NSND TẤN MINH - Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long: Giữ ngọn lửa đam mê của nghệ sĩ
Nghệ sĩ có nhiều vai trò, là cánh tay nối dài của Đảng, thực hiện nhiệm vụ chính trị, bảo tồn văn hóa dân tộc... thế nhưng lại phải thực hiện tự chủ, tự nuôi nhau. Tự chủ là cần thiết, để phát triển, song với nghệ thuật truyền thống cần có sự quan tâm hơn để bảo tồn, gìn giữ. Chúng tôi rất lo lắng cho nhiệm vụ bảo tồn văn hóa. Thị trường hóa, xã hội thay đổi, chúng ta mải miết kiếm tiền thì rất nguy hiểm. Kiếm tiền không thể thiếu trong thời đại hôm nay nhưng nó chỉ là một nhánh chứ không phải tất cả. Công nghiệp văn hóa không đơn giản chỉ làm chương trình 30 - 45 phút, mà nó còn liên quan đến nhiều yếu tố khác, trong đó đào tạo, bồi dưỡng con người rất quan trọng.
Nghề này luôn phải đón chào các nhân tố tươi mới, những hiện tượng lạ có giá trị, nhưng 5 - 7 năm nay chúng tôi không tuyển được ai. Vì muốn vào Nhà hát phải ký hợp đồng, qua quá trình cống hiến, theo dõi về tư cách, đánh giá tài năng, độ yêu nghề, yêu Hà Nội… thì mới tuyển vào biên chế. Chúng tôi chắt chiu từng biên chế để đón người tài. Tuy nhiên, bây giờ không được ký hợp đồng lao động nên không có cơ hội thử thách, tìm ra người tài.
Cá nhân tôi rất lo lắng, một vài năm tới nhân tài có ở lại với chúng ta không? Đến giờ này đã khó rồi. Thực tế đã và đang có sự chuyển dịch. Giữ được người giỏi trong hệ thống nhà nước, đặc biệt là các ngành nghệ thuật mũi nhọn quả thực rất khó. Đời sống văn nghệ sĩ quá chật vật. Chế độ thù lao bồi dưỡng tập luyện và biểu diễn quá không phù hợp với hiện nay. Diễn quần quật 2 - 3 tiếng/buổi, từ nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú đến nghệ sĩ bình thường, được bồi dưỡng cao nhất 200.000 đồng, trong khi nếu đi hát bên ngoài ít cũng 5 triệu đồng, không áp lực gì.
Trong điều kiện như thế, tại sao các nghệ sĩ vẫn ở lại với mình (các nhà hát - PV)? Đó chỉ bởi tình yêu nghề. Vì thế, rất cần có cơ chế để họ giữ ngọn lửa đam mê ấy. Mà như thế thì tốt cho văn hóa nghệ thuật của chúng ta.
NSƯT TRẦN QUANG KHẢI - Trưởng đoàn Cải lương thể nghiệm, Nhà hát Cải lương Việt Nam: Đãi ngộ thỏa đáng sẽ thu hút diễn viên trẻ tài năng
Các cụ nói “thầy già, con hát trẻ”. Với đặc thù của ngành nghệ thuật biểu diễn, coi trọng yếu tố thanh - sắc, tuổi nghề ngắn, luôn cần diễn viên trẻ. Thế nhưng đây đang là nỗi lo của các nhà hát, đơn vị nghệ thuật, nhất là với các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống khi không thu hút được diễn viên trẻ tài năng. Đặc biệt, Nhà hát Cải lương Việt Nam tương lai gần sẽ thiếu trầm trọng lực lượng nhạc công có chuyên môn cao.
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng trước tiên là chế độ đãi ngộ. Bây giờ giới trẻ rất thực tế, nghề nào bảo đảm đời sống sau này thì họ sẽ theo học. Nhìn vào mức lương của nghệ sĩ hiện nay, như tôi sau 24 năm làm nghề, thêm phụ cấp trách nhiệm, cũng chỉ được hơn 10 triệu đồng/tháng. Còn các em mới tốt nghiệp đại học, lương chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng, không bằng lương bảo vệ và thua xa lương công nhân. Như thế làm sao thu hút được diễn viên trẻ chứ chưa nói đến tài năng? Không khó hiểu khi Khoa Kịch hát dân tộc, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, có những năm không tuyển được sinh viên nào.
Chế độ bồi dưỡng tập luyện, biểu diễn thì 10 năm nay vẫn thế, có thể thời điểm ban hành thì tốt nhưng nay đã quá lỗi thời, không theo kịp biến chuyển của đời sống xã hội. Phải thừa nhận thực tế, nghệ sĩ biểu diễn chưa thể sống được bằng nghề.
Nghệ sĩ ưu tú và Nghệ sĩ nhân dân khi được Nhà nước phong tặng danh hiệu chỉ được chút tiền thưởng, không đi kèm chế độ, chính sách gì sau đó. Họ đã cống hiến đến mức độ ấy thì nên có chính sách như xét nâng hạng lương để họ cảm thấy công sức của mình được ghi nhận xứng đáng cũng như được bảo đảm quyền lợi lâu dài.
Biên chế cũng là vấn đề đáng nói. Các nhà hát hiện nay không có chỉ tiêu biên chế, nhiều diễn viên tài năng, triển vọng mãi ở diện hợp đồng, có khi đến 10 năm vẫn chưa được tuyển dụng. Ký hợp đồng lao động thì nhà hát giờ cũng không có tiền để trả. Yêu nghề có thể có nhưng họ vẫn dứt áo ra đi, vì còn phải lo cho cuộc sống gia đình.
Xã hội càng vận động và phát triển, giới trẻ có quyền lựa chọn công việc mà họ cảm thấy thoải mái nhất, cho thu nhập tốt nhất. Không thể bắt họ có trách nhiệm với nghệ thuật truyền thống nếu chúng ta không bảo đảm được cuộc sống cho họ. Chế độ đãi ngộ quyết định mọi thứ. Nếu chế độ đãi ngộ thỏa đáng, diễn viên trẻ sẽ nhìn vào đó mà thêm yên tâm theo đuổi, toàn tâm toàn ý cống hiến cho nghệ thuật.
THS. NGUYỄN MẠNH HÙNG - Phó trưởng khoa Diễn viên múa, Học viện Múa Việt Nam: Có chính sách đồng bộ, mạnh mẽ
Hiện nay sinh viên Học viện Múa Việt Nam được giảm 70% học phí, có cả tiền thanh sắc, học bổng. Đấy là sự ưu đãi so với các trường khác. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại là sinh viên ra trường không vào các nhà hát, đoàn nghệ thuật của Nhà nước. Bởi vì nhà hát, đoàn nghệ thuật công lập hiện nay không có biên chế, mà hợp đồng diễn viên mới ra trường trình độ trung cấp lương rất thấp, chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng, trong khi các em phải làm việc cả ngày, đi biểu diễn ở vùng sâu, vùng xa...
Bây giờ ra trường, các em hay đầu quân cho các chương trình biểu diễn thực cảnh hoặc lập nhóm biểu diễn cho các chương trình bên ngoài. Ngay như Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam - “anh cả” của ngành múa, hiện chỉ có 3 nam diễn viên múa, nữ cũng chỉ có khoảng chục em. Đầu quân cho các đơn vị tư nhân cũng tốt, thu nhập cao, nhưng không được dài, hết dự án là thôi, khoảng 5 - 6 năm họ lại thay một lượt diễn viên mới khác, trẻ hơn, xinh hơn.
Nhưng đáng nói là tình trạng chảy máu chất xám. Một lứa diễn viên múa đào tạo 4 - 6 năm, nếu đào tạo ở Nga thì còn lên đến 7 - 9 năm, mất bao tiền bạc của Nhà nước, nhưng cuối cùng các đơn vị nghệ thuật của Nhà nước lại không được sử dụng. Có những em đi học ở nước ngoài trở về không có chỗ (trong nhà hát), phải dạy hợp đồng theo giờ, lương 2 - 3 triệu đồng/tháng, được một thời gian cũng bỏ ra làm ngoài…
Về lâu dài, chúng tôi mong muốn có cơ chế hoạt động phù hợp cho các nhà hát, đoàn nghệ thuật. Bởi nếu không còn các đoàn nghệ thuật, thì đào tạo diễn viên cũng không để làm gì. Cần thay đổi cơ chế, không chỉ cho múa, mà phải đồng bộ cho nghệ thuật biểu diễn nói riêng, văn hóa nói chung. Đành rằng, đất nước đang phát triển thì phải tập trung cho kinh tế - xã hội, nhưng cũng cần quan tâm, đầu tư đúng mức để văn hóa thực hiện sứ mệnh "soi đường cho quốc dân đi".