Triển khai Nghị quyết 88/2019/QH14

Bài cuối: Khơi dậy khát vọng vươn lên

- Thứ Hai, 19/04/2021, 06:28 - Chia sẻ
“Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng Tổ quốc, hội nhập quốc tế; có chính sách cụ thể phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số...” là 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm được xác định trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng. Để làm được điều này, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải tâm huyết với sự nghiệp giảm nghèo; kiên trì trong tuyên truyền và sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm…

Đột phá chính sách

Tháng 11.2019 Nghị quyết số 88/2019/QH được Quốc hội Khóa XIV thông qua, đánh dấu bước ngoặt lớn về tư duy, hành động của Đảng, Nhà nước trong đầu tư phát triển khu vực đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Lần đầu tiên có một Chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho khu vực này với tổng mức vốn bố trí cho giai đoạn 2021 - 2025 là hơn 130.000 tỷ đồng.

Người Brâu ở làng Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum hạnh phúc với cuộc sống hiện tại. Ảnh: Đức Kiên
Người Brâu ở làng Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum hạnh phúc với cuộc sống hiện tại.
Ảnh: Đức Kiên

Việc đầu tư phát triển toàn diện các lĩnh vực, với trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững cho đồng bào; phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân; phát triển văn hóa thông tin và du lịch; bảo đảm quốc phòng, an ninh đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cơ sở vùng DTTS và miền núi vững mạnh; đặc biệt là giải quyết những vấn đề cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân. Thu hẹp dần khoảng cách so với vùng phát triển, giảm dần, tiến tới không còn xã, vùng đặc biệt khó khăn về kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS và miền núi vào năm 2030.

Trước khi có Nghị quyết 88/2019/QH14, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tham gia 3/10 dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia, với tổng số vốn dự kiến là 42.399 tỷ đồng, bao gồm: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch. Các Dự án đều mang lại kết quả khả quan và “trở thành công cụ giảm nghèo hữu hiệu của Chính phủ” như đánh giá của Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc, khi đang là Thủ tướng Chính phủ.

Trung ương là vậy, tại các địa phương, nhất là những nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống và có đường biên giới với các nước láng giềng, vấn đề này càng được chú trọng. “Bởi, đồng bào là một phần máu thịt trong cộng đồng các dân tộc; là bức tường thành vững chắc trong việc bảo vệ đường biên giới quốc gia, là nét đẹp văn hóa làm nên bức tranh đa sắc màu của dân tộc Việt Nam” - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu Tống Thanh Bình khẳng định.

Đối với đồng bào DTTS, nhiều nơi bà con đã nhận thức được mình ở đâu và mình phải làm gì trong quá trình triển khai các chương trình chính sách mà Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương thiết kế cho khu vực đồng bào DTTS. Chính bởi tư tưởng, nhận thức được đả thông nên ở nhiều khu vực đồng bào DTTS đã xuất hiện những điển hình làm kinh tế giỏi; những bác sĩ, giáo viên, kỹ sư cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều. Chỉ tính riêng trong số 1.600 đại biểu DTTS về dự Đại hội đại biểu toàn quốc dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020 có 65 người (4,09%) có trình độ Tiến sĩ; Thạc sĩ 272 người (17,13%); Đại học 883 người (55,6%)… đây là những hạt giống đỏ sẽ làm khởi sắc vùng DTTS và miền núi.

“Tạo nên thành quả này, có sự đóng góp lớn của chính sách tín dụng ưu đãi với sự tận tâm, tận lực chuyển tải nguồn vốn, hướng dẫn cách làm ăn, khơi dậy khát vọng đổi đời của các cán bộ NHCSXH” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Bùi Sỹ Lợi khẳng định.

Trái ngọt từ vùng đất khó

Từ chỗ phải đưa vào diện bảo vệ đặc biệt, đến nay, hai DTTS rất ít người thuộc tỉnh Kon Tum là dân tộc Rơ Măm ở làng Le, xã Mô Ray, huyện Sa Thầy với 149 hộ, 498 người và người Brâu ở làng Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi với 167 hộ, 513 người, đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Người Brâu và Rơ Măm hiện đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật, biết làm ruộng nước hai vụ, trồng các loại cây cao su, bời lời, cà phê và chăn nuôi gia súc. Hầu hết các hộ gia đình đã ổn định cuộc sống, chấm dứt tình trạng du canh du cư, phá rừng làm nương rẫy như trước đây. Không còn tình trạng trẻ em bỏ học đi làm rẫy; tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em giảm đáng kể; đời sống kinh tế, văn hóa xã hội được nâng lên, kết cấu hạ tầng cơ bản đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu của nhân dân.

Còn ở Tây Bắc, trước giai đoạn 2010, tỷ lệ đói nghèo trong đồng bào người Cống ở Điện Biên và người Cơ Lao ở Hà Giang cao quá 80%, gấp ba lần so với mặt bằng chung của các dân tộc khác. Thu nhập bình quân đầu người không vượt quá 1,5 triệu đồng/năm. Hay ở bản Nậm Vời, xã Nậm Pỳ huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu có 21 hộ dân tộc Mảng (90 nhân khẩu) nhưng chỉ có ba người hơn 40 tuổi là nam giới; người cao tuổi nhất năm nay mới bước sang tuổi 51. Đây từng được biết đến với cái tên là “Bản không chồng”. Hơn 2/3 số hộ trong bản đều là hộ đơn thân, vì hầu hết đàn ông đều chết trẻ, do nghiện rượu, mê tín, suy thoái giống nòi bởi tảo hôn, hôn nhân cận huyết... Thế nhưng, đến nay, Tây Bắc đã không còn hộ DTTS bị đói; tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu như ở Lai Châu, bình quân giảm 4,78%/năm, năm 2020 còn 16,33%, giảm 24,07% so với cuối năm 2015.

“Một trong những yếu tố làm nên thành công của chúng tôi là nguồn vốn vay của NHCSXH. Đồng bào DTTS đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng chính sách, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống” - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu Tống Thanh Bình chia sẻ.

Đến hết năm 2020, dư nợ tại vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt 114.622 tỷ đồng, chiếm 50,7% tổng dư nợ của NHCSXH, với gần 3,9 triệu món vay của trên 3,1 triệu khách hàng đang còn dư nợ; dư nợ bình quân một hộ trong khu vực đạt 37 triệu đồng, bình quân chung toàn quốc là 35 triệu đồng. Dư nợ bình quân một xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt 21,7 tỷ đồng. 

 

Bình Nhi