Chú trọng kiện toàn tổ chức, phát huy trách nhiệm, tính chủđộng
Từ thực tiễn hoạt động của HĐND thành phố Hà Nội thời gian qua, để tiếp tục bảo đảm và phát huy vai trò của HĐND thành phố trong việc kiểm soát quyền lực nhà nướcđối với bộ máy chính quyền các cấp, HĐND thành phố nhận thấy: sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng là vấn đề có tính nguyên tắc, định hướng cho công tác hoạt động của HĐND đạt hiệu quả. Cùng với đó, cần chủ động và không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của HĐND theo hướng sâu sát, hiệu quả, vì dân; thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Chú trọng kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, năng lực hoạt động của HĐND; phát huy vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của Thường trực, các ban, tổ đại biểu HĐND.
Cùng với đó, tập trung đôn đốc, chỉ đạo giải quyết triệt để, có hiệu quả những kiến nghị chính đáng của cử tri, thẳng thắn đối thoại về những vấn đề còn bất cập, chưa được giải quyết. Kết hợp tốt giữa dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp để HĐND nâng cao quyền hạn của mình và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Gần gũi, gắn bó mật thiết với Nhân dân, tôn trọng lắng nghe, phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của Nhân dân là nhân tố quan trọng bảo đảm cho HĐND có những quyết sách đúng đắn, phù hợp thực tiễn góp phần nâng cao được uy tín, vai trò của HĐND, thu hút được sự quan tâm, ủng hộ, đóng góp ý kiến xây dựng và tăng cường niềm tin của cử tri, của Nhân dân đối với HĐND.
Tăng cường nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND
Có thể khẳng định, với chức năng, nhiệm vụ được quy định trong luật, HĐND đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát quyền lực nhà nướcđối với bộ máy chính quyền các cấp. Thực tế trong những năm qua, HĐND thành phố Hà Nội đã thực hiện tương đối tốt vai trò này và khẳng định vị trítrong hệ thống chính trị ở địa phương. Theo Thường trực HĐND thành phố Hà Nội, để HĐND thực hiện tốt hơn nữa việc kiểm soát quyền lực nhà nướcđối với bộ máy chính quyền các cấp, cần tiếp tục có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ quyền hạn và những điều kiện để bảo đảm HĐND hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
Cụ thể, theo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV tới đây sẽ xem xét quyết định ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó nhiều nội dung quy định về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của HĐND, Thường trực HĐND. Thường trực thành phố Hà Nội kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc tăng cường các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và đặc biệt là Thường trực HĐND thành phố. Theo đó, ngoài những nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong thời gian HĐND thành phố không họp, HĐND thành phố giao Thường trực HĐND thành phố thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến quyết định các biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp, quyết định chủ trương, điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công và quyết định việc hỗ trợ cụ thể căn cứ vào dự toán ngân sách hằng năm…
Đồng thời để phù hợp với các yêu cầu hoạt động của HĐND thành phố, kiến nghị Quốc hội quan tâm và giao HĐND thành phố quyết định số lượng đại biểu HĐND thành phố hoạt động chuyên trách; chức năng, nhiệm vụ của Bộ phận chuyên trách các Ban của HĐND thành phố và các biện pháp đổi mới hoạt động của HĐND thành phố bảo đảm thực chất, hiệu lực, hiệu quả.
Bảo đảm tính liên thông, việc giám sát, kiểm soát quyền lực
Bên cạnh đó, bộ máy chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội ở cấp quận, huyện, xã, thị trấn gồm HĐND và UBND, vì vậy việc kiểm sát quyền lực của bộ máy chính quyền các cấp còn thể hiện qua việc HĐND, Thường trực HĐND cấp trên giám sát HĐND, Thường trực HĐND cấp dưới trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của luật; trong khi đó các quy định của Luật chưa thể hiện rõ nội dung này. Vì vậy, Thường trực HĐND thành phố kiến nghị bổ sung trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND nội dung quy định về việc HĐND, Thường trực HĐND cấp trên giám sát HĐND, Thường trực HĐND cấp dưới trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của luật; bổ sung quy định cụ thể hơn về việc HĐND, Thường trực HĐND giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan. Đồng thời, quy định về cơ chế xử lý các văn bản có dấu hiệu trái pháp luật của các chủ thể thông qua hoạt động giám sát.
Thường trực HĐND thành phố Hà Nội kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sớm hoàn thành hướng dẫn về Quy chế mẫu hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố, tiếp tục cụ thể hóa các hoạt động trong thực tiễn của các tỉnh, thành phố. Trong đó, có hướng dẫn cụ thể hoặc giao HĐND các thành phố đang thực hiện và thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị xây dựng các quy chế, quy trình cụ thể và được hướng dẫn HĐND các quận, thị trong hoạt động để bảo đảm tính liên thông cũng như việc giám sát, kiểm soát quyền lực đối với chính quyền các cấp trong chấp hành pháp luật cũng như trong công tác quản lý nhà nước.
Cùng với đó, nghiên cứu bổ sung các quy định, chế tài đối với các cá nhân, tổ chức cố tình không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc kéo dài thời gian thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của các Đoàn giám sát của HĐND trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, quy định liên quan đến hoạt động của HĐND.