Kinh tế Nhà nước: Vì sao chủ đạo và để xứng đáng vai trò chủ đạo?

Bài cuối: Cải cách thể chế nền kinh tế và vai trò “nhạc trưởng” của Nhà nước

- Thứ Bảy, 21/11/2020, 07:20 - Chia sẻ

Với ba điều cần thiết tối thiểu trong việc “đối xử” với kinh tế thị trường đã nêu, thì công việc mấu chốt cần kíp tập trung đổi mới ở đây đối với chúng ta là vấn đề thể chế. 

Nhà nước làm nhiệm vụ kiến tạo phát triển, dẫn lối, kiểm soát, điều tiết 

Nói đến thể chế, trước hết và trung tâm là nói đến vai trò của Nhà nước trong và đối với nền kinh tế đất nước hiện nay, thông qua các việc chế định và định chế các cơ chế, chính sách vĩ mô cùng đòn bẩy đối với nền kinh tế, theo chủ kiến của Nhà nước. Nói xác đáng đó là mối quan hệ giữa Nhà nước - thị trường - và xã hội, xét ở mọi chiều cạnh từ kinh tế tới chính trị lẫn văn hóa, đối ngoại và hội nhập quốc tế. 

Vậy, ở đây, Nhà nước làm gì và làm như thế nào để xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN? Trong điều kiện đổi mới và hội nhập quốc tế, việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường được thể hiện đồng thời dưới ba góc độ, tối thiểu: 

Một là, Nhà nước đẩy mạnh hội nhập quốc tế, dẫn dắt kinh tế Việt Nam theo quỹ đạo kinh tế thị trường hiện đại bằng luật và các công cụ điều tiết vĩ mô. Hai là, Nhà nước hoàn thiện khung khổ pháp lý, hoạch định các chế định bảo đảm tôn trọng và củng cố các nền tảng cơ bản pháp lý và kinh tế của kinh tế thị trường (quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh... của các thành phần và khu cực kinh tế), hệ chính sách đòn bẩy và các công cụ quản lý kinh tế vĩ mô khác. Ba là, Nhà nước kiểm soát theo luật định, đúng chức năng và nhiệm vụ của mình, với phương châm thượng tôn pháp luật, đối xử bình đẳng, minh bạch và chịu trách nhiệm giải trình.

Vì vậy, Nhà nước tập trung thực thi. Thứ nhất, định hướng phát triển cho nền kinh tế của đất nước, sử dụng hệ thống đòn bẩy kinh tế mà Nhà nước nắm giữ: Hệ thống tiền tệ, hạn ngạch, các khoản thu và thuế tiêu thụ đặc biệt, các khoản chiết khấu, các loại thuế khác. Thứ hai, điều chỉnh nền kinh tế của đất nước, chế định khuôn khổ pháp lý cho sự vận hành của nó theo quy luật vận động khách quan phù hợp với chủ kiến của Nhà nước, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. Thứ ba, kiểm soát các dòng chảy kinh tế, các hoạt động xuất, nhập khẩu bằng việc sử dụng các cơ quan thuế và hệ thống hải quan, hệ thống kiểm soát, thanh tra và giám sát. Thứ tư, là thành viên lớn nhất của thị trường, người mua bán hàng hóa và mua bán tài nguyên một cách chủ động. Thứ năm, thông qua và nhờ thuế và các khoản thu khác, Nhà nước trở thành người nắm giữ tiền tệ lớn nhất trong nước, kể cả quỹ ngoại tệ và các quỹ khác. Thứ sáu, tích trữ, quản lý và phân bổ các nguồn tài nguyên của mình (lương thực, dầu mỏ, khí đốt...) hoặc các nguồn lực tài nguyên khác mà Nhà nước mua để dự phòng chiến lược. Thứ bảy, trên cơ sở tầm nhìn quản lý vĩ mô, chủ động điều hành một cách mềm dẻo theo luật, với bộ máy gọn nhẹ, tinh thông, liêm chính và tận tụy phục vụ Nhân dân...

Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước và sự quản lý của Nhà nước về kinh tế là ở những phương diện đó, chứ không phải gì khác. Và, một Chính phủ quản trị phát triển, dẫn lối và kiểm soát sẽ không thể không hành động theo phương hướng đó, vì sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện đại và hoàn bị ở Việt Nam, cũng là ở đó, chứ không phải là gì khác. Đó là hiện thân của mối quan hệ giữa Nhà nước - thị trường - và xã hội trong lộ trình kiến tạo, hoàn thiện thể chế nhằm xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện đại và hoàn bị hiện nay. Tất cả in dấu ấn trước hết trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế nhà nước.

Nói khái lược, cần nhấn mạnh, trong mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, thì Nhà nước tập trung làm tốt các công việc: Đẩy mạnh hội nhập quốc tế đưa kinh tế Việt Nam vận động theo quỹ đạo kinh tế thị trường hiện đại; đổi mới thể chế bảo đảm tôn trọng và củng cố các nền tảng cơ bản của kinh tế thị trường; ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng, bảo vệ các nền tảng về kinh tế và pháp lý của kinh tế thị trường; khắc phục, sửa chữa các khiếm khuyết và dự báo những chấn động, “cú sốc”, “cú co giật” của thị trường; xây dựng đội ngũ điều hành nền kinh tế một cách ngang tầm... nhằm chủ động phân bổ đúng, trúng và kiểm soát hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển bền vững; thực hiện tốt các chức năng xã hội nhằm bảo đảm công bằng, văn minh và tiến bộ xã hội.

Nói gọn lại, Nhà nước làm nhiệm vụ kiến tạo phát triển, dẫn lối và chuẩn bị những điều kiện cần và đủ để kiểm soát, điều tiết nền kinh tế thị trường, phát triển đất nước và lấy tốc độ và chất lượng phát triển xã hội sự ổn định với tính động và mở của xã hội làm thước đo sức mạnh và đẳng cấp của nền kinh tế, mà tất cả xoay chung quanh hạt nhân trung tâm là bảo vệ và phát triển lợi ích quốc gia dân tộc thống nhất với lợi ích của Nhân dân, chứ không phải ngược lại: kinh tế vị kinh tế, tăng trưởng vị tăng trưởng một cách hình thức, thiên lệch và thiển cận, thậm chí hy sinh cả văn hóa, đạo đức, nhân bản vì kinh tế đơn thuần nào đó. Đó chính là thiên chức, là sứ mệnh, là nhiệm vụ của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường đang vận hành ở nước ta.

      Giải quyết vấn đề kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước

       Có ý kiến khác chất vấn: “Doanh nghiệp nhà nước số đông không hiệu quả, thì sao làm chủ đạo được?”. Không thể đồng nhất kinh tế nhà nước với DNNN, đồng nhất giữa toàn bộ và bộ phận. Trái thế là lầm lẫn. Ai cũng thấy, chúng ta dứt khoát và đang chỉnh đốn một cách toàn diện và mạnh mẽ DNNN, để nó xứng đáng là một bộ phận hợp thành của kinh tế nhà nước, phát triển bình đẳng với doanh nghiệp ở các thành phần kinh tế khác, không đặc quyền đặc lợi, dẫn dắt kinh tế quốc gia phát triển, không ai thay thế được, trên con đường XHCN. 

     Từ những tranh luận và thực tiễn trên cho thấy, cấp bách chỉnh đốn một cách tổng thể các DNNN - một bộ phận cấu thành quan trọng của kinh tế nhà nước, xứng đáng góp phần tạo nên vị thế chủ đạo của kinh tế nhà nước. Đó là điều mang tính tất yếu. Vì, về nguyên lý, nói như F.Hegel, tất cả các nguyên lý triết học hiện đại đều là sự kế thừa các nguyên lý có từ trước đó. Do đó, không có nguyên lý nào có thể bị lật đổ cả. Chỉ có sự giả định rằng, nguyên lý đó là định nghĩa cuối cùng bị lật đổ mà thôi. Đối với DNNN cũng như vậy. 

       Do đó, trong lộ trình tái cơ cấu DNNN, mấy phương châm cần được xử lý. Một là, trên lộ trình tái cơ cấu nền kinh tế, cần lượng hóa mức độ và tỷ lệ phù hợp của DNNN trong cơ cấu kinh tế nhà nước để cân đối mức độ đầu tư một cách tương xứng, quyết không ảo tưởng và tràn lan như suốt hai thập kỷ qua, để lại những hậu quả và tổn thất nặng nề. Ở đây, quan điểm “thà ít mà tốt” đặc biệt có giá trị phương pháp luận. 

       Hai là, trong cơ cấu nền kinh tế, từ thế mạnh và nhu cầu phát triển, cần xác định và lựa chọn những lĩnh vực then chốt, có tính yết hầu, có khả năng và thực chế ngự và dẫn dắt nền kinh tế quốc gia. Theo đó, xác lập số lượng, vị thế và phát triển thực lực các DNNN một cách căn cơ và phù hợp, quyết không dàn trải, hình thức, với quan điểm phải đủ khả năng đi tiên phong và làm trụ cột trong việc giải quyết những xung đột lợi ích trên tầm vĩ mô, xử lý những “điểm nghẽn” nguy kịch trong phát triển kinh tế đất nước, khi các thành phần kinh tế khác bất lực hoặc không thể đảm đương. Ba là, thách thức về cạnh tranh quốc tế. Nếu tỷ lệ tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ trên GDP năm 1985 đạt 18,2%, thì năm 2000 là 96,5% và năm 2013 là 153,9%. Điều này có nghĩa là độ mở của nền kinh tế của chúng ta rất lớn; là phần lớn sự giàu có của chúng ta đang đến từ ngoài biên giới quốc gia; là cạnh tranh đang gõ cửa từng nhà, từng thiết chế cấu thành nền kinh tế quốc gia. Cạnh tranh không chỉ giữa những người dân chúng ta với những người dân của các nước khác, mà trực tiếp giữa những doanh nghiệp Việt Nam với những doanh nghiệp của các nước khác, trong đó có DNNN. Hệ quả của cuộc cạnh tranh này đã và đang cho thấy, chỉ sống sót những doanh nghiệp nào có đủ sức mạnh, trước hết về tầm nhìn, về công nghệ và đặc biệt quan trọng là nền tảng quản trị thích ứng thị trường hiện đại.

       Do đó, cần phân chia và xử lý hệ thống DNNN hiện nay thành hai loại. Một là, phân hệ những doanh nghiệp nhất thiết phải phát triển với thể chế DNNN có nhiệm vụ sản xuất, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ cho nhu cầu an ninh, quốc phòng, hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu cho đất nước, vốn và nhân sự đều thuộc Nhà nước, hoạt động chủ yếu là cung ứng những sản phẩm và dịch vụ theo đơn đặt hàng của Nhà nước. Hai là, phân hệ những doanh nghiệp nhất thiết không phát triển theo thể chế DNNN, gồm các doanh nghiệp không thuộc loại trên, phải xử lý thông qua việc xác định giá chuyển nhượng doanh nghiệp theo quan hệ thị trường, công khai bán doanh nghiệp theo phương thức đấu giá, thu hồi vốn cho ngân sách nhà nước, làm tăng năng lực sản xuất kinh doanh theo các quan hệ thị trường của khu vực ngoài nhà nước. Chỉ có như vậy, chúng ta mới loại bỏ tình trạng các DNNN kiểu trung gian, lưỡng tính, “nhân danh” Nhà nước, vô hình làm suy yếu chính DNNN, gây phương hại cho nền kinh tế quốc dân. 

       Ba là, không thể và không được ảo tưởng về DNNN, như thời gian 20 năm qua, khi dành cho nó quá nhiều bất cập về thể chế bằng các “sân chơi riêng”, vô hình tạo nên những đặc quyền không đáng có phải dành cho nó. Thực tiễn đã chứng minh sự đổ vỡ và thất bại khó tránh khỏi về mọi mặt của “lối riêng” này không chỉ về kinh tế mà những hệ lụy về chính trị và xã hội trong thời gian vừa qua. Khả năng tham gia chi phối, góp phần dẫn dắt và hiệu quả kinh tế, xã hội, phải là thước đo và nhân tố quyết định sự tồn tại hay không về quy mô, mức độ của những loại hình DNNN này hay kia trong sự vận động và đòi hỏi khắc nghiệt của thị trường. Đó chính là một nhân tố mang tính chủ đạo, ngay trên phương diện này, làm nên vị thế và vai trò của kinh tế nhà nước.  

Box:

  Vấn đề trở nên rõ ràng: Rằng nếu buông lơi phép biện chứng của sự phát triển thực tiễn giữa kinh tế thị trường hiện đại và chủ nghĩa tư bản, kinh tế thị trường hiện đại và chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, giữa Nhà nước và thị trường xét trong sự liên hệ tổng hòa..., sẽ rơi vào sự phiến diện, thổi phồng mặt này lại không nhận diện đúng mặt kia. Và ngược lại, rằng, sẽ thật là không đúng, khi kỳ thị cho rằng, chủ nghĩa xã hội và kinh tế thị trường đối lập như “nước với lửa”, nhất là võ đoán lệch lạc nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là “thứ đầu Ngô mình Sở”(!) hoặc “tìm mãi mà chẳng thấy ở đâu”(!).

 

 

 

TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản