Linh hoạt giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế

Bài cuối: Hoàn thiện thể chế pháp luật

- Thứ Ba, 14/09/2021, 06:17 - Chia sẻ
Với vị trí thứ 9 trong bảng xếp hạng 11 thành viên CPTPP về chỉ số thực thi hợp đồng cho thấy, Việt Nam có nhiều việc cần phải làm để cải thiện chất lượng giải quyết tranh chấp thương mại và đầu tư, bởi các quốc gia thành viên CPTPP đã có nhiều cải cách hoạt động của hệ thống tòa án và các thể chế liên quan cũng như tập trung vào phát triển cơ chế giải quyết tranh chấp lựa chọn trong nhiều năm qua…

Đơn giản hóa, tự động hóa

Theo đại diện Trung tâm Hòa giải Thương mại Quốc tế Việt Nam (VICMC), có thể nhận thấy các nước thành viên CPTPP chủ yếu quan tâm đến việc cải thiện hai chỉ số “Tòa án tự động” và “Quản lý vụ án” trong quy trình tố tụng. Hầu hết cải cách đều theo hướng đơn giản hóa, tự động hóa. Đơn cử, trong những năm gần đây, Brunei tập trung cải thiện chỉ số “Quản lý vụ án” bằng cách công bố các báo cáo đo lường hiệu suất, triển khai hệ thống quản lý hồ sơ điện tử để các thẩm phán và luật sư sử dụng và cải thiện chỉ số “Tòa án tự động” thông qua các nền tảng, hệ thống cho phép nộp đơn và thanh toán án phí theo phương thức điện tử. Kết quả là hai chỉ số này của Brunei đều khá cao và nằm trong nhóm nước thành viên CPTPP có điểm số cao nhất.

TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Canada đã có hai lần cải cách chỉ số Tòa án tự động. Lần đầu vào những năm 2009 - 2010, Canada đã mở rộng quy trình nộp tài liệu điện tử và đơn giản hóa thủ tục hành chính tư pháp. Gần mười năm sau đó, Canada lại phát triển một hệ thống điện tử cho phép nộp đơn khởi kiện và thanh toán án phí. Nhờ vậy, Canada đã vươn lên vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng chỉ số Tòa án tự động của các nước CPTPP.

Còn Malaysia đã sớm quan tâm đến việc cải thiện chỉ số “Tòa án tự động” và cho phép nộp đơn khởi kiện bằng phương pháp điện tử từ tháng 11.2010. Trước đó, Malaysia còn tiến hành một loạt chương trình cải cách chỉ số “Quản lý vụ án” (tăng số lượng nhân viên tòa án, áp dụng nghiêm ngặt thời hạn xử lý tài liệu) và chỉ số ”Cấu trúc tòa án và thủ tục tố tụng” (tổ chức lại tòa án thương mại để cho phép giải quyết nhanh hơn các vấn đề mang tính đối thoại). Malaysia là một ví dụ điển hình về các hoạt động cải cách tư pháp và hành chính. Những cải cách này đã rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp trong vòng 10 năm (2007 - 2018) từ 600 ngày xuống còn 425 ngày.

Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2020 của Ngân hàng Thế giới, một số thành viên CPTPP chưa có pháp luật quốc gia điều chỉnh cơ chế hòa giải như Brunei, Canada, New Zealand, hoặc chưa ghi nhận hòa giải tự nguyện ở Chile vì nước này mới bắt đầu thúc đẩy cơ chế hoà giải kể từ năm 2018. Mặc dù vậy, Chile lại là một trong số 46 nước tham gia ký kết Công ước Singapore về Hòa giải ngay từ ngày đầu.

Hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp lựa chọn

Tất cả các thành viên CTTPP đều công nhận cơ chế giải quyết tranh chấp lựa chọn, nhất là có cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, có pháp luật nội địa điều chỉnh trọng tài; thành viên của Công ước New York về công nhận và thi hành các quyết định trọng tài nước ngoài năm 1958. Đây là một điểm thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc các nước thành viên CTTPP, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam.

TS. Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý cho biết, pháp luật Mexico quy định thỏa thuận trọng tài phải có những nội dung bắt buộc như luật áp dụng; quy tắc trọng tài; số lượng trọng tài viên; nơi thủ tục trọng tài diễn ra; ngôn ngữ được sử dụng trong thủ tục trọng tài. Thực tiễn cho thấy, không ít những thỏa thuận của trọng tài bị vô hiệu vì nội dung không rõ ràng, cụ thể. Luật Trọng tài thương mại năm 2010 của nước ta chưa quy định cu ̣thể về nội dung của thỏa thuận trọng tài nên cần kịp thời bổ sung.

Bên cạnh đó, Điểm đ, Khoản 2, Điều 68, Luật Trọng tài thương mại quy định “Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” là một căn cứ để hủy phán quyết trọng tài. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản chính thức nào giải thích khái niệm “nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”, gây vướng mắc trong hoạt động áp dụng pháp luật. Luật Trọng tài thương mại năm 2020 cần được sửa đổi, bổ sung để hướng dẫn cụ thể về các căn cứ hủy phán quyết trọng tài trong trường hợp phán quyết trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Còn theo TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, để khuyến khích các bên tranh chấp sử dụng hòa giải như một phương thức giải quyết tranh chấp thay thế một cách công bằng, nhanh chóng và tiết kiệm chi phí, năm 2012 Quốc hội Malaysia đã ban hành Luật Hòa giải. Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có đạo luật riêng về hòa giải mang tính nghề nghiệp (trong đó có hòa giải thương mại) mà chỉ có Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án năm 2020. Riêng lĩnh vực hòa giải thương mại, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24.2.2017 về hòa giải thương mại. Do vậy, các thông tin về Luật Hòa giải năm 2012 của Malaysia có thể trở thành một nguồn thông tin có giá trị tham khảo trong quá trình nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về hòa giải ở Việt Nam trong giai đoạn tới.

Hoàng Tuấn