Nghệ An giải quyết việc làm cho lao động trở về vì đại dịch

Bài cuối: Để cung gặp cầu

- Thứ Sáu, 24/09/2021, 06:38 - Chia sẻ
Trong bối cảnh tỉnh đang cần nhân lực cho các dự án lớn sắp triển khai thì lao động về quê có thể là một nguồn bổ sung cần cân nhắc. Làm thế nào để kết nối cung, cầu, để người lao động yên tâm “bỏ phố về quê”?

Trong rủi, có may

Trong số trên 500 chuyên gia, công nhân trình độ cao làm trong các dự án đầu tư FDI lớn, được trả lương cao đều không phải là người Nghệ An là điều rất đáng tiếc đối với tỉnh được đánh giá là có nguồn lao động thông minh, chịu khó.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đoàn Hồng Vũ cho biết, tỉnh đang xây dựng Đề án giải quyết việc làm giai đoạn 2021 - 2025. Chính vì thế số lao động hồi hương sẽ là cơ hội để doanh nghiệp bổ sung nguồn nhân lực có kinh nghiệm.

Mỗi năm Nghệ An có từ 45 - 50.000 người bước vào tuổi lao động; đồng thời tạo việc làm mới cho từ 37 đến 42.000  người. Tuy vậy, số liệu của ngành lao động cũng cho thấy số việc làm mới chủ yếu là đi ngoại tỉnh và giải quyết việc làm nội tỉnh chỉ khoảng 30%. Trong số lao động tìm được việc làm tại quê hương, không phải ai cũng đáp ứng được nhu cầu do nhà tuyển dụng đưa ra.

Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Lê Tiến Trị cho biết: theo khảo sát, tổng hợp của Ban quản lý và báo cáo của các doanh nghiệp: năm 2010 và 2021, các doanh nghiệp trong Khu đã tạo việc làm mới cho gần 10.000 lao động. Từ nay đến hết năm 2022, với các dự án đang triển khai, cần khoảng 50.000 lao động. Ngoại trừ 60 - 70% nhu cầu nhân lực thuộc về dệt may, điện tử phù hợp với lao động phổ thông, lao động tự do, còn lại đều là lao động chuyên môn kỹ thuật cao nên phải qua đào tạo.

Thực tế cho thấy, để ổn định cuộc sống cho lao động về quê, trước mắt, tỉnh tạo điều kiện tối đa tiếp nhận con em hồi hương được đào tạo nghề, hoặc đào tạo lại nghề. Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đoàn Hồng Vũ cũng cho biết: ngoài việc trích ngân sách 2 tỷ đồng để hỗ trợ 1.000 hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn làm việc phía Nam về quê, tỉnh đang tích cực triển khai gói hỗ trợ cho các lao động thất nghiệp và lao động tự do mất việc làm theo Nghị quyết 68/NQ/CP cho các lao động trên địa bàn; ngoài ra, trên cơ sở số lao động về, Sở đang giao cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tiếp nhận hồ sơ giải quyết bảo hiểm thất nghiệp, hướng dẫn lao động hỗ trợ chuyển đổi việc làm và kết nối tìm việc làm cho các lao động hồi hương.

Kết nối người lao động với doanh nghiệp

Yên tâm “rời phố về quê”?

Do điều kiện dịch Covid đang phức tạp, chưa biết khi nào chấm dứt để trở lại và làm thế nào để các lao động xa quê “rời phố về quê” để an cư là vấn đề đặt ra.

Thực tế cho thấy, phần lớn vị trí việc trên đều đi ngoại tỉnh, một số vị trí làm doanh nghiệp nội tỉnh thì có yêu cầu chuyên môn kỹ thuật và mang tính đặc thù cao nên cũng không dễ cho các lao động về quê lựa chọn. Theo các chuyên gia tuyển dụng lao động, với các lao động hồi hương làm nghề tự do thì nghề dệt may, điện tử hay giúp việc gia đình là phù hợp nhất. Các nghề trên cần nhiều lao động, nhất là lao động trẻ chỉ cần chịu khó, tập làm quen vài chục ngày trên dây chuyền là được. Vấn đề là khi vào làm việc trong nhà xưởng, người lao động phải chấp hành ý thức kỷ luật và giờ giấc - một thử thách với lao động tự do thì mới trụ được và thu nhập và ngày công mới bảo đảm.

Tổng giám đốc Công ty may Minh Anh Kim Liên Nguyễn Đình Sinh cho biết: để giữ vững sản xuất và bảo đảm các đơn hàng, công ty đang cần nhiều lao động cho Nhà máy tại Đô Lương và Tân Kỳ. So với các nhà máy khác, điều kiện làm việc và lương thưởng của Công ty khá hơn và mọi chế độ Công ty đều công khai với người lao động khi đến tuyển dụng. Tương tự, ông Phạm Văn Lương - Giám đốc Công ty may Nam Thuận bộc bạch: dự án đầu tư là sự cam kết của mình với lãnh đạo tỉnh tại hội nghị thu hút đầu tư phía Nam nhằm tạo việc làm cho em xa quê Nghệ An làm ăn. Hiện tại, do dịch nên Công ty phải giảm công suất và lao động từ 800 xuống còn 200 người. Sắp tới, nếu dịch bệnh được kiểm soát và Công ty hoạt động trở lại có thể tuyển tối đa 1.300 lao động, con em trong vùng bảo đảm sức khỏe thì đến thẳng công ty để xin phỏng vấn, đạt thì nhận ngay.

Hiện, trên cơ sở Đề án Giải quyết việc làm được UBND tỉnh thông qua, Sở lao động, Thương binh và Xã hội đang triển khai và phối hợp thực hiện nhiều giải pháp, phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Đối với lao động làm ăn xa hồi hương, do dịch Covid -19 đang diễn phức tạp, tỉnh chưa tổ chức hội chợ kết nối được cung cầu lao động trực tiếp nên các lao động sau khi cách ly xong cần việc có thể liên lạc, kết nối với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh qua sàn giao dịch việc làm, điện thoại hoặc mạng xã hội.

 Bên cạnh những giải pháp trên, nhiều ý kiến cho rằng về lâu dài là Nghệ An phải có những kế sách, tạo đột phá trong thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội để tạo nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động trên địa bàn tỉnh. Thực tế, Nghệ An là một trong những tỉnh thuộc khu vực có mức bình quân thu nhập tối thiểu thấp nhất cả nước và mức thu nhập thực tế của các lao động trên địa bàn còn thấp thua lao động các đô thị lớn. Khi thu nhập nâng lên thì tỉnh không chỉ thu hút, giữ chân được con em lao động hồi hương đợt này mà còn tạo việc làm cho hơn 20.000 con em bước vào độ tuổi lao động hàng năm; đồng thời thu hút nguồn nhân lực lao động từ các tỉnh về góp phần tạo lợi thế cạnh tranh của tỉnh.

Bài và ảnh: Phương Hà