Chủ động ứng phó với các nguy cơ, thách thức
Theo Thiếu tướng, GS.TS. Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam, những giải pháp chủ yếu trong phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ, thách thức ANPTT cần hướng vào các vấn đề trọng tâm là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế, môi trường, năng lượng, lương thực…; tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; nắm chắc tình hình trên không gian mạng và thực địa; quản lý chặt chẽ các loại đối tượng; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và các nguy cơ, thách thức ANPTT; phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực, phản động lợi dụng các sơ hở, thiếu sót để lôi kéo, kích động biểu tình, khủng bố, phá hoại…

Thiếu tướng, GS. TS. Nguyễn Hồng Quân khuyến nghị cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền các cấp, các lực lượng, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và tầng lớp Nhân dân về những thách thức ANPTT; về đặc điểm, tính chất, nội dung, phạm vi ảnh hưởng; về sự cần thiết, nội dung, biện pháp, lực lượng, phương tiện để phòng ngừa, ứng phó với các thách thức ANPTT.
Bên cạnh đó, cần phát huy cơ hội từ việc ứng phó các nguy cơ đe dọa ANPTT, nhất là trong đổi mới mô hình phát triển, cơ cấu nền kinh tế và thúc đẩy nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tập trung phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; gắn công tác thông tin, tuyên truyền đi vào chiều sâu, với từng nhóm đối tượng, phù hợp đặc điểm, đặc thù về kinh tế, văn hóa - xã hội.
Thường xuyên nắm tình hình, nghiên cứu, nhận diện, phân tích, dự báo chiến lược một cách có hệ thống và toàn diện về các thách thức ANPTT nổi lên trên địa bàn tác động lớn đến an ninh, ổn định và phát triển trong tương lai; mức độ, tính chất tác động, nguyên nhân, điều kiện có thể làm gia tăng các nguy cơ đe dọa ANPTT; khả năng, điều kiện của hệ thống chính trị, các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan trong phòng ngừa, ứng phó với các thách thức ANPTT. Để từ đó, có chủ trương, đối sách thích ứng tổng thể, chủ động đầu tư, bố trí lực lượng, phương tiện, biện pháp phòng ngừa, ứng phó kịp thời. Đồng thời, quan tâm dành nguồn vốn, đầu tư, thiết kế xây dựng các công trình, quy hoạch dự án bảo đảm chủ động ứng phó với các thách thức ANPTT, thiên tai gây sạt lở, mất đất canh tác…
Nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ đạo, quản lý, điều hành của các địa phương. Chú trọng đề xuất xây dựng, bổ sung các chính sách liên ngành trong quản trị rủi ro từ các thách thức ANPTT; các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý các vấn đề ANPTT, phòng, chống các nguy cơ đe dọa ANPTT.
Tham gia đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng, ban hành Chiến lược tổng thể quốc gia phòng ngừa, ứng phó với các thách thức ANPTT trên cơ sở quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa nhận thức, tư duy mới về ANPTT bảo đảm tính đồng bộ, toàn diện, bao trùm. Từ thực tiễn ứng phó với các nguy cơ đe dọa ANPTT, cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn để xây dựng, hoàn thiện Chiến lược tổng thể quốc gia ứng phó với thách thức ANPTT.
Tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt là thiết lập và thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác song phương, đa phương với các nước, các tổ chức trên thế giới nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, thu hút các nguồn lực phục vụ phòng ngừa, ứng phó có hiệu quả với các nguy cơ, thách thức ANPTT.
Tiếp tục đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực có tác động, thách thức ANPTT thông qua chia sẻ dữ liệu. Cùng với đó, chủ động ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ, nhất là các thành tựu của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư vào công tác ứng phó nguy cơ đe dọa ANPTT, tập trung vào ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và tự động hóa quy trình…, góp phần củng cố sức mạnh tổng hợp của đất nước để chủ động ứng phó với các nguy cơ, thách thức ANPTT đang diễn biến ngày càng phức tạp.
Xây dựng đề án, chiến lược ngăn chặn
Thiếu tướng, GS. TS. Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh: Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật liên quan đến việc phòng ngừa, ứng phó, giải quyết các vấn đề ANPTT. Tuy nhiên, trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, vẫn còn những bất cập, hạn chế, chưa hướng vào ngăn ngừa các nguy cơ ANPTT.
Từ vấn đề này, Thiếu tướng, GS. TS. Nguyễn Hồng Quân đề xuất, nên xác định một số chủ trương, giải pháp, nội dung nhiệm vụ cần thiết trong xây dựng đề án hoặc chiến lược để ngăn chặn những thách thức từ ANPTT, đặc biệt là an ninh phi truyền thống khu vực biên giới, như sau:
Thứ nhất, đề án hoặc chiến lược phải bảo đảm tính hiện đại, cập nhật, hợp xu thế, bởi các vấn đề ANPTT ngày càng phát triển, hậu quả nặng nề ảnh hưởng lớn đến an ninh quốc gia.
Thứ hai, đề án, chiến lược phải dễ hiểu và thống nhất (càng ít văn bản hướng dẫn càng tốt), tránh tạo ra các lỗ hổng khiến việc đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống chưa được như mong đợi.

Thứ ba, chính sách, pháp luật phải nghiêm khắc hơn nữa, mang tính cưỡng chế mạnh mẽ hơn đối với những trường hợp vi phạm pháp luật, đặc biệt các tội phạm ảnh hưởng đến chủ quyền và lợi ích quốc gia.
Thứ tư, đề án hoặc chiến lược cần bổ sung các nội dung liên quan đến các cuộc tấn công mang tính chất quốc gia như gián điệp mạng trong chính sách, pháp luật từ đó đưa các phương án tác chiến trong Thế trận quốc phòng toàn dân trên không gian mạng kết hợp với Thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng. Thậm chí nêu rõ các công cụ gồm cả quân sự (nếu cần thiết) trong chính sách để thể hiện tính răn đe trong những thời điểm nhất định. Đặc biệt hình thành “thế trận lòng dân” trên không gian mạng với thể chế, thiết chế rõ ràng.
Thứ năm, bổ sung và làm rõ các thể chế và thiết chế liên quan đến hợp tác quốc tế về ANPTT ở khu vực và trên thế giới.
Thứ sáu, đề án hoặc chiến lược cần xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, như cơ chế kiểm tra, giám sát, thi đua khen thưởng, cơ chế tài chính, cơ chế phối hợp, cơ chế ưu đãi đặc thù…
Đa tầng, đa lĩnh vực, liên kết đồng bộ
Trao đổi với chúng tôi, TS. Đào Trung Hiếu cho rằng, để chủ động ứng phó hiệu quả với các nguy cơ ANPTT tại khu vực biên giới, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, chúng ta cần tiếp cận vấn đề theo hướng đa tầng, đa lĩnh vực và liên kết đồng bộ giữa các cấp, các ngành.
Một là, cần nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến phòng, chống các loại tội phạm phi truyền thống. Nhiều loại hình tội phạm mới như rửa tiền xuyên biên giới, lừa đảo qua mạng, buôn bán dữ liệu cá nhân, vận chuyển trái phép tiền ảo... hiện chưa có chế tài xử lý đủ mạnh hoặc chưa được định danh rõ ràng trong hệ thống pháp luật.
Hai là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong kiểm soát biên giới: sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), hệ thống cảm biến, camera nhận diện khuôn mặt, drone giám sát khu vực hiểm yếu để sớm phát hiện dấu hiệu bất thường và cảnh báo nguy cơ đột biến.
Ba là, xây dựng cơ chế phối hợp tác chiến giữa các lực lượng: Công an, biên phòng, hải quan, an ninh mạng... theo hướng chia sẻ dữ liệu, thông tin tình báo theo thời gian thực; tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm” hoặc xử lý chồng chéo.
Bốn là, coi trọng yếu tố con người. Cần nâng cao năng lực nghiệp vụ, ngoại ngữ, kỹ thuật số cho cán bộ thực thi pháp luật tại địa bàn biên giới – những người đang trực tiếp đối mặt với các loại tội phạm tinh vi, có yếu tố quốc tế.
Năm là, thúc đẩy ngoại giao an ninh – ký kết các hiệp định phối hợp kiểm soát tội phạm xuyên biên giới, thiết lập kênh liên lạc nhanh với lực lượng chức năng nước bạn, phối hợp tuần tra song phương tại những “điểm nóng” trên tuyến biên giới.
Quyết tâm chính trị cao về nhận thức, hành động
Từ tham khảo và nghiên cứu ứng phó với các vấn đề ANPTT trên thế giới, trong cuốn sách chuyên khảo “Kinh nghiệm giải quyết các vấn đề ANPTT trên thế giới và gợi mở đối với Việt Nam” PGS, TS Nguyễn Thị Trường Giang cho rằng: Hướng giải quyết các vấn đề ANPTT của các quốc gia châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Israel), châu Âu (Vương quốc Anh, Cộng hòa Liên bang Đức, Liên bang Nga), Mỹ và Australia đều để lại những bài học có tính ứng dụng quý giá cho Việt Nam.
Trong đó, nổi bật là chính quyền phải có quyết tâm chính trị cao về nhận thức và hành động; thường xuyên hoàn thiện thể chế về ANPTT; tăng cường xã hội hóa việc phòng, chống các vấn đề ANPTT để bổ sung nguồn lực quốc gia vốn còn hạn chế; phát triển khoa học - công nghệ trong ứng phó với các vấn đề ANPTT là ưu tiên quan trọng rất phù hợp với thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 và sắp tới là 5.0; tăng cường hợp tác quốc tế trong giải quyết các vấn đề.
Việt Nam cần thống nhất nhận thức và đưa ra được khung quản trị ANPTT; minh bạch hóa về xác định quyền quyết định, ban hành chiến lược, chính sách về các vấn đề ANPTT và xác định rõ trách nhiệm giải trình; lập kế hoạch chiến lược một cách khả thi và hiệu quả, coi trọng việc cung cấp nguồn lực vật chất và quản trị nguồn lực con người, quan tâm tới kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống.
Việt Nam là một quốc gia đang phát triển với khát vọng phồn vinh, dân giàu, nước mạnh. Trên con đường thực hiện khát vọng, dân tộc Việt Nam gặp không ít khó khăn, cản trở không chỉ đến từ những vấn đề an ninh truyền thống mà còn đến từ những kẻ thù giấu mặt, khó lường và đang biến đổi hết sức tinh vi mang tính toàn cầu – đó là vấn đề an ninh phi truyền thống.
Những biện pháp các nhà khoa học kiến nghị ở trên sẽ là những gợi ý phù hợp cho chúng ta giảm thiểu những thiệt hại, vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội, góp phần đưa đất nước thực hiện thắng lợi mục tiêu với những thành quả rực rỡ trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.