Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo

Bài cuối: "Cú hích" cho giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới

- Thứ Tư, 24/02/2021, 06:48 - Chia sẻ
Chương trình Cho vay hộ mới thoát nghèo không chỉ trợ lực cho các hộ dân vừa thoát khỏi ngưỡng nghèo hoặc hộ cận nghèo; mà sâu hơn, nó còn là "cú hích" đối với các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… đạt được kết quả một cách bền vững. Đây cũng là một trong những lý do để Thủ tướng Chính phủ quyết định tiếp tục giải ngân nguồn vốn này vào cuối tháng 3.2021.

Thay đổi diện mạo vùng khó khăn

Có thể thấy, hiếm một chính sách nào lại có tuổi đời dài hơi như chính sách tín dụng ưu đãi; cũng hiếm có chính sách nào nhận được sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là sự ủng hộ sâu rộng của người dân.

Với một chuỗi các sản phẩm tín dụng nhằm phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo nguyên tắc ưu tiên hộ nghèo - hộ cận nghèo - hộ mới thoát nghèo, đã tạo thành một hệ thống chính sách đồng bộ, bao trùm các nhóm đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt, cho vay hộ mới thoát nghèo được đánh giá là chương trình nhân văn và có sức lan tỏa mạnh mẽ bởi tính hỗ trợ đa chiều, giúp người dân không chỉ giảm nghèo mà còn thoát nghèo bền vững; ngăn chặn và đẩy lùi nạn "tín dụng đen". Qua đó, góp phần tích cực vào việc hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng, củng cố lòng tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước, đặc biệt tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại khu vực nông thôn, vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Quyết định số 2/QĐ-TTg ngày 21.1.2021 giúp hộ mới thoát nghèo có thêm niềm tin để vươn lên thoát nghèo bền vững
Ảnh: Đức Kiên

Đại diện NHCSXH cho biết, sau 5 năm thực hiện chương trình tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo đã có trên 1,4 triệu lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn từ NHCSXH, với doanh số cho vay gần 62.000 tỷ đồng; trong đó, ưu tiên tập trung vốn cho hộ mới thoát nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; thu hút, tạo việc làm cho trên 1 triệu lao động có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Riêng đối với địa bàn các xã đang xây dựng nông thôn mới, chỉ tính trong giai đoạn 2018 - 2020, tổng doanh số cho vay tại các xã xây dựng nông thôn mới đạt 154.345 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ hơn 87%/tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách.

Tổng dư nợ tại các xã xây dựng nông thôn mới đến nay đạt 190.582 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 86,8%/tổng dư nợ, với gần 5,7 triệu khách hàng còn dư nợ. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã trực tiếp góp phần thực hiện 7/11 nội dung thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (như chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo và an sinh xã hội, đổi mới các hình thức sản xuất…) và 8/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới như thu nhập, lao động có việc làm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật…

Hiện nay mức cho vay tối đa của chương trình là 100 triệu đồng/hộ, lãi suất 8,25%/năm. Thời hạn cho vay do NHCSXH và hộ mới thoát nghèo thỏa thuận trên cơ sở chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng nhưng không quá 5 năm.

Tiếp tục giải ngân vào cuối quý I.2021

Kết quả thu được từ hoạt động tín dụng chính sách nói chung, chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo nói riêng đã tác động mạnh mẽ đến công cuộc kiến thiết và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là giảm nghèo bền vững.

Tuy nhiên, để giảm nghèo bền vững, còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, ngoài việc coi ứng dụng khoa học, công nghệ là giải pháp cơ bản để nhanh chóng đạt được mục tiêu giảm nghèo ở các chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn tới thì đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội ở các vùng khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông kết nối để tạo cơ hội giao thương, việc làm; đầu tư cho giáo dục và dạy nghề, tạo điều kiện thông thương, giúp người nghèo tiếp cận nguồn lực để tự vươn lên... là con đường căn bản giảm nghèo bền vững. Với công cuộc này “Hoạt động tín dụng chính sách tiếp tục khẳng định hiệu quả thiết thực và là điểm nhấn trong công tác giảm nghèo…”. (Báo cáo số 1654/BC-UBVĐXH ngày 10.10.2018 về việc thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả hai năm (2017 - 2018) thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Ủy ban về các vấn đề Xã hội khóa XIV.)

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cả nước cần triển khai phong trào mới: “Mỗi xã, mỗi huyện xây dựng một mô hình giảm nghèo tiêu biểu phù hợp với địa phương mình". Giảm nghèo với cách làm sáng tạo hơn nữa, giảm nghèo bền vững bắt đầu từ trẻ em, cần đặc biệt quan tâm đến nguồn vốn con người. Các địa phương có điều kiện, phát triển khá hơn nhận hỗ trợ các huyện nghèo, xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Thủ tướng cũng đề nghị, nghiên cứu trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các nghị quyết, chỉ thị về chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững đến năm 2030, trình Quốc hội ban hành nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bao trùm và phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.

Trước mắt, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 2/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21.7.2015 về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo. Theo đó, kể từ ngày 30.3.2021, NHCSXH tiếp tục được thực hiện giải ngân chương trình tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo, thay vì giải ngân đến hết ngày 31.12.2020 như quy định tại Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg.

Bình Nhi