Bài cuối: Biểu quyết thông qua từng nội dung
Để bảo đảm chất lượng, tính khả thi các quyết sách của HĐND, trên cơ sở báo cáo thẩm tra của các Ban, ý kiến thảo luận của các đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp và nội dung giải trình, tiếp thu của UBND tỉnh, Chủ tọa kỳ họp nêu những nội dung xác đáng phải được tiếp thu, chỉnh sửa đưa vào nghị quyết để xin ý kiến đại biểu HĐND. Đối với những nội dung, nghị quyết còn có ý kiến khác nhau, chủ tọa xin ý kiến đại biểu biểu quyết thông qua từng vấn đề, sau đó biểu quyết toàn bộ nghị quyết.
>> Bài 1: Không chờ báo cáo, tờ trình Phân bổ thời gian hợp lý cho từng nội dung
Thực tế, đổi mới công tác tổ chức, điều hành kỳ họp rất quan trọng. Theo đó, việc phân bổ thời gian hợp lý cho từng nội dung; hình thức thảo luận; cách thức tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn phải bảo đảm linh hoạt, phù hợp với diễn biến tại kỳ họp, phát huy được trí tuệ tập thể, kết luận rõ ràng, tạo không khí dân chủ, thẳng thắn và nghiêm túc. Việc điều hành thảo luận và thông qua các nghị quyết phải bảo đảm đúng trình tự, dân chủ, khách quan.
Trong trình bày các báo cáo, tờ trình tại kỳ họp, ngoài tài liệu chính thức gửi đại biểu, nội dung các báo cáo, tờ trình dự thảo nghị quyết được UBND tỉnh, các Ban HĐND và cơ quan tư pháp chuẩn bị, trình bày rút gọn; bảo đảm trọng tâm, phản ánh đầy đủ, toàn diện kết quả đạt được, phân tích kỹ các mặt còn hạn chế, xác định nguyên nhân khách quan, chủ quan của những hạn chế trong quản lý chỉ đạo, điều hành.
Việc bố trí thời gian thảo luận tại Tổ đại biểu được Thường trực HĐND tỉnh Lai Châu nghiên cứu, sắp xếp phù hợp: Thời gian dành cho phiên họp thảo luận Tổ thỏa đáng (từ ½ đến 1 ngày đối với kỳ họp thường lệ). Trước phiên họp thảo luận Tổ, Thường trực HĐND tỉnh đã có văn bản tổng hợp các nội dung gợi ý thảo luận và tổ chức họp với lãnh đạo các Ban, Tổ trưởng, Tổ phó các Tổ đại biểu, nhằm định hướng các nội dung trọng tâm của các báo cáo, đề án, tờ trình dự thảo nghị quyết để đại biểu tập trung thảo luận ở các Tổ đại biểu. Đại biểu khách mời cũng bố trí dự họp với các Tổ thảo luận, để theo dõi được xuyên suốt kỳ họp, kịp thời nắm bắt được những vấn đề đại biểu HĐND thảo luận liên quan trực tiếp đến cơ quan, địa phương mình, hoặc kiến nghị những vấn đề bức xúc của cơ quan, địa phương mình với HĐND.
![]() Thường trực HĐND tỉnh Lai Châu họp với Tổ trưởng, Tổ phó các tổ để thống nhất một số nội dung liên quan đến hoạt động của các Tổ đại biểu tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Khóa XIV |
Bảo đảm tiếp thu chính xác các nội dung sau thảo luận
Cần tiếp tục nâng cao vai trò chủ tọa trong điều hành, gợi ý thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn. Chủ tọa cần có bản lĩnh, trí tuệ, phải hiểu sâu, nắm chắc nội dung các vấn đề đưa ra thảo luận, điều hành kỳ họp thực sự khoa học, bảo đảm phát huy dân chủ. Bố trí thời gian các phiên họp hợp lý, tránh gò ép, hạn chế thời gian làm cho các nội dung không đủ thời gian xem xét, thảo luận thấu đáo; rút ngắn thời gian đọc và trình bày các báo cáo (sử dụng báo cáo tóm tắt hoặc chỉ trình bày những vấn đề trọng tâm cần ý kiến thảo luận của đại biểu). Điều hành linh hoạt nội dung thảo luận tại hội trường, chủ tọa chỉ cần nêu những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để đại biểu tiếp tục thảo luận đi đến thống nhất. Khi xét thấy cần thiết, chủ tọa yêu cầu cơ quan hữu quan báo cáo giải trình về những vấn đề đại biểu quan tâm. Những vấn đề qua thảo luận vẫn còn chưa thống nhất thì biểu quyết riêng từng nội dung, sau đó biểu quyết toàn bộ nghị quyết. |
Xác định thảo luận tại hội trường là phiên họp được đại biểu, cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm theo dõi, đồng thời đây cũng là phiên họp đúc rút được nhiều thông tin có ý nghĩa trong việc định hướng cho các đại biểu quyết định các vấn đề tại kỳ họp. Do đó, chủ tọa kỳ họp phải luôn chủ động dự kiến các vấn đề đưa ra thảo luận; nhấn mạnh những nội dung đại biểu cần tập trung bàn thảo, tranh luận đề nghị các cơ quan liên quan chuẩn bị giải trình, trả lời. Bằng những định hướng và công tác chuẩn bị chu đáo nêu trên, chủ tọa kỳ họp đã thể hiện tốt vai trò của mình trong các phiên thảo luận tại kỳ họp. Qua phiên họp thảo luận tại hội trường, đã truyền tải đến cử tri và Nhân dân những thông tin cần thiết về tình hình, kết quả, hướng giải quyết trong thời gian tới đối với những vấn đề dư luận, cử tri quan tâm.
Bên cạnh đó, công tác tổng hợp ý kiến thảo luận tại các Tổ đại biểu kịp thời, đầy đủ. Trên cơ sở các ý kiến thảo luận của đại biểu, Thường trực HĐND tỉnh sớm có văn bản đề nghị UBND tỉnh giải trình làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm thảo luận và báo cáo giải trình tại hội trường trước khi thông qua nghị quyết, các ý kiến qua phiên họp thảo luận Tổ được UBND tỉnh giải trình, tiếp thu làm rõ. Đối với các ý kiến qua báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh, qua phiên họp thảo luận Tổ đã được thống nhất, đồng tình tiếp thu của UBND tỉnh, phải kịp thời chỉ đạo Văn phòng HĐND tỉnh phối hợp với các Ban HĐND tỉnh và cơ quan trình chủ động chỉnh sửa, bổ sung vào các dự thảo nghị quyết để trình HĐND tỉnh thông qua.
Nghị quyết là sản phẩm cuối cùng từ khi chuẩn bị kỳ họp cho đến những vấn đề được thảo luận trong kỳ họp và phải tổ chức thực hiện sau kỳ họp. Nghị quyết cần cô đọng, súc tích, trên cơ sở báo cáo thẩm tra của các Ban, ý kiến thảo luận của các đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp và nội dung giải trình, tiếp thu của UBND tỉnh, chủ tọa kỳ họp nêu những nội dung xác đáng phải được tiếp thu, chỉnh sửa đưa vào nghị quyết để xin ý kiến đại biểu HĐND. Đối với những nội dung, nghị quyết còn có ý kiến khác nhau, chủ tọa xin ý kiến đại biểu biểu quyết thông qua từng vấn đề, sau đó biểu quyết toàn bộ nghị quyết. Việc đọc dự thảo nghị quyết trước khi HĐND thông qua là cần thiết để bảo đảm tính chính xác các nội dung sau khi thảo luận được tiếp thu hoặc không tiếp thu.
Bên cạnh đó, đối với nội dung được cử tri đặc biệt quan tâm là hoạt động chất vấn, câu hỏi chất vấn phải cụ thể, rõ ràng, thể hiện rõ trách nhiệm của đại biểu, chất vấn với tinh thần xây dựng và trách nhiệm trước cử tri. Kết luận của chủ tọa tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn phải rõ ràng và yêu cầu UBND tỉnh, các sở ngành liên quan triển khai thực hiện lời hứa sau chất vấn; đồng thời, đề nghị Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh theo dõi, giám sát việc thực hiện trách nhiệm sau chất vấn đến khi có kết quả trên thực tế.