Xã hội

Bài cuối: Để hủ tục không cản bước phát triển

Thái Yến và Nhóm PV 20/03/2025 10:49

“Văn hóa là sản phẩm đặc biệt của con người, của dân tộc. Giữ gìn và phát huy sức mạnh của văn hóa là lĩnh vực mà bất cứ quốc gia nào cũng phải quan tâm bởi nhiệm vụ này gắn liền với sự phát triển xã hội, làm phong phú đời sống tinh thần của người dân và sự vận hành hiệu quả của Nhà nước...” - Phát biểu của Tổng Bí Thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt đội ngũ Văn nghệ sĩ chiều ngày 30/12/2024

Xây dựng nếp sống văn minh

Hiện nay, đằng sau những bức tranh đa dạng văn hóa là không ít phong tục, tập quán đã lỗi thời, không còn phù hợp với đời sống đương đại, trở thành vật cản của sự tiến bộ của mỗi cộng đồng và địa phương. Do đó, xóa bỏ tập tục lạc hậu là việc làm quan trọng, giúp người dân đẩy lùi một khoảng tối trong suy nghĩ, tư tưởng để không cản bước phát triển. Tuy nhiên, thực tế từ các địa phương cho thấy, đây là việc làm không dễ, và càng khó thực hiện trong một sớm, một chiều. Bởi lẽ, các yếu tố đặc thù về vị trí địa lý, địa bàn cư trú, phong tục tập quán, trình độ dân trí, đặc biệt khi chúng đã ăn sâu, bám rễ vào nếp nghĩ, sinh hoạt hàng ngày của bà con.

Vấn đề này, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) TS. Lê Phương Hòa cho rằng, với mỗi nghi lễ đều mang ý nghĩa riêng, phản ánh niềm tin và ước nguyện của người dân về sự tốt lành của cuộc sống. Chẳng hạn, việc tang ma ở hầu hết các tộc người theo nghi thức cổ truyền là làm mọi công việc chuẩn bị cho người chết một cuộc sống mới tốt đẹp ở thế giới bên kia. Thực chất đây là một phương thức giải quyết tư tưởng, an ủi và làm yên lòng người sống trước sự ra đi của người chết. Hay, những nghi lễ liên quan đến việc chữa bệnh có thể coi là một trong những liệu pháp chữa bệnh tinh thần khá hiệu quả ở nhiều tộc người. Sở dĩ vẫn tồn tại được trong đời sống xã hội đương đại bởi nó ít nhiều cũng đạt được hiệu quả, được cộng đồng chấp nhận theo kiểu kết hợp “thuốc Đông, Tây y” và “tâm linh cầu khấn”.

Xây dựng đời sống văn hóa mới là cách thức xóa bỏ hủ tục lạc hậu hữu hiệu. Ảnh: ITN
Xây dựng đời sống văn hóa mới là cách thức xóa bỏ hủ tục lạc hậu hữu hiệu. Ảnh: ITN

Bên cạnh đó, một số hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại ở vùng dân tộc thiểu số là do trình độ dân trí không đồng đều; đồng bào chưa nhận thức đầy đủ về pháp luật và tác hại, hệ lụy của các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu. Những hủ tục, phong tục đó được hình thành từ lâu đời và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tư tưởng người dân không muốn thay đổi, đặc biệt là các phong tục mang tính tâm linh, tín ngưỡng. Một số cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và một bộ phận Nhân dân nhận thức chưa đầy đủ tầm quan trọng của việc thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh và sự cần thiết của việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc đối với sự phát triển bền vững.

Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa và Xã hội, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội cho rằng, xóa bỏ hủ tục đã tồn tại lâu đời trong đồng bào dân tộc là việc làm khó, cần bền bỉ thực hiện. Quan trọng nhất là các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, bền bỉ và chủ động thực hiện các giải pháp phù hợp thực tiễn, không cứng nhắc. Xây dựng chế tài xử lý nhưng không nóng vội, không ép buộc; lấy tuyên truyền, vận động là chính nhằm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân.

Lãnh đạo các cấp, các ngành tuyên truyền người dân bản nghiêm túc thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình. Ảnh: ITN
Lãnh đạo các cấp, các ngành tuyên truyền người dân bản nghiêm túc thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình. Ảnh: ITN

Trước thực tế đó, những năm qua Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cuối năm 2019, Quốc hội khóa XIV đã phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu tổng quát “giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu”. Theo đó, xóa bỏ hủ tục lạc hậu là nội dung quan trọng của 1 trong 10 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là tôn trọng, bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng của Nhân dân, nhưng kiên quyết bài trừ hủ tục lạc hậu làm ảnh hưởng tới sức khỏe, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đoàn đại biểu người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc ở khu vực biên giới, hải đảo. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đoàn đại biểu người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc ở khu vực biên giới, hải đảo. Ảnh: TTXVN

Những phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số là một phần cốt lõi trong bản sắc của cộng đồng, nhưng không phải tất cả đều bất biến theo thời gian. Có những giá trị rất đẹp cần được bảo tồn, song cũng có những hủ tục đã trở thành rào cản cho sự tiến bộ, thậm chí gây tổn thương, bất bình đẳng và kìm hãm sự phát triển của con người – đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Song, việc xóa bỏ hủ tục không thể chỉ đơn giản bằng mệnh lệnh hành chính, mà phải bằng con đường văn hóa – tức là thay đổi nhận thức một cách bền vững từ bên trong cộng đồng. Muốn làm được điều đó, cần sự kết hợp hài hòa giữa tôn trọng bản sắc và thúc đẩy tiến bộ, giữa giữ gìn truyền thống và tiếp nhận cái mới.

Ông Tráng A Dương, Ủy viên chuyên trách Hội Đồng Dân tộc cho rằng, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương; Nếu xảy ra tình trạng này, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải chịu trách nhiệm.

“Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật tới người dân bằng nhiều hình thức khác nhau. Tập trung phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, đảm bảo sinh kế cho đồng bào. Và nên tập trung trọng tâm vào các dân tộc còn nhiều khó khăn và có khó khăn đặc thù trong các vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Cần tăng cường hơn nữa các hoạt động về tư vấn, duy trì và triển khai các mô hình; Cần biên soạn những bộ tài liệu, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác về văn hóa, dân tộc, dân số và kế hoạch hóa gia đình... từ đó nâng cao nhận thức để chuyển đổi hành vi.” – Ông Tráng A Dương nêu rõ.

Đồng quan điểm, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, nghệ nhân dân gian, trí thức dân tộc thiểu số – những người vừa hiểu truyền thống, vừa tiếp cận được với tri thức hiện đại.

“Chúng ta phải khơi dậy nội lực, làm cho chính đồng bào thấy được rằng việc từ bỏ hủ tục không phải là đánh mất bản sắc, mà là hành động dũng cảm để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho thế hệ mai sau. Khi văn hóa được nâng lên thành nhận thức, thành niềm tin, thì sự thay đổi sẽ không còn là áp đặt, mà là sự chuyển mình tự nhiên, chủ động và đầy tự hào. Và đó mới chính là con đường đúng đắn nhất – con đường lấy văn hóa để hóa giải những thách thức do chính văn hóa đặt ra” PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Truyền dạy múa khèn cho thế hệ trẻ người Mông ở Yên Minh, Hà Giang. Ảnh: IT
Truyền dạy múa khèn cho thế hệ trẻ người Mông ở Yên Minh, Hà Giang. Ảnh: ITN

Xóa bỏ hủ tục vốn đã tồn tại lâu đời trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số là việc làm khó, cần phải kiên trì thực hiện nhiều giải pháp phù hợp với cuộc sống và nhận thức, phong tục của đồng bào.

Với quan điểm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, những phong tục, tập quán có ý nghĩa tốt đẹp thì nên duy trì, phát huy và ngược lại, những hủ tục lạc hậu, không phù hợp với nếp sống văn minh thì cần phải loại bỏ. Điều quan trọng là cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, lấy công tác vận động, tuyên truyền kết hợp thực hiện chế tài xử lý đủ mạnh đối với những hành vi vi phạm pháp luật; đề cao vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên; tranh thủ sự giúp đỡ của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên hành trình xây dựng nếp sống văn minh. Và, tầm nhìn đến năm 2030 là xóa bỏ các tập quán, phong tục lạc hậu trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở nước ta.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bài cuối: Để hủ tục không cản bước phát triển
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO