Hà Giang phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế giảm nghèo bền vững

Bài cuối: Làn gió mới cho kinh tế vùng nông thôn

- Thứ Tư, 07/04/2021, 07:16 - Chia sẻ
Nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang Khóa XVII được kỳ vọng như “cú hích” thúc đẩy phát triển vùng kinh tế nông thôn, từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con và đã nhận được sự hưởng ứng rất lớn từ người dân. Đến nay, 321 hộ đã thực hiện thành công cải tạo vườn tạp.

Thấm sâu và lan tỏa

Trở lại huyện Vị Xuyên - điểm khởi nguồn của Nghị quyết 05 những ngày này, chúng tôi cảm nhận rõ không khí phấn khởi, hăng say thi đua lao động sản xuất của người dân. Trước khi ban hành Nghị quyết, tỉnh đã hỗ trợ huyện 1,5 tỷ đồng thực hiện thí điểm tại xã Phong Quang để rút kinh nghiệm và nhân rộng. Sau nửa năm triển khai, xã đã xây dựng được 10 vườn mẫu, trên 200 vườn tạp, biến những vườn, đồi bỏ hoang, cây trồng không hiệu quả thành những vườn cây ăn quả, vườn rau mang lại giá trị kinh tế tăng gấp nhiều lần.

	Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Hải Lý kiểm tra chất lượng gà giống trước khi hỗ trợ đến bà con
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Hải Lý kiểm tra chất lượng gà giống trước khi hỗ trợ đến bà con

Đến thăm những mảnh vườn vừa mới được cải tạo, quy hoạch lại mới thấy rõ được hiệu quả từ Nghị quyết 05. Đang cặm cụi chăm sóc mảnh vườn của mình, anh Lương Văn Quỳnh (thôn Lùng Càng, xã Phong Quang) hồ hởi chia sẻ: Trước đây, với gần 7.000m2 đất vườn đồi, gia đình anh loay hoay không biết trồng cây gì, nuôi con gì để có hiệu quả, thậm chí có thời điểm bỏ hoang nhiều phần diện tích. Từ khi địa phương có chủ trương cải tạo vườn tạp, được hướng dẫn, tư vấn và vay vốn ưu đãi, anh đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng vườn mẫu, trồng thanh long ruột đỏ. Dưới tán thanh long, gia đình còn trồng dưa hấu, rau các loại, thả gần 1.000 con gà và xây thêm chuồng trại chăn nuôi lợn giống. "Nhìn mảnh vườn giờ đây, tôi rất vui mừng. Qua chủ trương này đã giúp tôi thay đổi tư duy, nhận thức làm kinh tế. Năm nay, thu nhập từ mảnh vườn dự kiến đạt gần 200 triệu đồng, gấp 5 - 6 lần so với trước kia”, anh Quỳnh cho biết thêm. 

Chung niềm phấn khởi, anh Lý Văn Thu (thôn Nà Trà, xã Linh Hồ) cho biết: Gia đình có gần 12.500m2 đất vườn. Trước đây, do thiếu nước nên một phần diện tích chỉ trồng lúa một vụ, phần còn lại trồng rau. Từ khi được vay 30 triệu đồng vốn không lãi suất, anh đã đầu tư cải tạo đất, chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng cây ăn quả và xây dựng chuồng trại nuôi hươu. “Tuy mới cải tạo nhưng được hỗ trợ cây, con giống, được giúp đỡ về kỹ thuật, nhìn vườn cây xanh tốt, gọn gàng, sạch đẹp khiến tôi rất vui”, anh Thu chia sẻ.

Theo Bí thư Huyện ủy Vị Xuyên Đỗ Anh Tuấn, cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu đã tạo ra phong trào thi đua lao động sản xuất sôi nổi, rộng khắp trong toàn huyện. Điều đáng mừng, suy nghĩ của người dân có nhiều thay đổi, từ chỗ bỏ hoang, trồng cây không hiệu quả, nay người dân biết quý trọng từng tấc đất. Qua đó, tăng hệ số sử dụng đất, tạo sinh kế, tăng thu nhập, giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Đến nay, toàn huyện có gần 300 hộ đăng ký tham gia đề án.

Cũng theo Bí thư Huyện ủy Vị Xuyên Đỗ Anh Tuấn, để thực hiện hiệu quả chủ trương của tỉnh về cải tạo vườn tạp, huyện đã chỉ đạo quyết liệt, giao nhiệm vụ cho từng ngành, từng cán bộ phụ trách xã, thôn. Đồng thời, ban hành bộ giống cây trồng vật nuôi phục vụ cho việc cải tạo vườn tạp. Ngoài nâng cao thu nhập cho người dân từ mảnh vườn, mục tiêu hướng đến là gắn với việc quy hoạch lại vùng sản xuất, hướng tới liên kết chuỗi. Đặc biệt, huyện chủ động khảo sát, nắm bắt tình hình cũng như tâm tư, nguyện vọng của người dân khi triển khai nhiệm vụ. "Huyện thực hiện đúng quan điểm của tỉnh là làm đến đâu chắc đến đó, phải thật sự mang lại hiệu quả cho người dân. Trước mắt, đề ra chủ trương mỗi thôn phải thực hiện tối thiểu 1 hộ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Từ đó, làm mô hình điểm nhân rộng trên toàn địa bàn” - Bí thư Huyện ủy Đỗ Anh Tuấn nhấn mạnh. 

Linh hoạt, phù hợp thực tiễn

Hà Giang đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, chương trình cải tạo vườn tạp sẽ giúp hơn 6.500 hộ gia đình phát triển kinh tế vườn có thu nhập khá. Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt đến tận các chi bộ, người dân để thống nhất trong nhận thức và hành động trong tổ chức thực hiện. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức hội, đoàn thể tham gia giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo cải tạo vườn tạp…

Không được thuận lợi như Vị Xuyên, các địa phương khác trong tỉnh cũng đang có những cách chỉ đạo, triển khai cải tạo vườn tạp linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Tại Mèo Vạc, Đồng Văn - nơi có địa hình núi đá, việc thiếu nước, thiếu đất đã quá quen thuộc với người dân nơi đây. Vì vậy, các địa phương này xác định phải cải tạo đất, dọn đá tạo mặt bằng, đổ đất tạo vườn rồi mới xác định trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp với từng gia đình, từng địa phương. Với cách làm đó, khi triển khai nghị quyết của tỉnh về cải tạo vườn tạp, người dân hết sức đồng tình ủng hộ.

Còn tại Quản Bạ, đến thời điểm này, toàn huyện đã đạt 71% kế hoạch cải tạo vườn tạp năm 2021 với 70/105 hộ hoàn thành việc. Thực tiễn các địa phương cho thấy, chương trình cải tạo vườn tạp theo Nghị quyết số 05 của Đảng bộ tỉnh đã trở thành phong trào thi đua, lao động sản xuất rộng khắp. Chủ tịch UBND huyện Hạng Dương Thành chia sẻ: Quản Bạ có những cách làm sáng tạo, chủ động trong thực hiện cải tạo vườn tạp. Cụ thể là việc thực hiện thí điểm quy hoạch diện tích đất khoa học, trồng các giống cây tiềm năng gắn với xây dựng mô hình nhà sạch vườn đẹp. Từng mô hình thực hiện cải tạo phải gắn với vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi. Với phương châm “cầm tay hướng dẫn, không làm thay", đến nay, toàn bộ các diện tích cải tạo vườn tạp của các hộ đã cho thấy những tín hiệu tốt về sự sinh trưởng. Huyện cũng chủ trương hướng dẫn người dân trồng rau màu ngắn hạn để lấy ngắn, nuôi dài. Hiện, một số diện tích đã cho thu hoạch và sẽ được các đơn vị, trường học trên địa bàn xã ký kết bao tiêu toàn bộ.

Có thể thấy, việc lồng ghép thực hiện nội dung cải tạo vườn tạp gắn với xây dựng mô hình nhà sạch vườn đẹp tại huyện Quản Bạ cũng như các huyện vùng cao núi đá là cách làm hết sức đúng và cần thiết; bước đầu mang lại những hiệu ứng khả quan. Không những tạo sinh kế cho người dân, mang lại nguồn thu nhập ổn định hơn mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống, chỉnh trang diện mạo cho nông thôn. Tin rằng, với sự vào cuộc, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị toàn tỉnh, sự đồng lòng của người dân, Nghị quyết 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang Khóa XVII sẽ thành công, đáp ứng được mong mỏi, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân.

TRỌNG HIẾU