Việt Nam có bước đi tiên phong
- Trực tiếp hỗ trợ Việt Nam thông qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chương trình chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái, bà đánh giá thế nào về quá trình này thời gian qua?
- Trước hết, phải khẳng định rằng, toàn cầu đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp về khí hậu; các doanh nghiệp đang chịu áp lực ngày càng tăng từ người tiêu dùng, Chính phủ, cơ quan quản lý và các tổ chức phi chính phủ phải hoạt động có trách nhiệm hơn, đồng thời áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường và xã hội vào tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong chuỗi cung ứng của họ. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái là xu thế tất yếu để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, vừa bảo đảm mang lại những lợi thế kinh doanh, vừa khai thác sử dụng tài nguyên có trách nhiệm và giảm thiểu rủi ro biến đổi khí hậu. Nếu như năm 2000, số lượng khu công nghiệp sinh thái đang hoạt động trên thế giới chưa đến 50 thì hiện đã tăng lên trên 300.
Chúng tôi đánh giá cao khi Việt Nam là một trong những quốc gia đang phát triển đầu tiên tham gia chương trình về khu công nghiệp sinh thái của UNIDO từ năm 2015. Mô hình này không chỉ góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường mà còn mở ra cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Nó cũng góp phần vào nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh, đưa phát thải ròng bằng 0 và kinh tế tuần hoàn, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Việt Nam cũng đã thể chế hóa khái niệm và các biện pháp khuyến khích khu công nghiệp sinh thái trong một số văn bản quy định của nhà nước về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, các chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững… Đây chính là tiền đề và định hướng chính sách quan trọng tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi và phát triển khu công nghiệp sinh thái.
Ngoài ra, những mô hình trình diễn tại các khu công nghiệp và doanh nghiệp áp dụng giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn mang lại những kết quả có thể đo lường trong tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm tiêu thụ đầu vào, chất thải và phát thải, cải thiện năng suất, hỗ trợ đạt được các mục tiêu trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và giảm rủi ro biến đổi khí hậu. Những điều này đã bước đầu nâng cao nhận thức, thu hút sự tham gia và mong muốn tham gia mạnh mẽ từ chính quyền một số địa phương cũng như doanh nghiệp trong phát triển khu công nghiệp sinh thái.
Chính sách hỗ trợ vẫn chưa đủ
- Theo bà, Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nào trong quá trình chuyển đổi này?
- Đó là việc quy hoạch phát triển của các khu công nghiệp chưa thể hiện rõ chiến lược về mặt thu hút đầu tư cũng như hiệu quả sử dụng tài nguyên. Việt Nam cũng thiếu hoặc nút thắt trong một số chính sách liên ngành, ví dụ như trong vấn đề áp dụng giải pháp tái sử dụng chất thải và nước thải sau xử lý, năng lượng tái tạo trong khu công nghiệp. Bên cạnh đó, thiếu nhận thức, năng lực thực hiện, tính liên kết và sự chắc chắn về nguồn cung ứng giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp và với các địa phương lân cận để thực hiện cộng sinh công nghiệp.
- Để khuyến khích phát triển khu công nghiệp sinh thái, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ như miễn giảm tiền thuê đất, ưu tiên vay vốn tín dụng ưu đãi, đưa vào danh mục dự án ưu tiên thu hút đầu tư… Theo bà, những chính sách này liệu đã đủ?
- Những chính sách hỗ trợ rất cần thiết đối với khu công nghiệp sinh thái. Song, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi, Việt Nam cần hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện khu công nghiệp sinh thái; tiếp tục lan tỏa sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính đến nhiều khu công nghiệp. Bên cạnh đó, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin hỗ trợ đánh giá, chứng nhận, theo dõi, giám sát khu công nghiệp sinh thái; xây dựng cơ chế đối thoại, hợp tác công tư để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh quá trình thực hiện.
Cùng với đó, cần tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn, truyền thông về khu công nghiệp sinh thái để tạo được hiệu ứng tích cực nhằm nâng cao nhận nhận thức và hiệu quả chuyển đổi. Việt Nam cũng cần huy động thêm nguồn lực nâng cao tính bền vững cho các giải pháp.
3 lưu ý để đạt mục tiêu
- Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 có từ 40 - 50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8% - 10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới từ bước lập quy hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư. Bà đánh giá thế nào về mục tiêu này?
- Tôi cho rằng, đây là mục tiêu khả thi và tối ưu về lâu dài, nhưng cũng là thách thức lớn đối với Việt Nam đòi hỏi phải có sự chuyển đổi tương xứng về mọi mặt để biến mục tiêu thành hiện thực.
- Đâu là những giải pháp Việt Nam cần tập trung để cụ thể hóa mục tiêu?
- Dựa trên kết quả thu được từ thực hiện dự án tại các khu công nghiệp thí điểm, mô hình khu công nghiệp sinh thái chỉ thực sự phát huy tác dụng tích cực khi được nhân rộng trên cả nước với sự hỗ trợ về chính sách, công nghệ, cơ chế tài chính, hệ thống chia sẻ thông tin và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên.
Cụ thể, thứ nhất, các bộ ngành và địa phương cần cùng nhau cụ thể hóa mục tiêu chuyển đổi và xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, làm cơ sở cho các địa phương và các nhà đầu tư khu công nghiệp, doanh nghiệp triển khai một cách bài bản. Thứ hai, cần có cơ chế phối hợp đồng bộ và sự đồng thuận giữa Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, người dân và các bên liên quan để cởi trói cho những nút thắt về chính sách. Cuối cùng, cần xây dựng một hệ sinh thái những nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp về hiệu quả sử dụng năng lượng và tài nguyên, sản xuất sạch hơn, cộng sinh công nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường.
Về phía UNIDO, chúng tôi đã và đang hỗ trợ 6 khu công nghiệp chuyển đổi sang mô hình sinh thái. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam triển khai mô hình này ở nhiều địa phương và khu công nghiệp hơn, đồng thời hy vọng ngày càng có nhiều khu công nghiệp đáp ứng và vượt các yêu cầu về môi trường, kinh tế và xã hội, góp phần quan trọng vào nỗ lực giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững của Việt Nam.
- Xin cảm ơn bà!
Năm 2017, UNIDO, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đã xây dựng Khung quốc tế về khu công nghiệp sinh thái, đưa ra hướng dẫn cho các khu công nghiệp về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, cộng sinh công nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, tiêu chuẩn xã hội, cơ sở hạ tầng và nguồn lực dùng chung cũng như tăng cường quản lý khu công nghiệp để trở thành khu công nghiệp sinh thái.
Đến nay, UNIDO đã và đang hỗ trợ triển khai dự án khu công nghiệp sinh thái tại 6 khu công nghiệp, gồm: Khánh Phú (Ninh Bình), Hòa Khánh (Đà Nẵng), Trà Nóc 1 và 2 (Cần Thơ), Hiệp Phước (TP. Hồ Chí Minh), Amata (Đồng Nai) và Đình Vũ (Hải Phòng).
Các khu công nghiệp ở Việt Nam tham gia dự án đã và đang đáp ứng trung bình 63% chỉ số hoạt động của một khu công nghiệp sinh thái.
Bà Lê Thị Thanh Thảo, Đại diện Quốc gia Văn phòng Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam