Sắp xếp tổ chức các hội quần chúng theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW

Bài cuối: Xây dựng khung pháp lý

- Thứ Tư, 13/05/2020, 08:08 - Chia sẻ
Việc ban hành Luật về Hội rất cần thiết, nhằm khắc phục bất cập của những văn bản quy phạm pháp luật vốn đang lạc hậu với thực tế. Dự thảo Luật về Hội được đưa ra Quốc hội bàn thảo, mặc dù đã qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn còn quá nhiều vấn đề tranh luận. Những người “trong cuộc”, những “nhà quản lý” đều mong Luật sớm được ban hành.

Không được làm mất đi tính tự nguyện, chủ động

Vì sao việc ban hành Luật về Hội lại khó khăn như vậy, qua ý kiến của nhiều chuyên gia tại các cuộc hội thảo về dự thảo Luật, trước hết do còn “độ chênh” giữa “nhà quản lý” và đối tượng điều chỉnh, giữa nội dung dự thảo luật với thực tế. Cụ thể, trong 33 điều khoản của dự luật, chỉ có 2 điều quy định liên quan đến quyền lợi của hội viên. Tất cả các quy định còn lại đều mang nội dung quản lý nhà nước, đặc biệt là nhiều nội dung không cần thiết, can thiệp vào hoạt động và điều lệ của các tổ chức của hội.

Dự thảo Luật quy định quyền lập hội của công dân còn quá khiêm tốn. Điều 3 của dự Luật mới quy định chung về quyền lập hội của công dân. Hơn nữa, việc quy định cụ thể các quyền của công dân còn tản mạn ở các điều, rất hạn chế, chưa rõ ràng, đầy đủ, chưa thể hiện đúng bản chất quyền lập hội của công dân. Một điểm nữa là, Luật về Hội ban hành phải điều chỉnh cả những hội đang hoạt động nếu chưa phù hợp với quy định. Nhưng Khoản 3 Điều 2 dự thảo Luật lại quy định: “Trường hợp luật khác có quy định về tổ chức, hoạt động của hội trước ngày Luật này có hiệu lực mà khác với Luật này thì thực hiện theo quy định của Luật đó”. Như vậy, nếu Luật về Hội được ban hành thì cũng không điều chỉnh được những bất cập hiện nay.

Thứ hai, phạm vi điều chỉnh chưa bao hết đối tượng, nhưng nhiều quy phạm lại quá rườm rà, chi tiết đến mức không cần thiết. Nhiều quy định cụ thể đã “hành chính hóa” làm mất đi tính tự chủ của tổ chức hội. Nhiều chuyên gia đề nghị xác định, luật này áp dụng cho mọi tổ chức hội. Nên bỏ nhiều quy định không cần thiết liên quan đến điều lệ hội. Mặt khác, việc “khuôn” hẹp phạm vi điều chỉnh như dự thảo luật sẽ làm hạn chế quyền lập hội của công dân.

Thứ ba, dự thảo luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Qua nhiều cuộc hội thảo, đa số đại biểu cho rằng, nhiều nội dung trong dự thảo Luật chưa thật phù hợp với thực tiễn hoạt động hội trong những năm qua. Thậm chí, có quy định còn hạn chế hơn so với các quy phạm pháp luật hiện hành, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập, nặng về yêu cầu quản lý nhà nước đối với hội.

Luật về Hội ban hành phải đáp ứng được hai vấn đề: Phục vụ cho lãnh đạo, quản lý hội nhưng không làm mất đi tính tự nguyện, tự quản, chủ động của hội; đồng thời, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của đối tượng điều chỉnh - là những người làm công tác hội và hội viên (công dân).


Một hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Luật về Hội  
Ảnh: Khánh Vịnh

Thể hiện đầy đủ tính chất hoạt động của hội quần chúng

Nghị quyết số 18, Hội nghị Trung ương 6, Khóa XII yêu cầu: “Quy định chặt chẽ việc thành lập tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng; thực hiện nghiêm túc và nhất quán nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự bảo đảm kinh phí hoạt động và tuân thủ pháp luật; Nhà nước chỉ cấp kinh phí để thực hiện những nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc và bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của chính quyền”. Trong quan điểm lãnh đạo của Đảng, có mấy điểm cần cụ thể hóa trong Luật về Hội:

Một là, Nhà nước quản lý hội thông qua việc tổ chức thành lập, ban hành điều lệ và công tác kiểm tra, giám sát quá trình hoạt động của hội. Luật chỉ nên quy định khung pháp lý phù hợp với thực tiễn nước ta và quan hệ quốc tế, còn các nội dung cụ thể nên để các hội tự chủ trong điều lệ của mỗi tổ chức. Nội dung về quản lý nhà nước cần chặt chẽ nhưng không quá chi tiết và cần quy định rõ. Sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với hội cũng cần được quy định trong luật, như: Lập tổ chức Đảng trong hội, quản lý của cấp ủy Đảng đối với hội, người đứng đầu hội…

Hai là, luật chỉ nên quy định khung pháp lý, tạo điều kiện để hội thực hiện nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự bảo đảm kinh phí, chủ động trong hoạt động và tuân thủ pháp luật. Đây là nguyên tắc cơ bản cần quán triệt từ chuẩn bị thành lập và trong suốt quá trình hoạt động của hội. Ở đây có vấn đề cần làm rõ: Đã là tự nguyện thì có cần thành lập hội theo sự chỉ đạo của Đảng, của Nhà nước hay không? Nếu Đảng, Nhà nước cần có một tổ chức để thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội nào đó thì có thể cho thành lập một đơn vị sự nghiệp công thay cho việc chỉ đạo thành lập hội?

Ba là, từ trước đến nay, nhiều văn bản quy phạm pháp luật vẫn quy định: Nhà nước chỉ cấp kinh phí cho hội để thực hiện nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao. Nghe thì có lý, nhưng thực hiện thì không khả thi, rất khó định lượng được nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao để tính toán việc cấp kinh phí bao nhiêu là vừa. Vì không định lượng được, dẫn đến cấp kinh phí, hỗ trợ tùy tiện, xảy ra chuyện “xin - cho”, dẫn đến bao cấp tràn lan. Lại còn hỗ trợ trụ sở, trang thiết bị, biên chế con người... thực hiện ra sao, nếu không quy định rõ một “chế độ khung” trong luật cũng dễ dẫn đến tùy tiện ở mỗi nơi.

Bốn là, xây dựng, hoàn thiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc và bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quản lý của chính quyền. Đây là điểm mới trong quan điểm lãnh đạo của Đảng về hội quần chúng. Trên thực tế, mọi vấn đề liên quan đến hoạt động của hội quần chúng đều diễn ra ở cơ sở, cộng đồng dân cư. Ở đó, các tổ chức quần chúng đều tập hợp xoay quanh Mặt trận Tổ quốc cấp cơ sở. Xây dựng và hoàn thiện tốt mô hình tự quản ở cơ sở thì tổ chức hội ở cấp trung gian sẽ gọn, nhẹ mà vẫn phát huy được vai trò của quần chúng.

Lương Anh Tế -
Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương