em, Luật Nuôi con nuôi.

Bỏ giấy tờ không cần thiết

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Nuôi con nuôi cần hướng tới việc đơn giản các thủ tục nhận nuôi con nuôi. 

Hiện, lĩnh vực nuôi con nuôi có 14 thủ tục hành chính thực hiện ở 4 cấp (Trung ương, tỉnh, huyện, xã) như thủ tục Cấp giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam; Gia hạn giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam; Sửa đổi giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam; thủ tục Giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài đối với trẻ em sống ở cơ sở nuôi dưỡng... Các quy định này chồng chéo, thậm chí “vô hiệu hóa” nhau, khiến cán bộ tư pháp – hộ tịch cấp xã không biết vận dụng như thế nào.

Chẳng hạn, Điểm c, Khoản 1, Điều 14 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định người nhận con nuôi phải có điều kiện về kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi nhưng Điều 17 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 chưa có quy định cụ thể về các giấy tờ chứng minh các điều kiện đó mà giao trách nhiệm xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp. Tuy nhiên để thực hiện việc xác nhận này thì Ủy ban nhân dân cấp xã lại phải yêu cầu người nhận con nuôi phải cung cấp giấy tờ để chứng minh điều kiện kinh tế, chỗ ở của người nhận con nuôi.

Bên cạnh việc làm rõ thủ tục giấy tờ, thì nhiều địa phương kiến nghị lược bỏ các giấy tờ, thủ tục không cần thiết tạo điều kiện cho địa phương, nhất là cấp xã quản lý theo hướng công khai, minh bạch; đồng thời bổ sung thời hạn thực hiện các thủ tục; rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục. Nếu quá nhiều thủ tục thì cha mẹ nhận nuôi sẽ không thực hiện (không có chế tài).

Việc bỏ quy định như: yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp trong thành phần hồ sơ của người nhận con nuôi trong trường hợp cha dượng/mẹ kế nhận con riêng của vợ/chồng làm con nuôi là tạo điều kiện nhanh chóng và thuận lợi nhất để đứa trẻ được sống bên gia đình mới với cha/mẹ đẻ và cha dượng/mẹ kế... được nhiều địa phương đồng tình. Bởi, thực tế đứa trẻ vẫn về ở với cha/mẹ đẻ và cha dượng/mẹ kế cho dù có thực hiện việc đăng ký hay không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hay, kiến nghị bỏ quy định về việc phải có biên bản xác nhận trẻ em bị bỏ rơi (trong trường hợp trẻ bị bỏ rơi được nhận làm con nuôi) cũng rất xác đáng. Bởi, hồ sơ của trẻ em được nhận làm con nuôi đã có Giấy khai sinh của trẻ em; đồng thời quy định rõ thời gian Sở Tư pháp thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi, tổ chức lễ giao nhận con nuôi sau khi có quyết định của UBND tỉnh là trong thời hạn 3 ngày làm việc.

Việc xác minh nguồn gốc trẻ em bị bỏ rơi cũng gặp khó khăn trong trường hợp cha, mẹ hoặc thân nhân của trẻ em bị bỏ rơi cố tình che giấu việc bỏ con, tìm mọi lý do để cán bộ xác minh không tiếp xúc được trong công tác xác minh nguồn gốc trẻ em bị bỏ rơi. Chính vì thế, thời gian xác minh cần được kéo dài để bảo vệ quyền lợi của trẻ.

(Đại diện Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an)

Đình Khoa