Chương trình hành động của ứng viên đại biểu dân cử

Bài cuối: Hiện thực hóa lời hứa

- Thứ Năm, 29/04/2021, 05:57 - Chia sẻ
Cùng với thuyết trình phù hợp, độ tin cậy cao để mở “cánh cửa” đồng thuận của cử tri, vấn đề quan trọng hơn đặt ra là ai và cơ chế như thế nào để kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình hành động của ứng viên nếu trúng cử. Bên cạnh khuyến khích công khai chương trình hành động, cần có giải pháp phát huy vai trò giám sát của Mặt trận các cấp. Sâu xa, dài hơi hơn, có thể tổ chức để cử tri đánh giá, bỏ phiếu tín nhiệm đối với đại biểu dân cử giữa nhiệm kỳ...
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tại nghị trường Quốc hội Khoá XIV Ảnh: Quang Khánh
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tại nghị trường Quốc hội Khoá XIV
Ảnh: Quang Khánh

Thuyết trình phù hợp, độ tin cậy cao

Theo kinh nghiệm của nhiều đại biểu dân cử kỳ cựu, để có bài thuyết trình phù hợp, có độ tin cậy cao trước cử tri, ứng cử viên cần nghiên cứu trước các nhiệm vụ đại biểu HĐND các cấp phải thực hiện sau khi trúng cử, đối chiếu với vị trí việc làm chuyên môn hiện tại để xây dựng chương trình hành động phù hợp. Đặc biệt, ứng cử viên phải dành thời gian tìm hiểu các thông tin về địa phương nơi mình ứng cử, nhất là tiềm năng, thế mạnh cũng như những khó khăn, thách thức, những vấn đề nổi cộm trong Nhân dân (nếu có)… và nếu trúng cử thì mình có thể sẽ làm gì để góp phần giải quyết những vấn đề đó. “Sẽ là một điểm “cộng” quan trọng cho ứng viên nếu trình bày trước cử tri những nội dung sát, đúng với tình hình thực tế của địa phương nơi ứng cử” - nguyên Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hải Dương Hoàng Văn Bảo chia sẻ.

Tiếp đó, ứng cử viên hãy suy nghĩ về những khả năng, kinh nghiệm công tác của bản thân và việc sử dụng nó trong quá trình hoạt động nếu trúng cử. Ở đây, sở trường của mỗi ứng cử viên là gì, kiến thức kinh nghiệm công tác ra sao, sử dụng nó thế nào để đóng góp vào hoạt động của cơ quan dân cử. Ứng cử viên quan tâm đến vấn đề gì mà mình sẽ tập trung suy nghĩ và hành động để cùng với tập thể HĐND giải quyết trong nhiệm kỳ.

Ví dụ, nếu ứng cử viên là nữ có thể suy nghĩ, trình bày hành động của mình liên quan đến các vấn đề về thúc đẩy bình đẳng giới, đến việc mất cân bằng giới tính khi sinh, đến việc giải quyết chỗ ở cho nữ công nhân các khu công nghiệp tập trung… Ứng cử viên của ngành thì phải đề cập đến việc sẽ đóng góp cùng cơ quan dân cử để bàn về các quyết sách, chiến lược, đề án để phát triển ngành mình…

Trên cơ sở đó, ứng cử viên cần chọn lọc kỹ số lượng vấn đề đưa vào chương trình hành động, không nên tham nhiều bởi thời lượng để trình bày khá khiêm tốn, trung bình 10 phút. Theo đó, một chương trình hành động phù hợp nên viết gọn tối đa khoảng 3 trang A4. Ngoài phần kính thưa, chào hỏi thì phần mở đầu chỉ cần 2 câu, trong đó nói rõ mình là ai, công tác ở đâu, thành phần nào (nếu là đại biểu chuyên trách của khóa trước cần nói rõ vì đây là một lợi thế để cử tri thấy bản thân là đại biểu chuyên nghiệp và đã có kinh nghiệm hoạt động). Vào phần nội dung dành 1 câu để nói về lý do mình ứng cử (hay nhận thức của mình về vị trí của cơ quan dân cử).

Tiếp đó là trình bày hiểu biết của mình về địa phương nơi mình ứng cử gồm những thế mạnh và cả những mặt hạn chế (mặt hạn chế nên nghiêng về nêu những khó khăn, tránh nhấn mạnh, nặng nề gây mất cảm tình). Nói rõ hơn về bản thân mình đại diện cho khối ngành nào ứng cử, lợi thế, sở trường công tác… Từ đó, đi vào nội dung chính là chương trình hành động, chỉ cần nêu những điểm chính và giải pháp ngắn gọn đi kèm.

Cũng theo kinh nghiệm của các đại biểu dân cử kỳ cựu, dù hứa như thế nào đi chăng nữa thì trong chương trình hành động của mình ứng cử viên không được quên hai lời hứa quan trọng; đó là: “Tôi sẽ luôn tôn trọng cử tri và Nhân dân, giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri thông qua các diễn đàn do cơ quan dân cử tổ chức cũng như các kênh khác; tiếp thu, tổng hợp kiến nghị của cử tri, làm cầu nối để giải quyết các vướng mắc mà cử tri nêu lên với cơ quan có thẩm quyền và giám sát việc giải quyết, báo cáo kịp thời với cử tri kết quả giải quyết. Tôi sẽ tuyên truyền, giải thích các quyết sách cơ quan dân cử ban hành kịp thời, góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với cử tri và Nhân dân”. Cuối cùng, đừng quên cảm ơn cử tri đã lắng nghe và kêu gọi cử tri hãy tin tưởng bỏ phiếu cho mình.

Cần cơ chế giám sát việc thực hiện lời hứa

Với ý nghĩa như một bản khế ước, chương trình hành động không chỉ có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình vận động bầu cử mà còn là định hướng hoạt động trong suốt thời gian làm đại biểu sau này - đó là một cam kết chính trị. Điều mà đông đảo cử tri quan tâm nhất hiện nay chính là việc ứng cử viên thực hiện những cam kết đó như thế nào trong suốt nhiệm kỳ khi được tín nhiệm. Bởi thực tế, bên cạnh những đại biểu thực sự tâm huyết, trách nhiệm, cũng còn không ít người trúng cử nhưng lại quên đi lời hứa của mình, không dành nhiều thời gian cho hoạt động của cơ quan dân cử, vắng mặt tại các cuộc tiếp xúc cử tri, mối liên hệ lỏng lẻo và thậm chí vắng mặt tại các kỳ họp, cũng có những vị không xứng đáng, bị bãi miễn.

Khi cử tri đã tin tưởng, gửi gắm bằng lá phiếu của niềm tin, đại biểu cũng phải đáp lại niềm tin đó bằng chính tâm huyết, trách nhiệm của mình trong suốt nhiệm kỳ. Và để tạo được niềm tin của cử tri, cơ quan dân cử, đại biểu dân cử phải luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu, đặc biệt phải có dũng khí, trách nhiệm đến cùng, vì lợi ích hợp pháp và chính đáng của cử tri và Nhân dân, hãy xem chương trình hành động là cam kết, lời hứa của mình. Người đại biểu quan tâm, thúc đẩy đi đến cùng việc giải quyết theo các quy định pháp luật là tạo niềm tin cho cử tri. Phải bắt đầu từ những việc hàng ngày, cụ thể, cộng lại sẽ tạo thành niềm tin lớn vào hệ thống, chế độ.

Ông Bùi Từ Thiện - nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu 

Vấn đề ở đây là ai và cơ chế như thế nào để kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình hành động của ứng viên nếu trúng cử. Theo quy định, Ủy ban MTTQ Việt Nam chính là cơ quan hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu dân cử, cơ quan đứng ra tổ chức cho ứng viên tiếp xúc cử tri vận động bầu cử. Theo đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam là cơ quan giám sát việc ứng viên thực hiện lời hứa của mình qua chương trình hành động. Tuy nhiên, quy định cụ thể về trình tự cách thức giám sát như thế nào lại chưa được hướng dẫn rõ ràng. Chính vì vậy, cần quy định rõ việc ứng viên nộp chương trình hành động về Ủy ban MTTQ Việt Nam để theo dõi, giám sát, kiểm tra trong cả nhiệm kỳ thực hiện. Trong thực hiện chức năng giám sát phản biện và phát biểu tại các kỳ họp của cơ quan dân cử, cơ quan MTTQ cũng cần có đánh giá cụ thể việc thực hiện chương trình hành động của đại biểu.

Ngoài ra, cần khuyến khích ứng viên đại biểu, nhất là ứng viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh công bố chương trình hành động của mình qua các phương tiện truyền thông; ứng viên đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã cũng có thể công bố trên Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử của địa phương. Từ đó, có bằng chứng, lưu giữ, có sức mạnh của dư luận để cử tri có thể giám sát việc thực hiện lời hứa của đại biểu. Ngoài ra, cũng có thể xem xét cùng với công khai tiểu sử ứng viên thì đồng thời công khai luôn chương trình hành động để cử tri biết; đồng thời, quy định rõ hơn về trách nhiệm của đại biểu định kỳ báo cáo với cử tri việc thực hiện trách nhiệm đại biểu dân cử hàng năm tại các cuộc tiếp xúc cử tri. Trong thực tế, nhiều cơ quan dân cử ở nhiều địa phương chưa chỉ đạo, hướng dẫn đại biểu thực hiện việc này.

Theo đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện: Cần phát huy vai trò giám sát của cử tri đối với hoạt động của đại biểu qua các hội nghị tiếp xúc cử tri, các cuộc tiếp công dân, qua việc kiểm soát việc xử lý ý kiến, kiến nghị của cử tri; qua giám sát hoạt động của đại biểu trên nghị trường và các hoạt động khác của đại biểu… Trên cơ sở đó, có thể tổ chức để cử tri đánh giá, bỏ phiếu tín nhiệm đối với đại biểu dân cử giữa nhiệm kỳ, tại đó đại biểu có trách nhiệm báo cáo việc thực hiện chương trình hành động đến đâu để cử tri có thể đánh giá cụ thể và bỏ phiếu… Làm được việc này, không chỉ nâng cao trách nhiệm của đại biểu mà cũng là biện pháp hữu hiệu gián tiếp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử - thiết chế quan trọng thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân - đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

PHƯƠNG NHUNG - HỒNG HẠNH