Phát huy tiềm năng du lịch huyện Bá Thước, Thanh Hóa

Bài cuối: Tạo điểm nhấn trong bức tranh du lịch

- Thứ Ba, 19/05/2020, 08:15 - Chia sẻ
Với nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa đặc sắc, những năm qua, Bá Thước đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch, hạt nhân là du lịch cộng đồng nhằm tạo sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Để ngành “công nghiệp không khói” phát triển bền vững, huyện đang tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở; cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh nhằm kêu gọi các nhà đầu tư lớn góp phần tạo nên bức tranh du lịch thực sự ấn tượng nơi miền Tây xứ Thanh.

Những bản làng trong sương

Len qua những cánh đồng ruộng bậc thang trĩu bông dưới nắng vàng rực rỡ, những con đường ven theo sườn đồi nối liền các bản làng người Thái, Mường, chúng tôi tìm về Bản Đôn, xã Thành Lâm nơi có đỉnh Pha Phứng hùng vĩ quanh năm mây phủ và con suối Tếch róc rách ngày đêm. Cũng như nhiều bản làng trên vùng đất khắc nghiệt nơi miền Tây xứ Thanh, bản Đôn trước đây luôn phải chật vật trong cái đói nghèo. Nhưng những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, bản Đôn đã khoác lên trên mình “tấm áo mới” tươi sáng hơn.

Gia đình anh Hà Thanh Lịch vốn quanh năm quen với việc nương rẫy và đi rừng, kinh tế luôn “thiếu trước hụt sau”. Từ khi được khuyến khích làm du lịch cộng đồng, cuộc sống của gia đình được nâng lên. “Mô hình phát triển du lịch này vừa giúp bà con chúng tôi loại bỏ được những hủ tục; giữ gìn, phát huy được những nét đẹp truyền thống văn hóa ông cha đã truyền lại, từ đó giúp chúng tôi có được thu nhập cao hơn hẳn so với việc đi rừng làm nương”, anh Lịch chia sẻ.

Rời bản Đôn, chúng tôi đến với bản Hiêu, xã Cổ Lũng. Trong làn khói lam chiều, những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái ẩn hiện lưng chừng núi. Với những lợi thế “trời cho”, bản Hiêu đã và đang hình thành điểm du lịch với hệ thống nhà sàn truyền thống thoáng mát, ngăn nắp; các bungalow ấm cúng tiện lợi cho du khách nghỉ dưỡng. Gia đình anh Hà Văn Sỹ là hộ dân điển hình trong việc làm du lịch cộng đồng ở bản Hiêu. Anh Sỹ chia sẻ: Kinh doanh các dịch vụ du lịch, ngoài tạo thu nhập cho gia đình, còn tạo việc làm cho nhiều hộ khác trong bản. Giờ không phải chật vật trong cảnh “chạy ăn từng bữa”...

Đó chỉ là một trong số những điển hình về hiệu quả của mô hình du lịch cộng đồng. Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Minh Khoa cho biết: Hiện, toàn huyện có khoảng trên 80 cơ sở đón khách theo hình thức du lịch cộng đồng. Số lượng du khách đến các điểm này tăng nhanh qua các năm, năm 2019 đón được gần 45.000 lượt khách với doanh thu hơn 50 tỷ đồng… UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án "Phát triển du lịch cộng đồng huyện Bá Thước đến năm 2020, tầm nhìn 2030". Đặc biệt, Văn phòng Điều phối NTM Trung ương đã chọn 2 làng du lịch cộng đồng của huyện làm sản phẩm OCOP điểm của Trung ương, gồm: Dự án xây dựng công viên tre luồng và chuỗi du lịch sinh thái Pù Luông tại các làng du lịch cộng đồng ở xã Thành Sơn và Cổ Lũng. Đây là cơ hội “vàng” tạo nên sự đột phá của ngành du lịch địa phương - ông Khoa chia sẻ thêm.


Những ngôi làng du lịch bình yên dưới chân núi

Tạo thế cạnh tranh cho ngành du lịch

Từ tiềm năng và thế mạnh sẵn có, trên con đường phát triển bền vững của mình, Bá Thước đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực “đuổi” nghèo cho người dân. Hiện thực hóa mục tiêu này, những năm qua huyện đã chú trọng làm tốt công tác quy hoạch, phân khu. Từ năm 2017 đến nay, huyện đầu tư hơn 20 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong 5 năm trở lại đây, huyện đã thu hút được hàng chục nhà đầu tư với tổng nguồn vốn đầu tư trên 200 tỷ đồng. Điển hình như Khu nghỉ dưỡng Puluong Eco Garden (xã Thành Sơn), Puluong Natura, Puluong Retreat, Puluong Treehouse (xã Thành Lâm). Trung bình, các khu nghỉ dưỡng này đón từ 700 - 900 lượt khách/tháng, trong đó 60% là khách quốc tế. Ngoài ra, huyện đang tập trung khai thác, chào bán các sản phẩm nghỉ dưỡng núi, du lịch sinh thái núi, du lịch cộng đồng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông và hình thành một số sản phẩm du lịch mới như tuyến du lịch sông Mã, du lịch lòng hồ thủy điện Bá Thước II, du lịch mạo hiểm khám phá hang động, đỉnh Pù Luông, đi bộ xuyên rừng…

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, ngành công nghiệp không khói của huyện vẫn giống như viên ngọc thô giữa đại ngàn bởi sức hút du lịch vẫn chủ yếu dựa vào những lợi thế tự nhiên sẵn có. Các sản phẩm, dịch vụ vẫn còn đơn điệu. Nguồn nhân lực có trình độ, chuyên môn nghiệp vụ đang còn nhiều hạn chế, bất cập… ảnh hưởng đến sức hút đối với du khách, số ngày lưu trú, nhất là đối với khách quốc tế nên doanh thu vẫn là con số “khiêm tốn” so với dư địa sẵn có.

Để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của du khách cũng như góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Minh Khoa cho biết: Huyện sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện việc lập quy hoạch các khu, điểm du lịch trọng điểm; chú trọng bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; gắn phát triển du lịch cộng đồng với xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Phấn đấu giai đoạn 2020 - 2025, đưa Bá Thước trở thành một trong những điểm du lịch sinh thái cộng đồng trọng điểm của tỉnh, mỗi năm thu hút 120.000 lượt du khách, trong đó có 30% khách quốc tế; doanh thu ước đạt 180 tỷ đồng/năm…

Chia tay vùng đất kỳ thú, lấp lánh dải bạc dưới ánh dưới ánh hoàng hôn hắt trên dòng sông Mã, bên tai tôi vẫn văng vẳng tiếng hát dội từ mạch nguồn sông suối, núi đồi “Em có nghe! Từ mảnh đất ngàn xưa/ Nơi nghĩa quân Cần Vương hào khí/ Nơi huyền thoại với những trang “Đẻ đất”/ Một miền quê Bá Thước nồng nàn/ Ơi Đồng tâm-Cành nàng-Cổ lũng/ Gọi bạn tình vang tiếng khèn/ Ai Gánh đất nước trên vai đi không biết mỏi/ Mảnh đất này từng ngày đang đổi mới sinh sôi/ Sẽ mãi mãi còn đây với tình yêu/ Sẽ mãi mãi còn đây với thời gian Thái-Mường-Kinh hạnh phúc nghĩa tình/ Có một miền quê trăm nhớ ngàn thương…

Ghi chép của BÁCH HỢP