Xâm hại tình dục trẻ em: Nỗi ám ảnh

Bài cuối: Không chỉ là hoàn thiện pháp luật

- Thứ Tư, 24/11/2021, 17:25 - Chia sẻ
Các quy định liên quan đến thủ tục pháp lý xử lý vụ án xâm hại tình dục trẻ em hiện nay còn nhiều khâu và phức tạp; việc phát hiện, thu thập chứng cứ chứng minh tội gặp nhiều khó khăn do thiếu dấu vết, tổn thương cơ thể… là những điểm nghẽn lớn nhất trong quá trình xử lý các tội phạm này.

Nhiều trở ngại khi xử lý, truy vết

Bên cạnh các chế tài xử phạt được quy định tại Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Nghị Quyết số 06/2019/NQ-HĐTP, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng đã quy định về trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết nguồn tin tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với tội phạm hiếp dâm người dưới 16 tuổi để bảo đảm xét xử đúng người, đúng tội, tránh bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên, những bất cập của pháp luật tố tụng hình sự đang gây ra những khó khăn, trở ngại trong quá trình xử lý, giải quyết vụ án dễ dẫn đến tình trạng bỏ lọt tội phạm.

Cần trang bị cho trẻ những kiến thức cần thiết về phòng, tránh xâm hại tình dục.
Nguồn ITN

Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Công ty Luật Tâm Trí Thịnh, Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An, Luật sư Trần Thị Thúy chia sẻ, hiện chưa có quy định xử lý các cơ quan, tổ chức, cá nhân không tố cáo, tố giác hành vi hiếp dâm đối với trẻ em, không thực hiện hoặc thực hiện chậm trễ trách nhiệm bảo vệ quyền đối với trẻ em bị hiếp dâm. Bên cạnh đó, Luật giám định tư pháp năm 2012 không đưa quy định trưng cầu giám định pháp y về xâm hại tình dục đối với trẻ em gái là loại đặc biệt. Trong khi đó, việc giám định pháp y đối với loại tội phạm này cần phải được thực hiện nhanh chóng để xác định thủ phạm.

Theo quy định hiện hành, việc thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm tình dục là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, pháp luật tố tụng hình sự quy định nạn nhân phải có trách nhiệm chứng minh mình bị xâm hại tình dục trái ý muốn. Quy định này, gây ảnh hưởng tâm lý của trẻ, cũng như gia đình nạn nhân. Ngoài ra, các chế tài liên quan đến hành vi vi phạm về bảo mật thông tin, giữ bị mật đời sống riêng tư cho trẻ còn nhẹ dẫn đến việc nhiều gia đình sợ bị dị nghị dẫn đến việc không tố giác tội phạm.

Trung úy Đỗ Danh Vượng, Công an Phường Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội nêu thực tế, các quy định liên quan đến thủ tục pháp lý xử lý vụ án hiếp dâm người dưới 16 tuổi còn nhiều tầng, nhiều nấc. Trong khi đó, giai đoạn trình báo, tố giác tội phạm là giai đoạn rất quan trọng, song hiện chưa có quy trình tố tụng đặc biệt để xử lý tố giác, tin báo đối với loại tội phạm này. Điều này vô hình chung ảnh hưởng đến “thời điểm vàng” trong thu thập chứng cứ, dấu vết. Bởi lẽ, các dấu viết sinh học để lại trên người nạn nhân rất mờ nhạt và chỉ tồn tại ở một khoảng thời gian nhất định như tinh dịch, các ADN… nên sẽ gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án sau này, thậm chí dẫn đến bỏ lọt tội phạm hoặc xử lý không đúng tội danh.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Hãy cùng hành động vì một thế giới không bạo lực, xâm hại trẻ em.
Nguồn ITN

Thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp, việc điều tra, truy tố cũng như xét xử đối với các hành vi xâm hại tình dục rất khó khăn; thời gian giải quyết bị kéo dài và có rất nhiều trường hợp không đủ căn cứ để chứng minh tội phạm. Có nhiều trường hợp nạn nhân bị xâm hại tình dục nhưng gia đình không biết cách thu giữ vật chứng cần thiết để giao nộp cơ quan chức năng; lưỡng lự trong cách giải quyết dẫn đến tố cáo, khai báo muộn; người bị hại và gia đình của người bị hại thường có tâm lý e ngại, lo sợ ảnh hưởng đến danh dự nên không dám lên tiếng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân họ hoặc người thân khi bị xâm hại...

Từ đó, cho thấy để hạn chế tình trạng gia tăng các tội phạm xâm hại trẻ em, bên cạnh việc phải tăng cường về tuyên truyền, giáo dục trẻ, nâng cao trách nhiệm của chính gia đình và cộng đồng thì việc cần sớm hoàn thiện về hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách là vấn đề cần được ưu tiên hàng đầu để bảo đảm các quyền của trẻ em, đặc biệt bảo đảm xét xử đúng người, đúng tội, tránh bỏ lọt tội phạm.

Luật sư Vũ Tuấn, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, cần phải tăng cường các chế tài xử phạt để bảo đảm tính răn đe; đồng thời các bộ, ngành liên quan cần sớm có văn bản hướng dẫn nghiệp vụ xử lý tin báo, tố giác, khởi tố, điều tra, truy tố các tội xâm hại tình dục trẻ em. Việc tiếp xúc lấy lời khai, xét hỏi người bị hại, nhân chứng cần phải được thực hiện theo quy trình riêng để hỗ trợ họ cung cấp lời khai hiệu quả và giảm chấn thương tâm lý khi tham gia vào quá trình tố tụng. Mặt khác, bổ sung các quy định xử lý các cơ quan, tổ chức, cá nhân không tố cáo, tố giác hành vi hiếp dâm trẻ em; không thực hiện hoặc thực hiện chậm trễ trách nhiệm bảo vệ quyền của nạn nhân.

Thực tế cho thấy, quy định của pháp luật hình sự áp dụng đói với loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em còn để khung rộng. Cụ thể, hình phạt tù cho hành vi hiếp dâm người từ 13 đến dưới 16 tuổi được quy định mức án từ 7 năm đến 15 năm (Khoản 1, Điều 142 Bộ Luật Hình sự); hình phạt tù cho hành vi cưỡng dâm người từ 13 đến dưới 16 tuổi  từ 5 đến 10 năm (Khoản 1, Điều 144)... dẫn đến chưa đủ sức trừng phạt người phạm tội, chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa tội phạm chung.

Đồng tình với ý kiến của Luật sư Tuấn, nhiều chuyên gia pháp lý cũng cho rằng, rất cần phải thực hiện đồng bộ, đầy đủ các giải pháp từ cơ chế, chính sách, pháp luật, nhân lực, nhận thức, kỹ năng và các giải pháp về kĩ thuật thì mới tạo ra một cơ chế đồng bộ, giảm bớt nguy cơ trẻ em bị xâm hại tình dục. Chẳng hạn, do đặc thù của đối tượng bị xâm hại là trẻ em đang trong giai đoạn phát triển, chưa hoàn thiện về mặt sinh lý và tâm lý, các dấu vết của loại tội phạm này thường nhanh chóng bị mất. Chính vì vậy, các cơ quan tố tụng cần phối hợp chặt chẽ ngay từ khi tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm, phối hợp với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý, bác sĩ chuyên khoa phụ sản, cán bộ đã được đào tạo chuyên môn về quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ em để xử lý thông tin ban đầu...

Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ. Hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi.

Thái Yến-Nguyễn Ngân-Từ Thức