Khó chồng khó
Chính quyền cấp xã là cấp trực tiếp triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến từng người dân. Được tổ chức ở các đơn vị hành chính theo lãnh thổ tự nhiên, gắn kết chặt chẽ với dân cư ở cơ sở, HĐND xã là cầu nối với cử tri, nhân dân, là nơi nhân dân thực hiện quyền làm chủ và tự quản của mình.
Dẫu vậy, ở một số địa phương, địa bàn, HĐND, đại biểu HĐND cấp xã chưa phải "địa chỉ" cử tri tìm đến đầu tiên khi có vướng mắc. Có một thực tế không khỏi "chạnh lòng" là vẫn còn những suy nghĩ như một sự mặc định rằng hoạt động của cơ quan dân cử cấp xã còn tương đối hình thức khiến vai trò, vị trí của cơ quan dân cử ở cơ sở "nhạt nhòa" chứ chưa nói đến các Ban chuyên môn...
Thực tế hoạt động của Ban HĐND cấp xã ở Quảng Ninh cho thấy, việc còn thiếu hoặc đã có nhưng chưa rõ các quy định, hướng dẫn khiến tổ chức, hoạt động của Ban HĐND cấp xã càng thêm lúng túng. Đơn cử, Điều 33, Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới chỉ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND xã; Điều 109 cũng chỉ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban HĐND nói chung mà chưa quy định rõ đối với Ban HĐND cấp xã. Ngoài ra, chưa có hướng dẫn cụ thể nào về hoạt động của các Ban HĐND cấp xã…
Nhìn vào khối lượng công việc của các Ban HĐND cấp xã, đối sánh với nguồn lực thực hiện cũng thấy còn đó không ít trăn trở. Bởi, thành viên các Ban HĐND cấp xã hiện đều hoạt động kiêm nhiệm, chủ yếu là Bí thư chi bộ, Trưởng các khu dân cư có độ tuổi cao, trình độ chuyên môn còn hạn chế, hoặc cán bộ công chức xã công tác ở các tổ chức đoàn thể nên việc bố trí thời gian dành cho hoạt động của Ban còn có mức độ...
Riêng về hoạt động giám sát, trên thực tế trực tiếp tổ chức giám sát của HĐND chủ yếu do các Ban HĐND tổ chức. Với địa vị pháp lý và các điều kiện cho hoạt động chưa được bảo đảm, rất khó để Ban của HĐND có thể thực hiện được đầy đủ các hoạt động giám sát của HĐND.
Cần giải pháp phù hợp trên cơ sở rà soát, đánh giá kỹ lưỡng từ thực tiễn
Quá trình giám sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh chỉ rõ, khó khăn trong nâng cao chất lượng hoạt động của Ban HĐND cấp xã cũng xuất phát từ chính sự eo hẹp về cơ chế chính sách và nguồn lực. Các thành viên Ban làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, Ủy viên các Ban đều không có phụ cấp…
Như vậy, nếu muốn các Trưởng, Phó trưởng và Ủy viên các Ban HĐND cấp xã dành tâm huyết, thời gian để phục vụ các hoạt động của Ban HĐND cấp xã thì yêu cầu cấp thiết là phải có chính sách chi trả phụ cấp cho các vị trí này. Mặt khác, việc bảo đảm vị trí chức danh có trình độ chuyên môn phù hợp, tăng thành viên chuyên trách của các Ban HĐND cấp xã cũng cần phải bảo đảm. Bên cạnh đó, cần cụ thể về tư cách pháp nhân cho Ban HĐND cấp xã; có hướng dẫn về bố trí thành viên, cũng như bảo đảm tính pháp lý cho hoạt động của Ban HĐND cấp xã...
Từ thực tiễn khảo sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cũng cho thấy, nếu muốn thiết chế HĐND cấp xã hoạt động thực sự hiệu quả thì việc hoàn thiện quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn HĐND cấp xã nói chung; trong đó, có Ban HĐND cấp xã là yêu cầu tất yếu, điều kiện quan trọng cần được quan tâm, chú trọng. Riêng với các Ban HĐND cấp xã thì phải có những quy định rõ hơn nữa về nhiệm vụ, quyền hạn; đồng thời, bảo đảm các điều kiện hoạt động cho các Ban.
Trước khi cuộc khảo sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh được tổ chức, tại một số địa phương áp dụng thí điểm mô hình chính quyền đô thị trong cả nước vừa qua cũng đã thực hiện không bố trí HĐND cấp quận, huyện, phường. Dù mới dừng lại ở thí điểm, song nếu có những tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng từ quá trình triển khai chắc chắn sẽ mang đến nhiều bài học kinh nghiệm và đề xuất khả thi, phù hợp cho thiết chế HĐND cấp xã nói chung và các Ban HĐND cấp xã nói riêng. Qua đó, hướng đến mục tiêu cao nhất là bảo đảm quyền đại diện của nhân dân và hiệu quả của bộ máy chính quyền cơ sở.