Bài cuối: Bắt nhịp truyền thống - hiện đại
Lễ hội dân gian ở Hà Nội đến nay đã ít nhiều biến đổi để phù hợp với đời sống hiện đại. Tuy nhiên, chất hội làng vẫn đang được gìn giữ, lấy đó làm điểm hội tụ để phát huy giá trị tinh thần, cốt cách của người Hà Nội.
Biến đổi và thích ứng
Từ làng lên phố, một số ít nơi còn giữ được không gian quần thể đình, đền, chùa, là nơi diễn ra lễ hội, với những trò chơi dân gian, hát quan họ trên bến dưới thuyền. Hầu hết hiện chỉ giữ được không gian cho phần lễ, không gian cho hội không còn.
Ông Nguyễn Đức Huấn, Trưởng Tiểu ban Di tích - Khánh tiết Phùng Khoang (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) cho biết, xưa hội làng kéo dài hàng tuần, nay chì còn mấy ngày để phù hợp với đời sống hiện đại. Các trò chơi dân gian trong phần hội cũng đã thay đổi. “Chẳng hạn ngày xưa lễ hội có trò bịt mắt bắt vịt thu hút rất nhiều người tham gia, nay cho tiền cũng không ai xuống chơi. Không gian lễ hội ngày càng thu hẹp, các trò chơi dân gian theo đó cũng không còn”.
Hay lễ hội năm làng Mọc xưa gồm các làng Giáp Nhất, Chính Kinh, Cự Lộc, Quan Nhân và Phùng Khoang. Qua thời gian, đình Cự Lộc không còn, nay làng Cự Lộc và Chính Kinh thờ chung tại đình Cự Chính. Bởi vậy, tuy vẫn gọi là hội 5 làng Mọc nhưng trên thực tế trong phần lễ hiện nay chỉ rước 4 vị thánh.
Nhiều nếp lễ nghi hội Chèm cũng không còn nguyên vẹn như xưa. Thủ từ đình Chèm (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm) Lê Văn Hiệu cho biết, trước kia ngay sau Tết, 3 làng đã chọn ra người có uy tín, thạo văn chương để giao trọng trách tả văn. Đến ngày hội phải tổ chức lễ rước văn từ nhà người đó ra đình. Bây giờ, không có người tả văn như vậy, đành lấy văn người xưa gửi trong chùa rồi tổ chức rước ra. Hay hội thi thả diều trên đê, đặc sắc nữa là thi bơi chải trên sông Hồng, ba làng anh em, mỗi làng cử hai đội thi, thể hiện sức khỏe của cư dân vùng ven sông, cũng là cầu cho mưa thuận gió hòa, nét đẹp này nhiều năm chưa khôi phục được.
“Bây giờ một số cái muốn khôi phục cũng khó. Chải ngày xưa để ở kho đình, giờ không giữ được cũng không làm mới được nữa và nhân lực cũng ít”, ông Lê Văn Hiệu nói.
Tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, thay đổi là xu thế tất yếu của phát triển, song giữ bản sắc truyền thống và những giá trị nhân văn của lễ hội là vấn đề đang đặt ra.

Phục hồi những giá trị cổ truyền
Tín hiệu vui là thời gian qua, hoạt động lễ hội dân gian trên địa bàn Thủ đô Hà Nội được quan tâm. Theo nhận định của Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, GS.TS. Lê Hồng Lý, tất cả các nơi có lễ hội dân gian đều chuẩn bị chu đáo và có những đổi mới trong công tác tổ chức, khai thác những giá trị cổ truyền làm cho lễ hội phong phú hơn, đa dạng, hấp dẫn hơn.
Hội đền An Dương Vương (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh) năm nay, Ban quản lý khu di tích Cổ Loa tổ chức trò chơi bắn nỏ nhằm gợi nhớ đến câu chuyện nỏ thần thời vua An Dương Vương, thu hút số người tham gia đông đảo và thích thú. Do là năm đầu tiên Lễ hội Cổ Loa được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nên quy mô tổ chức được mở rộng hơn, thu hút đông đảo người tham gia.
Theo GS.TS. Lê Hồng Lý, một trong những sự phục hưng lễ hội ở Hà Nội quan trọng thời gian này phải kể đến việc huyện Đông Anh đã quyết định triển khai Đề án xây dựng đền thờ Ngô Quyền trong khu vực di tích Cổ Loa, nơi Ngài đã làm lễ xưng vương lập quốc sau 1000 năm Bắc thuộc. Kèm theo việc xây dựng đền thờ là Đề án tổ chức lễ hội về nhân vật và sự kiện quan trọng này.
Một ví dụ nữa là việc quận Đống Đa đang tiến hành khôi phục đám rước của lễ hội chùa Láng. Đám rước này có từ lâu đời, thời gian vừa qua, do điều kiện kinh tế - xã hội và giao thông khó khăn, nên bị lãng quên, nay được người dân bảy làng Tổng Hạ, Thượng Quyết xưa tha thiết đề nghị khôi phục.
Với hội Gióng đền Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn), ngoài đoàn rước hoa tre thôn Vệ Linh và đoàn rước trầu cau thôn Đan Tảo, việc phục hồi kiệu rước Cô Tướng tiếp tục được duy trì và tổ chức hoành tráng, nghiêm ngặt hơn, thu hút du khách chiêm ngưỡng một nét đẹp văn hóa...
Nguồn lực của Thủ đô nghìn năm văn hiến
Lễ hội là tấm gương phản chiếu văn hóa xứ kinh kỳ, là nơi lưu truyền những giá trị truyền thống của dân tộc. Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, điều đáng ghi nhận là phần lớn lễ hội làng truyền thống hiện nay của Hà Nội vẫn giữ được nét đặc sắc truyền thống. Trong không gian đó có rất nhiều giá trị văn hóa được bảo tồn.
Ý nghĩa rất lớn của lễ hội là gắn kết cộng đồng cư dân trong một làng, xã, thôn, bản, vì các lễ hội hội thường gắn với tục thờ cúng vị thành hoàng làng nên trong quá trình thực hiện nghi lễ và các hoạt động vui chơi, người dân sẽ gắn bó với nhau hơn. Đến với hội làng, mỗi người sẽ cảm nhận được rất rõ nét đẹp của hồn cốt văn hóa truyền thống vẫn được nuôi dưỡng, gìn giữ qua hàng nghìn năm. Xã hội hiện đại thì nhu cầu đó vẫn tồn tại, gói gém ước vọng thuần chất, đậm nhân văn, văn hóa.
“Đến giờ hội làng vẫn là nhu cầu của tinh thần người dân làng, là thành tố quan trọng bậc nhất của đời sống văn hóa cơ sở. Bảo tồn, khuyến khích lễ hội là góp phần tái tổ chức làng xã, làm sống lại các mối quan hệ xã hội. Thông qua việc huy động mọi người từ già tới trẻ tham gia hội làng, tinh thần cả cộng đồng tự dưng được xới lên, tươi mới và đầy sinh khí” - PGS.TS. Nguyễn Văn Huy nhận định.
Văn hóa không còn chỉ là một món ăn tinh thần thuần túy mà đang là một nguồn lực để phát triển kinh tế, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Nhận định như vậy, theo GS.TS. Lê Hồng Lý, vai trò nuôi dưỡng phần hồn của văn hóa nói chung, lễ hội nói riêng vẫn là một nhiệm vụ chính, song trong thời buổi kinh tế phát triển thì những giá trị của nó đã thực sự tạo ra vật chất cho xã hội.
Không ngạc nhiên khi các lễ hội truyền thống đang cố gắng duy trì những giá trị vốn có, đồng thời sáng tạo thêm những giá trị mới phục vụ cho cuộc sống hôm nay, lấy đó làm điểm hội tụ để phát huy giá trị tinh thần, cốt cách của người Hà Nội. Và nhìn rộng ra, những giá trị này chính là nguồn lực tiềm tàng để Hà Nội có thể khai thác cho tiến trình phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.