Bài cuối: Kiến tạo niềm tin từ "Lá chắn mềm" trong kỷ nguyên số
Giữa "ma trận" thông tin trong thời đại số, để có thể giữ vững niềm tin và định hướng dư luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, báo chí của cơ quan dân cử, với vị thế đặc biệt đã trở thành lực lượng tiên phong "kiến tạo niềm tin" trước những luận điệu xuyên tạc ngày càng tinh vi, với rất nhiều thông tin xấu độc.

Giữa "ma trận" thông tin trong thời đại số, để có thể giữ vững niềm tin và định hướng dư luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, báo chí của cơ quan dân cử, với vị thế đặc biệt đã trở thành lực lượng tiên phong "kiến tạo niềm tin" trước những luận điệu xuyên tạc ngày càng tinh vi, với rất nhiều thông tin xấu độc.


Tuyến đầu bảo vệ nền tảng
tư tưởng của Đảng
Chúng ta đang sống trong một thời đại bùng nổ thông tin và công nghệ số, nơi các thế lực thù địch không ngừng khai thác triệt để không gian mạng để phát tán thông tin sai lệch, công kích những giá trị cốt lõi của Đảng và dân tộc. Các đối tượng đã không chỉ đưa ra các nhận định vô căn cứ, xuyên tạc về cá nhân lãnh đạo của Đảng mà còn tinh vi bóp méo hoạt động của Quốc hội và các cơ quan dân cử – nơi thể hiện ý chí của Nhân dân.

Đáng chú ý, những trang mạng núp bóng "dân chủ" thường xuyên cắt ghép, xuyên tạc thông tin nhằm tạo ra hình ảnh méo mó, gây xói mòn lòng tin vào bộ máy nhà nước. Chính những "cơn bão" thông tin xấu độc, lệch chuẩn này đã khiến không ít người dân, đặc biệt là giới trẻ bị lung lay và phai nhạt lý tưởng.
Là cầu nối giữa "ý Đảng và lòng dân", là nơi phản ảnh một cách trung thực nhất hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước, báo chí cơ quan dân cử mang trên mình sứ mệnh cao cả, vượt xa vai trò truyền thông thuần túy. Nhiều chuyên gia nhận định: đây không chỉ là kênh thông tin, mà còn là phương tiện hữu hiệu thể hiện tính công khai, minh bạch, dân chủ và pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Khi hoạt động giám sát của Quốc hội được truyền thông công khai, khi các phiên chất vấn được tường thuật trực tiếp, khi ý kiến của người dân được phản ánh trung thực trên báo chí của Quốc hội – đó chính là cách bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng bằng hành động thực tiễn, bằng sự công khai trách nhiệm.

Cử tri Bùi Mỹ Hạnh (Tây Hồ, Hà Nội) cho rằng: "Thông qua báo chí của cơ quan dân cử, người dân sẽ hiểu rõ hơn về chính sách pháp luật, về vai trò giám sát của đại biểu dân cử, về những nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong xây dựng thể chế và cải cách hành chính, từ đó củng cố lòng tin vào chế độ, vào sự lãnh đạo của Đảng, biết lọc những thông tin xấu, độc để tránh xa".

.jpg)
Đổi mới và thích ứng
để "kiến tạo niềm tin"
Đáp ứng kỳ vọng sâu sắc của cử tri và Nhân dân cả nước, thời gian qua, báo chí cơ quan dân cử đã không ngừng đổi mới để trở thành tuyến đầu trong cuộc chiến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Thay vì chỉ dựa vào các bản tin hội nghị hay thông cáo chính sách khô khan, đội ngũ những người làm báo đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, chủ động áp dụng tư duy truyền thông hiện đại và tích hợp đa nền tảng.

Điển hình, Báo Đại biểu Nhân dân – Tiếng nói của Quốc hội, diễn đàn của đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và cử tri – đã tích cực khai thác và truyền tải hình ảnh sinh động từ thực tiễn hoạt động nghị trường, những câu chuyện gần gũi của đại biểu với cử tri, và các vấn đề dân sinh bức xúc mà cử tri quan tâm. Báo đã sử dụng đa dạng các hình thức hấp dẫn như video ngắn, infographic, các cuộc đối thoại trực tuyến và livestream chuyên đề... để đưa thông tin, chính sách pháp luật đến gần hơn với công chúng. Đặc biệt, báo đã có những bài viết phân tích hoạt động nghị trường một cách sinh động, qua đó thể hiện sự phản biện, đóng góp của các đại biểu Quốc hội trong thảo luận các chính sách, cũng như giám sát hiệu quả việc thực thi chính sách trên thực tế. Điều này được cử tri, độc giả đánh giá rất cao.

Không dừng lại ở đó, gần đây Báo Đại biểu Nhân dân còn thể hiện rõ vai trò kiến tạo niềm tin qua việc truyền tải thông tin về các vấn đề nóng về công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước. Việc triển khai chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hoặc tinh giản biên chế là vấn đề nhạy cảm, dễ bị các thế lực thù địch xuyên tạc. Báo Đại biểu Nhân dân đã kịp thời đăng tải những bài viết phân tích chuyên sâu về tính tất yếu của việc sắp xếp bộ máy để nâng cao hiệu quả quản lý, giảm gánh nặng ngân sách, và phục vụ người dân tốt hơn. Báo không chỉ tuyên truyền các nghị quyết, chủ trương của Đảng, mà còn là diễn đàn để các đại biểu Quốc hội, chuyên gia về cải cách hành chính, và cả những cán bộ, người dân tại các địa phương thuộc diện sắp xếp bảy tỏ quan điểm về việc tinh gọn bộ máy. Qua đó cho thấy, cán bộ, người dân đánh giá cao cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy lần này. Bởi, chỉ có tinh gọn thì mới nâng cao hiệu quả hoạt động, chỉ có tinh gọn thì người dân, doanh nghiệp mới được phục vụ tốt hơn. Và chỉ có tinh gọn bộ máy, mới mang lại một không gian phát triển mới cho đất nước.



Báo chí của cơ quan dân cử đã thể hiện sự tiên phong trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đơn cử, Báo Đại biểu Nhân dân đã tiên phong với những bài viết sâu sắc, trực diện về chủ đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong kỷ nguyên số. Tác phẩm "Không để khiếu nại, tố cáo trở thành “mảnh đất màu mỡ” của thế lực thù địch” của tác giả Đào Cảnh là một ví dụ. Bài viết đã phản ánh sắc bén thực trạng lợi dụng mạng xã hội để tấn công tư tưởng cách mạng, đồng thời đề xuất những giải pháp thiết thực trong công tác đấu tranh phản bác. Bài viết đã giành giải cao tại Cuộc thi viết chính luận về Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2022.

Việc minh bạch hóa thông tin về mục tiêu, lộ trình, và lợi ích lâu dài của việc sắp xếp bộ máy đã giúp công chúng hiểu đúng bản chất vấn đề, bác bỏ những thông tin sai lệch cho rằng đây là động thái "gây xáo trộn xã hội", từ đó củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, về hiệu quả quản lý Nhà nước.
Tuy nhiên, trước sự bùng nổ thông tin mạng, việc phân biệt thông tin thật - giả để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một thách thức rất lớn. Điều này đòi hỏi các cơ quan báo chí nói chung, cơ quan báo chí của cơ quan dân cử nói riêng phải là người đi đầu định hướng thông tin dư luận, chủ động phản bác các thông tin xấu độc của các đối tượng thù địch, phản động. Như Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: "Xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí tiên phong, sắc bén, tinh nhuệ và hình thành những “công dân số” có kiến thức, kỹ năng, bản lĩnh để chủ động tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”.

Để nâng cao công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, báo chí cơ quan dân cử phải luôn đặt nền tảng tư tưởng của Đảng là kim chỉ nam cho mọi hoạt động tuyên truyền. Xây dựng chuyên trang, chuyên mục thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; vạch trần các âm mưu “diễn biến hòa bình”, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Báo chí cơ quan dân cử phải thể hiện rõ vai trò “lá chắn” tư tưởng vững chắc, đồng thời là “mũi nhọn” phản công nhanh, trúng, hiệu quả trên không gian mạng.



Để làm tốt hơn nữa vai trò của mình trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời gian tới, mỗi phóng viên, biên tập viên của báo chí cơ quan dân cử cần trở thành một “chiến sĩ thông tin”, có khả năng phát hiện sớm các luồng dư luận trái chiều, các chiến dịch xuyên tạc. Không chỉ trang bị kiến thức, nghiệp vụ cao mà còn phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực phân tích và phản biện, kỹ năng truyền thông số để không bị động, không rơi vào thế “chạy theo” thông tin xấu độc. Cùng với đó, cần lan tỏa các tấm gương người tốt, việc tốt trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cấp nền tảng số, sản xuất nội dung phản bác và định hướng trực tiếp trên các nền tảng như YouTube, Facebook, TikTok, Zalo để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của báo chí cơ quan dân cử, tiếp cận hiệu quả hơn với các nhóm độc giả khác nhau, nhất là giới trẻ – nhóm đối tượng dễ bị lôi kéo bởi thông tin sai lệch. Song song với đó, cần có đội ngũ chuyên trách sáng tạo nội dung bảo vệ tư tưởng, vừa hấp dẫn vừa chuẩn xác, qua đó nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, chống lại các nguy cơ diễn biến tư tưởng trên môi trường mạng.
Cuộc chiến với những luận điệu xuyên tạc, thông tin xấu độc để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng rất cần sức mạnh tổng thể. Do đó, báo chí của cơ quan dân cử cần tăng cường phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, các tổ chức Đoàn thể và lực lượng chuyên trách về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Khi từng bài viết, từng bản tin nếu đặt đúng vào “trận địa” tư tưởng thì đều trở thành “vũ khí mềm” hiệu quả, đấu tranh và đẩy lùi các quan điểm sai trái, thù địch.
Tác giả: Hải Thanh
Trình bày: Duy Thông