HĐND tỉnh Long An giám sát việc thực hiện các dự án hạ tầng công nghiệp, khu tái định cư ngoài ngân sách

Bài cuối: Lắng nghe ý kiến người dân

- Thứ Hai, 28/09/2020, 06:01 - Chia sẻ
Theo kinh nghiệm của HĐND tỉnh Long An, quá trình tổ chức giám sát, phải kết hợp chặt giữa việc đọc, nghe báo cáo với đi thực tế, gặp gỡ,  lắng nghe phản ánh của các đối tượng liên quan, nhất là lắng nghe ý kiến của người dân để thu thập thông tin toàn diện, khách quan. Cần hệ thống hóa các vấn đề (thành bộ câu hỏi) chuyển trước và yêu cầu UBND tỉnh, các cơ quan chức năng liên quan nghiên cứu trả lời làm rõ, nêu quan điểm ngay tại buổi đoàn giám sát đến làm việc. Nghị quyết của HĐND tỉnh sau giám sát đều yêu cầu thời hạn giải quyết cụ thể đối với các vấn đề lớn, bức xúc cần sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của UBND tỉnh.

Chuyển biến rõ sau giám sát, tái giám sát

Sau khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về tăng cường công tác quản lý đối với các dự án hạ tầng công nghiệp và khu tái định cư ngoài ngân sách trên địa bàn, đến cuối năm 2018, HĐND tỉnh Long An tổ chức tái giám sát và yêu cầu UBND tỉnh báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện nghị quyết. Tháng 5.2020, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp giải trình liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết. Qua theo dõi, giám sát, tái giám sát, giải trình cho thấy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện công khai, minh bạch thông tin dự án đầu tư để người dân tham gia giám sát việc thực hiện dự án; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng ngành, địa phương gắn với tiến độ từng công việc; chỉ đạo thanh tra, kết luận đối với một số dự án kéo dài, có nhiều bức xúc. Các ngành, địa phương liên quan và một số chủ đầu tư có nhiều nỗ lực, trách nhiệm trong thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh.

Thường trực HĐND tỉnh Long An tổ chức phiên giải trình giữa 2 kỳ họp về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các dự án
đầu tư hạ tầng công nghiệp và dân cư trên địa bàn.
Ảnh: Lê Đức

Nhờ vậy, tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật ở một số dự án tái định cư đã có chuyển biến rất tích cực; tỷ lệ giao lô nền tái định cư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng nhà ở của người dân đều tăng đáng kể; số khu công nghiệp đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư trực tiếp tăng lên. Các cơ quan chuyên môn tích cực nghiên cứu, đề xuất nhiều giải pháp khắc phục khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (bán nền tái định cư ưu đãi; khen thưởng việc giao mặt bằng sớm cho nhà đầu tư…).

Hệ thống hóa các vấn đề thành bộ câu hỏi

Từ hiệu quả mang lại qua giám sát chuyên đề việc thực hiện các dự án hạ tầng công nghiệp và dự án khu tái định cư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh Long An cho thấy, trước hết, việc chọn nội dung, chuyên đề giám sát của HĐND tỉnh phải là những vấn đề lớn, quan trọng, bức xúc, được nhiều cử tri và đại biểu HĐND tỉnh quan tâm; xác định đúng đối tượng cần khảo sát, giám sát; xây dựng kế hoạch, đề cương báo cáo giám sát phải thật chặt chẽ, cụ thể.

Quá trình tổ chức giám sát, phải kết hợp chặt giữa việc đọc, nghe báo cáo của các cơ quan, đơn vị tại buổi làm việc với việc đi thực địa, gặp gỡ, lắng nghe phản ánh, tâm tư của các đối tượng liên quan, nhất là lắng nghe ý kiến của người dân (Đoàn giám sát yêu cầu UBND xã mời một số hộ dân có quyền lợi liên quan đến các dự án đến để trao đổi, lắng nghe ý kiến; đồng thời đi đến trực tiếp ngẫu nhiên một số hộ tại dự án để nghe phản ánh, tâm tư). Với cách làm trên, thông tin có được qua giám sát rất toàn diện, nhiều chiều, khách quan, chân thực và thuyết phục (Khi giám sát các chuyên đề về bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp và cải cách hành chính, đoàn giám sát cũng thực hiện phương pháp gặp gỡ, tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp. Qua đó, đã thu thập được nhiều thông tin; đồng thời tác động cơ quan chức năng giải quyết ngay một số trường hợp thủ tục hành chính kéo dài, trễ hẹn mà người dân, doanh nghiệp phản ánh).

Sau khi khảo sát, nắm tình hình thực tế, đoàn giám sát cần hệ thống hóa các vấn đề (thành bộ câu hỏi) chuyển trước và yêu cầu UBND tỉnh, các cơ quan chức năng liên quan nghiên cứu để trả lời làm rõ, nêu quan điểm ngay tại buổi đoàn giám sát đến làm việc; nếu có vấn đề gì chưa rõ, đoàn giám sát tiếp tục đặt ra và yêu cầu giải trình. Với cách làm trên, buổi làm việc đối với UBND tỉnh, các cơ quan chức năng liên quan diễn ra rất nghiêm túc, chặt chẽ, khoa học; nội dung giải trình được thể hiện trong văn bản rất đầy đủ, chính xác với thông tin, số liệu cụ thể; đồng thời UBND tỉnh thể hiện rõ chính kiến đối với từng vấn đề đoàn giám sát đặt ra để thống nhất đưa vào các nhiệm vụ, giải pháp, yêu cầu của HĐND tỉnh trong nghị quyết sau giám sát.

Các kiến nghị của đoàn giám sát (sẽ được đưa vào nghị quyết của HĐND tỉnh sau này), phải thật xác đáng, thuyết phục, khả thi, nêu thời hạn hoàn thành cụ thể để UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành thực hiện dứt điểm. Trong các nghị quyết của HĐND tỉnh Long An sau giám sát chuyên đề đều tách bạch thành hai phần: Phần về các nhiệm vụ, giải pháp chung, thường xuyên; phần về các vấn đề cụ thể cần chỉ đạo kiểm tra, giải quyết ngay, có nêu thời hạn giải quyết cụ thể đối với các vấn đề lớn, bức xúc cần sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của UBND tỉnh.

Sau giám sát, Thường trực, các Ban HĐND tỉnh Long An thường xuyên quan tâm, theo dõi chặt việc UBND tỉnh và cơ quan chức năng giải quyết các yêu cầu của HĐND tỉnh trong nghị quyết sau giám sát. Trước kỳ họp thường lệ giữa năm, đều có công văn yêu cầu UBND tỉnh báo cáo cụ thể với HĐND tỉnh về tiến độ, kết quả thực hiện nghị quyết. Ngoài nghe báo cáo của UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh còn tổ chức tái giám sát, đi thực tế để kiểm tra lại các vấn đề UBND tỉnh đã chỉ đạo giải quyết; hoặc tổ chức phiên chất vấn, giải trình về các vấn đề đã giám sát.

KIỀU BẢO