Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Bài cuối: Chăm lo, bảo vệ lợi ích tối cao và toàn diện của nhân dân

- Thứ Hai, 19/04/2021, 06:42 - Chia sẻ

Không một cuộc vận động chính trị nào, đặc biệt là những cuộc đổi mới mang tầm lịch sử, có thể thành công, nếu không xây dựng thành công môi trường xã hội chính trị tương dung và lôi cuốn toàn dân tham gia. Công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ của chúng ta đã qua, đang và tiếp tục càng đòi hỏi như vậy. Toàn bộ công cuộc đổi mới, dù được hoạch định và tổ chức thực thi bao nhiêu mà không có sự tham dự, ủng hộ và hành động của nhân dân đều rất khó thành công.

Trọng dân, yêu dân, kính dân

Trong tầm nhìn tới năm 2045, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được Đảng ta xác định tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa…” càng phải thu hút được sự tham dự, ủng hộ và hành động của nhân dân.

Lịch sử dân tộc cho thấy, lợi ích quốc gia - dân tộc là tối thượng và quyền tự quyết dân tộc xã hội chủ nghĩa là vô giá, dưới ngọn cờ của Đảng và sự ủng hộ của muôn Dân! Lợi ích đó không thể bị diệt vong bởi nạn ngoại xâm và càng không thể bị tiêu vong bởi nạn nội xâm, nếu được nhân dân ủng hộ và hy sinh. Tất cả nhằm mục tiêu cao cả: Bảo vệ và phát triển lợi ích của mỗi người, của từng tổ chức trong xã hội thống nhất với lợi ích của quốc gia dân tộc Việt Nam trong thế giới đương đại, lấy lợi ích chính trị của đất nước Việt Nam là hạt nhân mà mọi sự đổi mới, dù ở phương diện nào, góc độ nào, mức độ tới đâu… đều xoay chung quanh nó, dưới ngọn cờ của Đảng. Vì thế, suy cho cùng, một cách tự nhiên, mục tiêu cao cả và cụ thể của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, là chăm lo, bảo vệ lợi ích tối cao và toàn diện của Nhân dân. Đó chính là chủ nhân của lịch sử và sức mạnh Việt Nam hiện tại và tương lai!

Để quy tụ được cả dân tộc, Đảng phải vừa là đạo đức, vừa là văn minh; phải tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm của dân tộc và thời đại, phải thực sự đoàn kết nhất trí, được nhân dân thừa nhận. Một mặt, Đảng phải là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thành nhất của Mặt trận. Chỉ trong đấu tranh và công tác hàng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo trước nhân dân. Mặt khác, chỉ khi chúng ta trọng dân, yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta như Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu.

Tiền nhân đã dạy: “Sông phía bắc, biển phía đông/ Nếu không dân cũng là không có gì”! Không có nhân dân, Đảng nhất định không có tất cả cơ đồ và cả tương lai! Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Gốc có vững, cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”. Đảng phải xứng đáng mãi mãi là “đứa con nòi” của Nhân dân, xứng đáng “vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”! Đó là đạo lý cũng là pháp lý Việt Nam! Nói một cách giản dị, Đảng hãy đứng vững trên nền móng Nhân dân, chăm lo, phụng sự nhân dân, sống chết vì Nhân dân, thì vinh quang của Đảng, uy tín và sức mạnh của mỗi cán bộ, đảng viên, không cầu cũng tự đến! Tương lai của Đảng, theo đó, mà rộng mở; sức mạnh của dân tộc và uy tín của đất nước, cũng trên nền tảng đó, mà tấn tới mãi mãi.

Nêu gương thực hành dân chủ 
Hơn bao giờ hết, hiện nay, đại đoàn kết dân tộc còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc; là đòi hỏi khách quan của bản thân Đảng trong sứ mệnh tập hợp Nhân Dân thành sức mạnh vô địch trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì tự do và hạnh phúc cho nhân dân và của nhân dân.

Để đoàn kết các giai cấp, tầng lớp khác nhau, Đảng phải nêu gương “cầu đồng tôn dị”, đoàn kết phải bao gồm đấu tranh, đấu tranh để đoàn kết tốt hơn ngay từ trong nội bộ Đảng tới hệ thống chính trị và toàn thể dân tộc với gần 100 triệu đồng bào dù ở trong nước hay ở ngước ngoài. Không như thế sẽ có nguy cơ rơi vào coi nhẹ việc tranh thủ tất cả những lực lượng có thể tranh thủ được hoặc vô hình rơi vào khuynh hướng đoàn kết một chiều, đoàn kết mà không có đấu tranh đúng mức. Mặt khác, phải nêu gương thực hành dân chủ và chấp pháp vô thân, phải dùng phương pháp vận động, giáo dục, thuyết phục, lấy lòng chân thành để đối xử, khơi gợi ở nhân dân tinh thần tự giác, tự nguyện... Đồng thời, phải thành thực lắng nghe ý kiến của người ngoài Đảng, phải học hỏi điều hay, điều tốt của mọi người dân...

Về trách nhiệm của Đảng đối với nhân dân, phải nhớ rằng, cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, lương chúng ta hưởng là do nhân dân làm ra và đóng góp; hễ còn một người Việt Nam bị nghèo nàn thì Đảng vẫn chưa làm tròn nhiệm vụ trước nhân dân. Đó là đạo lý. Sức mạnh và uy tín của Đảng nằm ngay trong đạo lý, trong mối quan hệ giữa Đảng với dân và dân với Đảng.

Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng và trước nhân dân, lắng nghe và kính yêu nhân dân, tôn trọng thật sự quyền làm chủ của nhân dân, hết lòng hết sức phụng sự nhân dân. Mỗi đảng viên tuyệt đối không được trở thành "quan cách mạng”, phải khiêm tốn, gần gũi. Đảng phải lựa chọn "những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng. Luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng. Như thế, thì dân chúng mới tin cậy cán bộ và nhận cán bộ là người lãnh đạo của họ”.

Đảng phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng nhân dân và hướng dẫn nhân dân, tổ chức thành lực lượng, thành phong trào hành động cách mạng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

Đảng kiên quyết tẩy trừ thói cậy quyền, cậy thế, chia rẽ, kiêu ngạo, tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, móc ngoặc, những thói phù hoa xa xỉ... ngay từ trong Đảng và hệ thống chính trị. Nói giản dị như Chủ tịch Hồ Chí Minh, rằng: cơm của chúng ta ăn, áo của chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều là mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy, chúng ta phải đền ơn xứng đáng cho nhân dân, chớ vác mặt làm quan cách mạng để dân ghét, dân khinh, dân không ủng hộ. Hãy biết tự trọng và giữ gìn liêm sỉ! Làm trái thế, nhất định nhân dân chẳng những không tin, không phục, mà còn càng không yêu, không ủng hộ.

Phải tạo cơ chế thích hợp để các tầng lớp nhân dân tham gia và bảo vệ nhân dân xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Nên thành tâm và nghiêm cẩn nhớ rằng, khi nhân dân còn tham gia góp ý, phê bình sự lãnh đạo của Đảng là lúc nhân dân còn tin yêu Đảng, còn mong muốn Đảng luôn luôn trong sạch và vững mạnh.

TS Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản