Để trở thành người đại biểu của Nhân dân

Bài cuối: Kỹ năng tiếp xúc với báo chí

- Thứ Tư, 28/04/2021, 06:13 - Chia sẻ
Trong vận động bầu cử, báo chí rất quan tâm đến các ứng cử viên với thiện ý tốt là giới thiệu hình ảnh trước công chúng/cử tri. Đây là hoạt động bình thường các cơ quan báo chí các ứng cử viên cần tận dụng. Làm thế nào để có kỹ năng tiếp xúc với báo chí? Sau đây là một số kinh nghiệm tiếp xúc với các phóng viên, cơ quan thông tin đại chúng.

Chủ động đề nghị thay đổi nội dung cho phù hợp

Tiếp xúc với cơ quan, phóng viên báo viết. Hình thức tiếp xúc này tương đối dễ, không đòi hỏi kỹ năng quá cao nhưng lại đòi hỏi trình độ chuyên môn và kinh nghiệm thực tế sâu sắc. Ứng cử viên được chủ động hơn và thường có hai dạng: Viết bài để đăng hoặc trả lời phỏng vấn. Nhìn chung, có các bước chuẩn bị theo trình tự sau:

Các đại biểu tham dự Hội nghị tập huấn Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho nữ ứng cử viên lần đầu tham gia ứng cử đại biểu HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026 . ẢNH L. HỢP
Các đại biểu tham dự Hội nghị tập huấn Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho nữ ứng cử viên lần đầu tham gia ứng cử đại biểu HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026
ẢNH L. HỢP

Trường hợp viết bài có thời gian chuẩn bị trước. Ứng cử viên xem xét, nghiên cứu, làm rõ các vấn đề, nội dung được yêu cầu viết bài hoặc nội dung yêu cầu trả lời phỏng vấn, sau đó chủ động viết, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, trao đổi, thống nhất lại vấn đề, nội dung yêu cầu. Nếu nội dung vấn đề phóng viên yêu cầu trả lời hoặc đặt viết bài không thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình, hoặc kinh nghiệm còn chưa nhiều nên "khéo" từ chối lịch sự; hoặc chủ động đề nghị thay đổi nội dung cho phù hợp khả năng. Thông thường, nội dung cơ quan, phóng viên đề nghị đều xoay quanh nội dung chương trình hành động ứng cử viên đã chuẩn bị, nhưng phải chuyển từ nội dung chương trình hành động thành dạng bài báo, hoặc dạng trả lời phỏng vấn của báo theo các câu hỏi do phóng viên đưa ra.

Cũng có thể phóng viên yêu cầu ứng cử viên viết hoặc trả lời sâu về một vấn đề nào đó trong những vấn đề đã nêu trong chương trình hành động. Khi đó, cần đầu tư thời gian và tư duy sâu hơn. Khi viết nên có đề cương với bố cục và các nội dung chính; viết theo mạch suy nghĩ của mình, sau đó đọc lại, sửa đổi, bổ sung một vài lần trong thời gian một vài ngày. Chú ý ngôn ngữ, hành văn cho mạch lạc, dễ hiểu và hiểu đúng; tránh viết trùng lặp, sai lỗi chính tả, sử dụng từ ngữ địa phương.

Trường hợp không được cơ quan, phóng viên đề nghị, ứng cử viên có thể chủ động lựa chọn vấn đề viết bài gửi cho báo, tạp chí cũng rất tốt. Qua đó, nêu được nhận thức của mình, kinh nghiệm thực tế trải nghiệm tại địa bàn nơi mình ứng cử.

Trường hợp phỏng vấn mà phóng viên báo, tạp chí đặt trước các câu hỏi: Sau khi lựa chọn, làm rõ nội dung các câu hỏi, ứng cử viên viết trả lời thẳng vào nội dung từng câu hỏi, ngắn gọn, rõ, đủ nội dung. Cần đọc lại bài viết một vài lần để chỉnh sửa cho phù hợp.

Trường hợp phóng viên phỏng vấn trực tiếp, cần lắng nghe, trao đổi ý kiến làm rõ nội dung câu hỏi, sau đó chậm rãi trả lời theo suy nghĩ của mình, phải làm rõ, đúng nội dung theo từng vấn đề câu hỏi đặt ra. Cần đề nghị trước khi in bài, phóng viên cho xem lại, nếu chưa đúng suy nghĩ của mình, cần đề nghị phóng viên chỉnh sửa lại. Tránh trường hợp in báo, phát hành rồi mới phát hiện lỗi thì không thể sửa lại được.

Trả lời những vấn đề là kiến thức, kinh nghiệm

Tiếp xúc với phóng viên phát thanh, truyền hình - phương tiện thông tin phổ thông, ngày một phát triển và hiện đại hóa, thu hút nhiều khán, thính giả, bởi họ nhận được thông tin bằng cả lời nói và hình ảnh. Đây là công việc khó, phức tạp đối với không ít ứng cử viên, nhất là các ứng cử viên lần đầu tiếp xúc với các phương tiện thông tin này. Để có kỹ năng tốt, yếu tố quan trọng đầu tiên là phải tự tin, không để ngoại cảnh chi phối, chỉ trình bày, trả lời những vấn đề đã trở thành kiến thức, kinh nghiệm của mình. Ứng với mỗi hình thức tiếp xúc cần có những kỹ năng riêng.

Thứ nhất, trình bày chương trình hành động qua đài phát thanh, truyền hình. Đây là hình thức vận động bầu cử rộng rãi nhất, gần như ứng cử viên nào cũng tham gia. Từ chương trình hành động của ứng cử viên đã chuẩn bị, được tổng hợp chuyển thành bài phát biểu, trình bày tại đài phát thanh, truyền hình (không phải đọc nguyên văn). Bài trình bày phải ngắn gọn, súc tích, lựa chọn có trọng tâm vấn đề cần nêu. Đọc lại nhiều lần trước khi trình bày để nhớ những nội dung cốt lõi, cơ bản và trở thành nhận thức, quyết tâm của mình. Thời gian trình bày không nên quá dài (khoảng 5 - 7 phút). Phát âm rõ, truyền cảm, âm lượng, tốc độ vừa phải.   

Thứ hai, trả lời phỏng vấn có đặt trước câu hỏi. Đối với các vấn đề, nội dung được phóng viên đặt trước các câu hỏi, ứng cử viên có thời gian chuẩn bị trước để trả lời. Ban đầu chưa quen, có thể chuẩn bị bài viết, sau đó đọc lại một vài lần (đọc thành tiếng) và bổ sung, chỉnh sửa. Khi công việc đã quen, thành thục thì không cần chuẩn bị kỹ thành bài viết mà chỉ gạch đầu dòng (đề cương) các nội dung chính cần diễn đạt. Cần đi thẳng vào nội dung câu hỏi để trả lời, sử dụng kiến thức nghiệp vụ, chuyên môn, hiểu biết và kinh nghiệm của mình hoặc tham khảo thêm ý kiến của đồng nghiệp, bạn bè... Sau đó, xem xét lại nội dung cần trả lời, bổ sung, chỉnh sửa. Nên sử dụng văn nói ngắn, gọn, rõ ràng, súc tích, cung cấp những thông tin quan trọng nhất nêu các quan điểm, nhận thức của mình.

Thứ ba, trả lời phỏng vấn trực tiếp, câu hỏi chỉ nêu trước ít phút. Đây là hình thức có yêu cầu khá cao, có thể phỏng vấn ngay tại nơi tổ chức TXCT. Trước tiên, yêu cầu phóng viên nêu rõ chủ đề, nội dung cần trả lời, để ứng cử viên tư duy ít phút rồi mới trả lời phỏng vấn. Không nên chưa biết rõ chủ đề, nội dung mà đã nhận trả lời ngay, trừ những ứng cử viên có kiến thức uyên bác, dày dạn kinh nghiệm. Tiếp đến, khi nghe phóng viên nêu câu hỏi phải chú ý lắng nghe, hiểu chính xác, đầy đủ nội dung, định hình (trong đầu) một đề cương trả lời; hít sâu, bình tĩnh trả lời một cách từ tốn, ngắn gọn, rõ lời, rõ tiếng, tập trung vào nội dung chính. Nếu trả lời phỏng vấn đài phát thanh chỉ ghi âm, không ghi hình, có thể chọn tư thế ngồi hoặc đứng sao cho thoải mái, đủ ánh sáng để ghi câu hỏi và lựa chọn đáp án trả lời.

Khi trả lời phỏng vấn để lên sóng truyền hình, chú ý hình thức, diện mạo bên ngoài, tạo sự tự tin gây ấn tượng tốt cho khán giả/cử tri. Trong phần chuẩn bị bài trả lời cũng cần đặt ra một số tình huống, câu hỏi phóng viên có thể hỏi bổ sung do phát triển các vấn đề, nội dung đang trao đổi trực tiếp.

Lương Anh Tế, Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương