Phát triển Đảng ở miền Tây Nghệ An

Bài cuối: Cần chiến lược bài bản và đồng bộ

- Thứ Năm, 29/10/2020, 06:23 - Chia sẻ
Đối với các bản biên giới của tỉnh Nghệ An, chi bộ được được ví như cái “nóc” trong ngôi nhà chung của các tổ chức, đoàn thể, của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc. Do đó, để xây dựng và phát triển Đảng ở nơi đây cần có chiến lược bài bản và đồng bộ. Bên cạnh tiếp tục tự chỉnh đốn, tự đổi mới để không ngừng nâng cao nòng cốt của tổ chức đảng thì cần đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương phát triển kinh tế, tạo việc làm tại chỗ... để thanh niên tin tưởng, bám trụ sản xuất, sinh sống ngay tại quê hương, tạo nguồn phát triển đảng viên trẻ ở địa phương.

 “Yếu đâu bù đó”

Là một trong những tỉnh có diện tích rộng, riêng miền Tây Nghệ An có tới 11 huyện (trong đó 5 huyện vùng cao, 6 huyện miền núi). Bà con nơi đây sống chủ yếu ở khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, nơi có tình hình an ninh chính trị phức tạp, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Thế nên, để giữ được 3 yên: “Yên dân, yên địa bàn và yên biên giới”, vai trò lãnh đạo của Đảng càng phải được chú trọng và đặt lên hàng đầu. Có như vậy mới xây dựng được “thế trận lòng dân”, góp phần tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngược thời gian điểm lại cách đây 4 năm về trước, không ít bản biên giới nơi miền Tây xứ Nghệ, tình trạng “trắng” chi bộ, “trắng” đảng viên là một thực tế. Như một sự tất yếu, so với các bản có chi bộ “bám rễ” thì ở các bản “trắng” ấy, đời sống của bà con vô cùng khó khăn; các hủ tục lạc hậu vẫn tồn tại… Điều này đã được minh chứng rõ tại các bản xa xôi nơi chúng tôi vừa đặt chân đến. Do từng không có chi bộ dẫn đường nên hoạt động của các đoàn thể vì thế cũng “lắng” lại.

Nếu không có giải pháp kịp thời, các chi bộ nơi miền biên viễn sẽ có nguy cơ “tái” trắng

Theo tìm hiểu, thời điểm tháng 12.2016, toàn tỉnh Nghệ An có 120 xóm có nguy cơ không còn chi bộ (do chỉ có 3 - 4 đảng viên tại chỗ hoặc có nhiều đảng viên tuổi cao mà chi bộ nhiều năm không kết nạp được đảng viên mới). Trong số đó, các bản biên giới miền biên viễn chiếm con số không hề nhỏ. Từ thực trạng đó, ngày 10.8.2016, Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Đề án số 01-ĐA/TU về “Xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên ở các khối, xóm, bản có nguy cơ không còn chi bộ giai đoạn 2016-2020” với nhiều giải pháp đồng bộ. Một trong những mục tiêu trọng tâm của Đề án là tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ gắn với thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên mới, từng bước giảm số xóm chưa có chi bộ, chưa có đảng viên tại chỗ...

Ngay khi Đề án ra đời, các địa phương đã xây dựng chương trình, kế hoạch, vận dụng linh hoạt thực tiễn, tăng cường cán bộ, đảng viên về sinh hoạt tại các chi bộ “yếu và thiếu” nhằm tăng thêm hạt nhân lãnh đạo và nòng cốt trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các chi bộ. Mặt khác, chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ tại chỗ bởi “không ai hiểu cái bụng bà con bằng chính mình”… Bên cạnh đó, một số nơi đã chủ động mở các lớp bồi dưỡng nâng cao nhận thức chung cho các quần chúng ưu tú.

Trò chuyện với các Bí thư Chi bộ tại một số bản của miền Tây xứ Nghệ, nhiều người đã ví Đề án 01 như một “phao cứu sinh” nhằm thúc đẩy con thuyền Đảng đi đến với dân nhanh hơn, gần hơn… Có lẽ chính nhờ những cách làm sáng tạo, đặc biệt theo đúng phương châm “yếu đâu lấp đó” nên chỉ sau 4 năm triển khai thực hiện, các chi bộ thực sự trở thành hạt nhân của Đảng và là cánh tay đắc lực ở khu vực trọng yếu, thổi vào đó làn gió mới để bà con “rục rịch” chuyển mình, hòa nhập vào sự phát triển chung của tỉnh…

Tạo nguồn phát triển đảng viên trẻ

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ song phải thừa nhận: Nghệ An mới hoàn thành “xóa trắng chứ chưa giảm được yếu” ở các chi bộ miền biên viễn. Có một thực tế, nhiều chi bộ hiện đang đứng trước nguy cơ "tái trắng" nếu “rút” các đảng viên tăng cường và chưa thực sự tìm được nguồn thay thế; đời sống của bà con còn quá nghèo, lạc hậu; giao thông đi lại còn nhiều bất cập…

Với những hạn chế đó, có thể thấy, thành quả của mọi nỗ lực sẽ về con số không và nguy cơ “tái trắng” sẽ luôn hiện hữu nếu không có chiến lược bài bản, đồng bộ… Do đó, thiết nghĩ, biện pháp cấp bách ưu tiên hàng đầu hiện nay là cần tập trung phát triển kinh tế, tạo việc làm tại chỗ, có thu nhập ổn định để thanh niên bám trụ sản xuất, sinh sống ngay tại quê hương, từ đó rèn luyện và bồi dưỡng đối tượng, tạo nguồn phát triển đảng viên trẻ ở địa phương.

Thực tế đã minh chứng ở Tương Dương, huyện đã chú trọng đưa các mô hình kinh tế về các xóm, bản có nguy cơ cao “tái trắng” chi bộ, đảng viên. Giải pháp này dường như đã góp phần không nhỏ nhằm vực dậy một số chi bộ nhiều năm liền không phát triển được đảng viên. Đơn cử, với bản Thằm Thẩm (xã Nhôn Mai), khi được huyện triển khai Đề án trồng chanh leo, các đảng viên đã tiên phong tham gia trồng thử nghiệm và cho thu nhập khá cao. “Cách làm của chi bộ là đảng viên làm gương và bà con noi theo. Nhờ đó, chi bộ đã kết nạp được nhiều đảng viên hơn so với mục tiêu đề ra”, Bí thư Chi bộ Và Bá Ca chia sẻ.

Không thể phủ nhận, những kết quả trong việc phát triển đảng ở các bản biên giới của tỉnh Nghệ An thời gian qua là nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Lãnh đạo tỉnh Nghệ An chia sẻ: Để xây dựng và phát triển Đảng nơi vùng biên giới xa xôi bên cạnh chú trọng phát triển đội ngũ đảng viên, cần đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, nhất là phổ biến cách làm ăn mới, động viên bà con tích cực xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu... Đồng thời, luôn coi công tác nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ tất yếu. Mong rằng, Đảng và Nhà nước tiếp tục có thêm nhiều cơ chế đặc thù để làm đòn bẩy cho các địa phương phát triển, kéo gần hơn khoảng cách giữa các vùng, miền và để “không bị bỏ lại phía sau”.

Khép lại những ngày dài lăn lộn ở khắp các bản làng miền biên viễn, trên chuyến xe trở lại Hà Nội, quá nhiều cảm xúc đan xen cứ hiển hiện trong tâm trí chúng tôi. Đọng lại là những thấm thía về sự vất vả, nhọc nhằn của những đảng viên - cây cầu nối giữa “ý Đảng lòng Dân”. Quên sao được, hình ảnh ở nơi xa xôi “4 không” ấy, bà con hàng ngày vẫn quây quần bên nhau, cùng mở chiếc đài chạy bằng pin lắng nghe những tin tức về Đại hội Đảng và cùng gửi gắm thông điệp: “Bà con luôn tin vào Đảng, tin vào con đường Bác Hồ lựa chọn và tin vào những quyết sách đột phá sắp tới của Đại hội…”.

Bách Hợp - Diệp Anh