Đổi mới chương trình, sách giáo khoa - tin tưởng xen lẫn lo âu

Bài cuối: Không chạy theo thành tích

- Thứ Năm, 29/10/2020, 06:19 - Chia sẻ
“Giáo dục không thể gấp gáp, đốt cháy giai đoạn mà phải có lộ trình, lựa cơm gắp mắm. Giáo dục phải thực chất chứ không chạy theo thành tích”. Nhấn mạnh điều này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình cho rằng, cần có đề án tổng thể thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13, tôn trọng thực tiễn địa phương, để từ đó tạo ra bước chuyển về chất cho giáo dục phổ thông.

Cuộc tập dượt lớn

“Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương ưu tiên những gì tốt nhất cho lớp 1, bố trí đủ giáo viên và là những giáo viên tốt nhất. Bởi lớp 1 phải dạy cho các em phương pháp học ban đầu, hình thành nếp học cho những năm sau này”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nói. Năm học 2020 - 2021, việc dồn toàn lực cho lớp 1 còn nhằm tạo đà để thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông. Các địa phương cũng “quán triệt” điều này.

Nghị quyết 88/2014/QH13 thực chất tác động đến toàn bộ nền giáo dục
Ảnh: C.Hoàng

Tuy còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, song huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, đã rút hết học sinh lớp 3 về điểm trường chính, bảo đảm học sinh lớp 1, kể cả ở điểm trường lẻ, được học 2 buổi/ngày. Một số điểm trường thiếu phòng học để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày được huyện ưu tiên đầu tư kịp thời đưa vào sử dụng từ đầu năm học mới này. Tương tự, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, năm học này cũng kêu gọi được các nguồn lực xã hội để đáp ứng yêu cầu cơ sở vật chất cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới… Nhưng lớp 1 thì cố được như vậy, với tất cả các khối lớp còn lại, không địa phương nào dám chắc là có thể bảo đảm.

Hay như Nghị quyết 88 chủ trương thực hiện xã hội xã biên soạn SGK, đây là điều chưa có tiền lệ ở nước ta, khắc phục được tình trạng độc quyền biên soạn SGK. Việc phát hành SGK lớp 1 cho thấy thành công bước đầu của chủ trương này. Các nhà xuất bản có SGK được phê duyệt đã thực hiện nghiêm túc việc kê khai giá với Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, giá SGK lớp 1 mới cao hơn giá SGK lớp 1 cũ khoảng 3 lần, ảnh hưởng trực tiếp tới một bộ phận dân cư. Khảo sát tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, hơn 30% lớp 1 ở đây thuộc diện hộ nghèo, cần được hỗ trợ SGK. Còn theo Luật Giá, SGK không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá, nên không thể can thiệp. Trong khi đó, Nhà nước vẫn chưa triển khai chính sách hỗ trợ SGK cho các đối tượng con em đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; học sinh thuộc diện chính sách và nhóm học sinh có hoàn cảnh đặc biệt...

Bồi dưỡng giáo viên cũng bị đánh giá là chậm, trong khi theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, lẽ ra phải đi trước hàng năm. Hà Nội đã chủ động bỏ ra mấy chục tỷ đồng để bồi dưỡng trước và đang đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp nhận cách làm của Hà Nội, không phải bồi dưỡng lại theo chương trình của Bộ.

Có thể coi năm học 2020 - 2021 là một cuộc tập dượt lớn cho việc triển khai thực hiện Nghị quyết 88, nếu chúng ta nhận ra được những khó khăn, nhìn thấy những vướng mắc, bất cập, và kịp thời có giải pháp khắc phục.

Cần có đề án tổng thể

Những khó khăn như đã đề cập có thể do chúng ta chưa có gói tài chính riêng cho việc thực hiện Nghị quyết 88. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình, Nhà nước phải ít nhất lo được cho bậc tiểu học đàng hoàng, không chỉ miễn học phí mà cả chính sách với giáo viên và cơ sở vật chất. Cùng với đó, cộng đồng xã hội sẽ chung tay chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.

Giáo dục phổ thông là giáo dục nền tảng, nếu thực hiện tốt chúng ta sẽ có được một thế hệ công dân đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước, tự tin hội nhập quốc tế. Nghị quyết 88 mặc dù chỉ đề cập đến đổi mới chương trình, SGK, nhưng thực chất nó đang tác động đến toàn bộ nền giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có một kế hoạch khá bài bản và nền nếp, chỉ đạo sát sao. Các địa phương chủ động vào cuộc, huy động các nguồn lực. Đội ngũ giáo viên đầy tự tin, cho chúng ta yên tâm phần nào.

Để thực hiện thành công Nghị quyết 88, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình cho rằng, Chính phủ cần có đề án tổng thể, tính toán để biết khả năng chúng ta làm được đến đâu, tôn trọng thực tiễn địa phương chứ không ép để lấy thành tích. “Mặc dù Nghị quyết yêu cầu 5 năm hoàn thành áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới cho tất cả các cấp học, nhưng điều kiện địa phương chỉ bảo đảm ở mức độ nhất định, phải làm trong 10 năm, thì chúng ta cũng phải tôn trọng”, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nói. “Đừng kéo giáo dục chạy theo thành tích”.

Ở địa phương, nên chăng HĐND tỉnh cũng cần ban hành nghị quyết về triển khai Nghị quyết 88, từ đó đi đến một đề án của UBND tỉnh, bởi nó liên quan đến nhiều ban, ngành, chứ không phải riêng ngành giáo dục.

Nguyên Anh