Gỗ hợp pháp - một mục tiêu, nhiều lợi ích

Bài cuối: Khuyến nghị pháp luật

- Thứ Sáu, 02/07/2021, 05:02 - Chia sẻ
Gỗ hợp pháp là vấn đề không chỉ EU mà nhiều đối tác quan trọng khác của Việt Nam quan tâm. Mặc dù không chủ động đề xuất các Hiệp định hay Thỏa thuận riêng về vấn đề này như VPA-FLEGT của EU, các nền kinh tế lớn trên thế giới (như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia…) đều nhấn mạnh yêu cầu về gỗ hợp pháp và các mục tiêu môi trường gắn liền với gỗ hợp pháp. Việc Việt Nam có gỗ hợp pháp sẽ mở đường đến các thị trường rộng lớn khác.
Người trồng rừng cũng hưởng lợi từ gỗ hợp pháp
Nguồn: ITN

Vai trò dẫn dắt của Nhà nước 

Việc thực hiện gỗ hợp pháp trong đấu thầu nói riêng và mở rộng ra trong toàn bộ các chuỗi cung gỗ ở Việt Nam này có ý nghĩa với Việt Nam. Theo đó, thực hiện gỗ hợp pháp theo VPA-FLEGT thực chất là việc tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật của chính Việt Nam liên quan tới khai thác, chế biến, kinh doanh gỗ.

Xét ở thị trường sản phẩm gỗ nội địa, chính sách mua sắm công gỗ hợp pháp tạo ra vai trò dẫn dắt thị trường của Nhà nước về gỗ hợp pháp. Yêu cầu của Nhà nước về gỗ hợp pháp có thể thúc đẩy cộng đồng nhà thầu đẩy mạnh việc bảo đảm gỗ hợp pháp không chỉ trong cung cấp sản phẩm gỗ cho Nhà nước mà trong toàn bộ chuỗi cung của mình. Việc khách hàng Nhà nước đi tiên phong trong sử dụng gỗ hợp pháp có thể định hướng tiêu dùng hợp pháp và bền vững đối với các khách hàng khác trên thị trường.

Chuyên gia chính sách của Tổ chức Forest Trends Tô Xuân Phúc cho rằng, trong tầm nhìn dài hạn, thực hiện gỗ hợp pháp trong mua sắm công sẽ thúc đẩy việc tiêu thụ các sản phẩm gỗ ít rủi ro về tính hợp pháp, đặc biệt là gỗ rừng trồng. Đây sẽ là động lực kinh tế cho việc mở rộng rừng trồng trong nước, qua đó cải thiện sinh kế của hàng triệu hộ hiện tham gia trồng rừng, khuyến khích các mô hình liên kết hộ trồng rừng với các công ty chế biến gỗ, tạo điều kiện phát triển các ngành sản xuất, dịch vụ có liên quan.

Quy định gỗ hợp pháp không chỉ thể hiện ở pháp luật nội địa của các nước như Hoa Kỳ có Lacey Act; Australia, Nhật Bản có quy định về tính hợp pháp của gỗ và các sản phẩm gỗ… mà còn cả trong các Hiệp định thương mại mà họ tham gia (chẳng hạn tại Chương môi trường, phát triển bền vững trong các FTA gần đây). Do đó, mặc dù chỉ cam kết với EU, nhưng việc thực thi cam kết của Việt Nam về gỗ hợp pháp trong mua sắm công dự kiến cũng sẽ là yếu tố có ý nghĩa trong thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với nhiều nước khác.

Thực tế, đây cũng không phải lần đầu tiên có một khung khổ pháp luật riêng cho một nhóm hàng hóa đặc thù trong đấu thầu bên cạnh khung khổ pháp luật chung về đấu thầu. Thủ tục đấu thầu mua sắm thuốc và các thiết bị y tế cũng có các quy định riêng, đặc trưng, chỉ áp dụng cho các gói thầu mua sắm thuốc, các thiết bị y tế.

Có quy định riêng về đấu thầu gỗ

Ở góc độ pháp lý, quy định về gỗ hợp pháp trong đấu thầu nhằm bảo đảm rằng gỗ, sản phẩm gỗ được mua sắm qua thủ tục đấu thầu là gỗ hợp pháp. Với mục tiêu như vậy, các quy định về gỗ hợp pháp trong đấu thầu không thay thế toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành về đấu thầu mà chỉ bổ sung thêm các yêu cầu riêng đối với các gói thầu mua sắm sản phẩm gỗ. Nói cách khác, các gói thầu mua sắm sản phẩm gỗ sẽ phải tuân thủ thêm các quy định này, bên cạnh việc tuân thủ các quy định nền về đấu thầu áp dụng chung cho tất cả các gói thầu.

Chuyên gia chính sách của Tổ chức Forest Trends Tô Xuân Phúc cho rằng, các quy định về gỗ hợp pháp trong đấu thầu phải được xây dựng dựa trên căn cứ là Hiệp định VPA-FLEGT, Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn Luật Lâm nghiệp về gỗ hợp pháp như Nghị định số 156/2018/CP-NĐ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; Nghị định số 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; Nghị định số 102/2020/NĐ -CP quy định về Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam; Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT quy định về Quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản…

Cùng với yêu cầu bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc cơ bản trong hệ thống pháp luật đấu thầu và pháp luật về gỗ hợp pháp, cơ quan soạn thảo cũng cần tính đến sự hài hòa, kinh nghiệm thực tiễn về thủ tục đấu thầu đối với các nhóm hàng hóa đặc thù ở Việt Nam. Đồng thời, việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế từ các nước, với các chính sách, quy định khác nhau về đấu thầu gỗ hợp pháp cũng là điều cần thiết với một khung khổ pháp luật mới ở Việt Nam.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, theo thông lệ này, Thông tư hướng dẫn đấu thầu mua sắm sản phẩm gỗ cần quy định các yêu cầu cụ thể hướng tới mục tiêu quản lý đặt ra là: Gỗ, sản phẩm gỗ cung cấp trong các gói thầu mua sắm sản phẩm gỗ là gỗ hợp pháp theo các tiêu chí của pháp luật lâm nghiệp về gỗ hợp pháp. Để làm được điều này, Thông tư cần bao gồm các quy định liên quan tới: Các yêu cầu kỹ thuật đối với gỗ trong các hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; Các yêu cầu đối với nhà thầu (khi xây dựng hồ sơ dự thầu, khi ký hợp đồng, thực hiện và thanh lý hợp đồng).

Chuyên gia Tô Xuân Phúc gợi ý, điểm tương đồng phổ biến trong chính sách bảo đảm gỗ hợp pháp trong mua sắm công các nước mà Việt Nam có thể học tập là cần quy định rõ nguyên tắc bắt buộc về gỗ hợp pháp trong tất cả các gói thầu liên quan; yêu cầu nhà thầu phải có cam kết bằng văn bản về việc thực hiện gỗ hợp pháp ngay trong hồ sơ dự thầu; xuất trình các giấy tờ chứng minh gỗ hợp pháp trong quá trình thực hiện và muộn nhất là trước khi thanh lý hợp đồng…

Đình Khoa