Quản lý thị trường dịp Tết Tân Sửu 2021

Bài cuối: Kiểm soát chặt sàn thương mại điện tử

- Thứ Tư, 06/01/2021, 08:55 - Chia sẻ
Trong khi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên sàn thương mại điện tử chưa hoàn thiện, thì vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, lực lượng chức năng cần triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, tăng nặng hình thức xử phạt nhằm răn đe các đơn vị và cá nhân kinh doanh bất hợp pháp trên mạng.

Hơn 63.000 vụ việc vi phạm

Dù đã được triển khai nhiều giải pháp nhưng tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn có xu hướng gia tăng, đặc biệt là lợi dụng thương mại điện tử phát triển, các đối tượng buôn lậu hàng giả, hàng nhái tinh vi và chuyên nghiệp hơn, gây thách thức lớn cho doanh nghiệp và cơ quan chức năng. Cụ thể, thông tin tại "Diễn đàn Phòng, chống hàng giả, hàng nhái - thách thức và giải pháp" do Bộ Công thương phối hợp với một số đơn vị tổ chức tại Hà Nội cho thấy, tính riêng quý III.2020, hơn 63.000 vụ việc vi phạm; số vụ và số đối tượng bị khởi tố tăng lần lượt 14 - 25% so với cùng kỳ năm 2019.

Thủ đoạn của các đối tượng bán hàng giả, hàng nhái là dùng hình ảnh hàng chính hãng để quảng cáo, chào bán giá rẻ hơn rất nhiều giá trị thực nhằm lôi kéo người tiêu dùng. Mới đây, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an; Cục Quản lý thị trường Hà Nội đồng loạt ra quân kiểm tra 5 địa điểm bán hàng và kho chứa hàng của 2 website kinh doanh hàng hiệu là menshop79.com và Menshopfashion.com. Qua kiểm tra, đã phát hiện, thu giữ gần 2.000 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Gucci, Louis Vuitton, Hermes, Versace, Burberry…

Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Phòng An ninh công nghệ cao, Công an Hà Nội xử lý hoạt động kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Samsung tại Cầu Giấy. Các đối tượng đã sử dụng website đăng địa chỉ ảo, người đứng tên mua website là một người, còn người thực sự sở hữu và sử dụng là một người khác và sử dụng rất nhiều website trong quá trình hoạt động.

Theo dự báo và khuyến cáo của cơ quan chức năng, cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp tung ra nhiều chương trình khuyến mại đã vô tình tạo cơ hội cho các đối tượng tuồn hàng giả, hàng kém chất lượng ra thị trường. Do vậy, người tiêu dùng cần kiểm tra rõ xuất xứ, thông tin hàng hóa khi mua, đặc biệt ở trên trực tuyến, cần mua trên các sàn thương mại điện tử, website đã được cơ quan thẩm quyền cho phép.

Giáp Tết, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra hoạt động mua bán trên mạng xã hội

Hoàn thiện pháp luật thương mại điện tử

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia vừa ký ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, thực hiện từ ngày 20.12.2020 - 28.2.2021. Ban Chỉ đạo 389 quốc gia sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, tỉnh, thành phố về công tác chống buôn lậu, gian lận và hàng giả, đặc biệt là các mặt hàng liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Trao đổi với báo chí về những bất cập liên quan đến xử lý vi phạm trên các kênh mua bán trực tuyến, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho rằng, việc truy xuất, lưu trữ hóa đơn hàng hóa giao dịch thương mại điện tử còn gặp nhiều khó khăn do lực lượng Quản lý thị trường không có thẩm quyền đề xuất lấy các sao kê ngân hàng, theo dõi giao dịch tài chính của đối tượng. Trong khi đó, các đối tượng thường xuyên lợi dụng kho hàng, xe hàng của các hãng chuyển phát, giao nhận, nhưng lực lượng Quản lý thị trường không có thẩm quyền dừng xe, mở niêm phong kiểm tra.

Đó là chưa kể, các mô hình thương mại điện tử mới liên tục xuất hiện, các giao dịch, dịch vụ xuyên biên giới, đa dạng về chủ thể tham gia, phức tạp về cách thức hoạt động... Đây là thách thức mà các cơ quan quản lý cần khắc phục “lỗ hổng” về chính sách, nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý giúp thương mại điện tử phát triển bền vững. 

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho rằng, khó khăn lớn mà lực lượng chức năng phải đối mặt trong xử lý vi phạm đối với các trường hợp mua qua phương thức thương mại điện tử là các đối tượng không có cửa hàng, chỉ thông qua các website, mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu, sau đó chuyển hàng và thanh toán trực tiếp theo thỏa thuận. Hàng hóa phân tán, nhỏ lẻ, cất giấu nhiều nơi, chỉ bán hàng qua cộng tác viên, trung gian, các website được tạo ra và đóng lại trong thời gian ngắn, khiến lực lượng chức năng khó kiểm soát, khó xác định chứng cứ; kể cả khi kiểm tra, tìm được kho hàng cũng khó xác minh chủ sở hữu. Hơn nữa, để xử lý các vụ vi phạm phải có chứng cứ cụ thể, nhưng 99% các giao dịch trên mạng không có hóa đơn, chứng từ.

Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, các bộ, ngành liên quan cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên sàn thương mại điện tử; tăng nặng hình thức xử phạt nhằm răn đe các đơn vị và cá nhân kinh doanh bất hợp pháp, đặc biệt là làm rõ việc ràng buộc trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử với hàng hóa bày bán, qua đó ngăn chặn tình trạng lợi dụng để bán hàng giả, hàng lậu, lừa đảo người tiêu dùng.

Hải Thanh - Nguyễn Chung