Phòng, chống tham nhũng đồng bộ với phòng, chống tiêu cực

Bài cuối: Dựa hẳn vào Nhân dân

- Thứ Hai, 20/09/2021, 03:56 - Chia sẻ

TS. Nhị Lê Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

Con người luôn là yếu tố then chốt, quyết định mọi thành bại. Trong công cuộc lâu dài và sinh tử của phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đổi mới, chỉnh đốn xây dựng đội ngũ người đứng đầu các thành viên hệ thống chính trị các cấp ngang tầm và tinh gọn là gốc của gốc thành công. Đặc biệt, dựa hẳn vào Nhân dân để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những việc nền tảng quyết định thành bại.

Gương mẫu - Trung thực - Trong sạch - Liêm sỉ - Kỷ luật

Công việc thứ sáu là đổi mới, chỉnh đốn xây dựng đội ngũ người đứng đầu các thành viên hệ thống chính trị các cấp ngang tầm và tinh gọn là việc gốc của gốc thành công.

Hơn lúc nào hết, lúc này, cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải tự răn lấy mình, tự mình nêu gương. Người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền các cấp... phải Gương mẫu - Trung thực - Trong sạch - Liêm sỉ Kỷ luật trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí. Liêm sỉ là một tiêu chuẩn và thước đo đối với mỗi chính trị gia. Ai không giữ được tối thiểu như thế, thì nên chủ động từ chức, từ nhiệm. Người đứng đầu ở tất cả các cấp trong hệ thống chính trị, trước hết là các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Bộ Chính trị, phải thật sự nêu gương cao nhất về thủ pháp cầm quyền và tuân thủ vô điều kiện các quy định của Đảng trên phương diện này, trước hết về đạo đức, lối sống, về tư cách làm người chân chính. Đây không chỉ là liêm sỉ, là đạo lý mà là còn là trách nhiệm chính trị.

Nếu sự tự răn của đạo lý chưa đủ thấu, sự tỉnh ngộ của bản thân chưa đủ độ, tai mắt của Nhân dân chưa đủ rộng, sâu, thì Đảng cương không vùng cấm, Quốc pháp bất vị thân phải kiềm tỏa toàn dụng. Nên nhớ rằng, pháp luật góp phần làm nên đạo đức xã hội, làm nên tư tưởng, chỉnh đốn lối sống con người. Nghĩa là, phải lấy đạo luật mà “thẳng tay trừng trị” những kẻ trộm cắp ấy, “bất kể kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì... từ trên xuống, từ dưới lên trên”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói! Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chúng ta không chỉ chống mà lâu dài cần phải xây. Chống tham nhũng, tiêu cực phải làm quyết liệt, xảy ra thì phải chống, nhưng không phải cứ nhăm nhăm chống, mà quan trọng là phải xây để ngăn ngừa, răn đe. Như tôi đã từng nói, ai trót nhúng chàm rồi thì tự gột rửa đi. Như thế là tốt nhất. Không phải cứ xử tử, hay chung thân mới là kết quả tốt. Cái chính là người đó phải nhận ra sai lầm, phải thu hồi được tài sản, không để thất thoát. Bất đắc dĩ lắm mới sử dụng đến biện pháp không ai mong muốn là tử hình...”. 

Mỗi chính trị gia phải có trách nhiệm nêu gương một cách thực sự xứng đáng trên phương diện này. Đây là liêm sỉ, là danh dự và là trách nhiệm của người làm chính trị trước Nhân dân, trước Đảng và Chính phủ.

Cùng với xây dựng, chỉnh đốn, phải đổi mới cơ chế tuyển chọn, sử dụng và kiểm soát khoa học và phù hợp đội ngũ người đứng đầu, trước hết là cấp chiến lược, xứng đáng là tinh hoa, rường cột quốc gia và bố trí họ thật sự khả dụng, mang tầm chiến lược xứng đáng là người dẫn dắt đất nước, tôn vinh vị thế và sức mạnh của Đảng, của quốc gia. Nói cách khác, việc cấp bách ở đây, tiếp tục đổi mới cơ chế lựa chọn, sử dụng, đào thải đội ngũ cán bộ các cấp, trước hết là cấp chiến lược một cách tương dung và khả thi.

Điều cảnh báo nghiêm khắc ở đây là, không thể giao quyền lực vào tay những người đạo đức kém hoặc vô đạo đức. Làm trái thế, như đã trình bày nhiều lần, chính là hành động thả rông thú dữ vào xã hội, “nối giáo cho giặc”, “gửi trứng cho ác” làm băng hoại kỷ cương, rối loạn kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước, xâm hại và phá vỡ đội ngũ cán bộ, đảng viên, tất yếu dẫn tới sự nguy nan của thể chế. Ngày 19.8.1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Tôi không sợ bọn đế quốc, bọn phản động. Đồng bào sẽ đánh thắng chúng. Tôi chỉ sợ những hành vi xấu xa của cán bộ, làm cho đồng bào mất lòng tin với chế độ, Nhà nước và Đảng. Đồng bào sẽ xa lánh, không tin chúng ta. Đưa những người yếu kém về năng lực, nhất là kém cỏi về phẩm chất, nhân cách vào bất kỳ nhiệm vụ nào cũng nguy hại.

Thực tiễn 7 năm qua, các cơ quan tố tụng đã điều tra truy tố, xét xử 1.900 vụ án tham nhũng với 4.400 bị cáo, 32.000 cán bộ, công chức bị kỷ luật vì hành vi tham nhũng; trong đó, có 27 người là Ủy viên hoặc nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 người là Ủy viên Bộ chính trị, 30 sỹ quan cấp tướng trong các lực lượng vũ trang. Thực sự đó là những con số đáng phải sợ hãi, “phải kiềng canh nóng mà thổi rau nguội”, như Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn từng răn dạy.

Hơn hết lúc nào, hiện nay, mọi tổ chức bộ máy và cán bộ, đảng viên của bất cứ bộ máy nào trong hệ thống chính trị đều phải tuân thủ nghiêm nhặt và vô điều kiện Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và kỷ luật của Đảng. Dân chủ và pháp quyền phải đi song hành và quán xuyến trong toàn bộ cơ chế hoạt động của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với việc kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi tệ tha hóa, thoái hóa quyền lực, âm mưu sở hữu, trộm cắp quyền lực, rắp mưu đục khoét quốc gia, làm băng hoại nhân tâm, hạ thấp vị thế và uy tín quốc gia. 

Công việc thứ bảy, đó là dựa hẳn vào Nhân dân để phòng, chống tham nhũng là một trong những việc nền tảng quyết định thành bại.

Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí hiện nay đã và đang nhận được sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị, của toàn thể đồng bào ta dù ở trong nước hay ở nước ngoài. Phải dựa hẳn vào Nhân dân, cổ vũ, giữ niềm tin của Nhân dân và bảo vệ vô điều kiện Nhân dân. Và, Nhân dân cần được và phải biết đâu là quyền hạn của mình, để cùng Đảng và Nhà nước kiểm soát tình hình thời cuộc, mà ở đây là đại cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí. 

Trọng sự này đòi hỏi, Nhân dân là vừa trung tâm vừa là chủ thể vừa là động lực của việc kiểm soát quyền lực đối với Đảng, Nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực rất mệnh hệ này. 

Lúc này, kinh tế có nghĩa là chính trị. Để kiểm soát quyền lực của Đảng, của Nhà nước, Nhân dân thực hiện quyền giám sát hoạt động của Đảng, Nhà nước theo Hiến pháp và pháp luật. Đó là chính trị của Nhân dân. Việc kiểm soát quyền lực chính trị của Đảng, quyền lực chính trị của Nhà nước tập trung vào việc thủ pháp cầm quyền lãnh đạo của Đảng và kiểm tra quyền lực quản trị quốc gia của Nhà nước, bằng sự đo lường mức độ, thực tế và sự tín nhiệm của Nhân dân qua sự hài lòng của Nhân dân, mức độ tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, dựa hẳn vào Nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, sự liêm chính và trong sạch của bộ máy nhà nước và các thành viên của hệ thống chính trị. Cả Đảng và Nhà nước chịu sự giám sát của Nhân dân, hoạt động và chịu trách nhiệm trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Định lượng hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, lòng tin của Nhân dân, để đo lường uy tín của Đảng, sức mạnh của Nhà nước trên trường quốc tế theo vai trò, chức năng của Đảng cầm quyền và Nhà nước được chế định bởi Hiến pháp, pháp luật, phù hợp với pháp lý và thông lệ quốc tế. 

Tất cả phải sống trong lòng Nhân dân và chịu sự giám sát, kiểm soát của Nhân dân, của công luận! Và, tất cả phải được kiểm soát bởi pháp luật, kỷ luật và xử lý bằng pháp luật, kỷ luật và đo bằng sự tín nhiệm của Nhân dân một cách công khai, dân chủ và minh bạch. 

Tai mắt Nhân dân thiên la địa võng! Lòng Dân như sóng! Khi Nhân dân ủng hộ và tham gia xứng đáng, nhất định vạn sự tất thành!    

*

*        *

Chúng ta có chống được tham nhũng, tiêu cực không? 

Với tất cả những kết quả đã đạt được, những kinh nghiệm được tổng kết, tầm nhìn đã hoạch định, con đường đã sáng tỏ, biện pháp đã rõ ràng, quyết tâm đã nêu cao, Nhân dân ủng hộ không ngừng và toàn diện, giờ chỉ còn bắt tay tiếp tục hành động và hành động một cách kiên quyết, tin tưởng, khéo léo và kiên trì nữa mà thôi! 

Không ai và không gì cản được thành công! 

Chủ động hợp tác quốc tế chặt chẽ, hiệu quả để phòng, chống tham nhũng là động lực của thành công 

Hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng vừa là vấn đề về lợi ích trong việc nắm bắt xu hướng hợp tác của khu vực và thế giới về phòng, chống tham nhũng, cùng tham gia giải quyết một vấn nạn chung của thế giới và khu vực, góp phần củng cố, tăng cường hòa bình, hữu nghị và phát triển chung trên toàn thế giới trong việc vừa là trách nhiệm của quốc gia mà trực tiếp nhất là trách nhiệm của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng. Từ những kinh nghiệm, thực tiễn tốt của các quốc gia trên thế giới về phòng, chống tham nhũng, có thể nghiên cứu, áp dụng phù hợp vào công tác phòng, chống tham nhũng của chúng ta. 

Mặt khác, những kết quả, kinh nghiệm, thực tiễn tốt của chúng ta trong phòng, chống tham nhũng tiếp tục được lan tỏa trong khu vực và thế giới, góp phần tăng cường hình ảnh, vai trò của nước ta trong hợp tác về phòng, chống tham nhũng. Các hoạt động tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và các nước khác liên quan đến tội phạm tham nhũng sẽ giúp chúng ta chủ động điều tra, truy tố và xét xử trong nước; xác minh, truy tìm và dẫn độ hồi hương những người có hành vi tham nhũng cũng như tài sản do tham nhũng mà có của họ. Đặc biệt, việc nội luật hóa và thực hiện có hiệu quả các cam kết, các điều khoản của các thỏa thuận, điều ước quốc tế sẽ giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng ở trong nước; đồng thời, thể hiện tính chủ động, tính cam kết ở mức độ cao và quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các bên cùng có.

TS Nhị Lê