Phát triển văn hóa đọc

Bài cuối: Đường dài nhọc nhằn

- Thứ Sáu, 21/04/2017, 08:42 - Chia sẻ
Nỗ lực của các đơn vị, tổ chức, cá nhân thời gian qua đã đem lại kết quả khả quan cho phát triển văn hóa đọc. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều người vẫn thờ ơ với sách, không ít địa bàn rơi vào tình trạng đói sách, trắng sách. Để phủ sách trong cộng đồng, xem ra là chặng đường dài và nhọc nhằn.

>> Bài 2: Thấm sâu và lan rộng

>> Bài 1: Sách giấy vẫn được ưa chuộng

Tự thân vận động

Thị trường sách ngày càng năng động. Các sự kiện về sách được tổ chức định kỳ và thường xuyên, thu hút sự vào cuộc tự giác của các cá nhân và tổ chức liên quan. Thế nhưng trên thực tế, nhiều đơn vị cũng khá chật vật để đưa sách tới cộng đồng. Giám đốc Công ty TNHH Văn hóa Đông Tây Đoàn Tử Hoan lấy dẫn chứng, riêng Hà Nội một vài năm gần đây đã tạo hứng khởi cho các đơn vị làm sách bằng những hỗ trợ như không thu phí tham gia hội sách, hoặc thu phí với mức giá thấp… “Tuy nhiên, câu chuyện đó cũng không kéo dài được bao lâu. Ví dụ, đường sách đang được xây dựng thu khoản phí rất lớn, nhiều đơn vị không tham gia nổi. Mua một gian hàng khoảng 20m2 mất gần 700 triệu đồng thì chúng tôi không đủ điều kiện. Xã hội hóa mà không có chính sách tạo động lực cũng rất khó cho các đơn vị, khi sách là mặt hàng đặc thù”, ông Đoàn Tử Hoan nói.


Một góc đường sách tại TP Hồ Chí Minh

Nếu như hội chợ sách chỉ mang tính định kỳ và tập trung ở thành phố, thì việc các đơn vị phát hành đưa sách về tận vùng quê được cho là cách làm có tính bền vững, hiệu quả lâu dài. Để có độ phủ sách rộng trên các địa bàn, tuyến sách phố huyện đóng vai trò đặc biệt quan trọng, nhưng hiện ít được quan tâm. Giám đốc Công ty Văn hóa Giáo dục Long Minh Đỗ Hoàng Sơn nhận định: “Tế bào quan trọng nhất của đọc sách ở cộng đồng là các hiệu sách phố huyện. Nhưng các hiệu sách này rất hiếm, hoặc có thì chủ yếu bán sách giáo khoa, còn lại lẫn vào văn phòng phẩm, đồ gia dụng… Chúng tôi muốn phát hành sách về nông thôn cũng khó vì không có hạ tầng”.

Không kể các tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ đang hình thành ở một số địa phương, nhiều đơn vị, cá nhân mặc dù có thiện chí xây dựng tủ sách, thư viện sách cộng đồng cũng vướng phải rào cản do thiếu cơ sở hạ tầng để xây dựng không gian đọc. Quản lý Thư viện sách miễn phí BFree Nguyễn Quốc Chiến cho biết: “Phải có một địa điểm thực sự bền vững mới duy trì được hoạt động đọc. Nhiều nhóm truyền thông, xây dựng đội ngũ, kêu gọi được nhiều sách nhưng kết nối tìm địa điểm không được. Ví dụ như kết hợp làm cà phê sách, hoạt động một thời gian, quán thay chủ, chủ mới không coi trọng việc đọc là lại mất đi không gian. Chúng tôi cũng nếm trải rất nhiều lần như vậy”.

Hỗ trợ thiết thực

 “Chúng tôi từng phối hợp với các phòng giáo dục - đào tạo để đưa sách về huyện, nhưng khi đưa về, dù giáo viên vẫn kêu thiếu sách nhưng lượng mua cũng không nhiều. Rồi ngay nhà sách ở Hà Nội cũng như siêu thị, phải bán nhiều thứ mới có thể tồn tại, chứ chưa nói đến ở nông thôn. Từ đó, đo được ngay mức độ đọc hiện vẫn còn hạn chế và cần phải có những biện pháp tác động nhiều hơn nữa cũng như cần các chính sách hỗ trợ một cách thiết thực cho các cá nhân, đơn vị, tổ chức làm sách”.

Giám đốc Công ty TNHH Văn hóa Đông Tây Đoàn Tử Hoan

So sánh mức độ đọc của các nước, như Pháp, Nhật Bản trung bình mỗi người đọc 20 cuốn sách/năm; Singapore 14 cuốn/năm, Malaysia 10 cuốn/năm… mức độ đọc của người Việt còn rất khiêm tốn (chưa tới 4 cuốn/năm, trong đó 3 cuốn là sách giáo khoa). “Ra nước ngoài, ngay Thái Lan thôi, các bến xe, ga tàu, khi đợi nhau người ta đều cầm cuốn sách trên tay. Sách cũng được đặt ở những nơi công cộng như thế để phục vụ cộng đồng. Trong khi đó, ở Việt Nam thì thật hiếm thấy. Hoặc ngoài đường phố Hà Nội, Sài Gòn, dễ thấy cách nhà là một quán hàng, thì ở những nước tiên tiến, cách nhà là một thư viện, không gian sách chi chít mọi con phố” - TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Công ty sách Thái Hà so sánh. Theo ông Hùng, tuy phần lớn nằm ở ý thức của mỗi người, nhưng sự phát triển văn hóa đọc cũng phụ thuộc vào mức độ hưởng ứng, quyết tâm vào cuộc, tiếp sức của chính quyền, các đơn vị làm sách, tổ chức… để đưa sách đến cộng đồng.

Ngày 15.3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020 định hướng đến năm 2030. Theo đó, khẳng định quan điểm: Phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước. Nhà nước hỗ trợ phát triển văn hóa đọc, đồng thời đẩy mạnh đa dạng hóa, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia phát triển văn hóa đọc.

Nhiều ý kiến cho rằng, chiến lược quan trọng nhất là phải tác động trúng vào điểm mấu chốt. Thực tế hằng năm, Nhà nước đã tích cực hỗ trợ cho hoạt động đọc, thông qua cấp ngân sách cho các thư viện trường học, thư viện tỉnh… Tuy nhiên, theo ông Đoàn Tử Hoan, khi hoạt động của các thư viện này chưa thật sự hiệu quả, chính sách hỗ trợ cần hướng vào những điểm cụ thể dựa trên xem xét, nghiên cứu về sự đón nhận từ phía người đọc. Chẳng hạn, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân mở không gian sách công cộng, hỗ trợ xây dựng tủ sách, thư viện sách cộng đồng, có chính sách ưu đãi kinh doanh cho các đơn vị làm sách có nhiều đóng góp vì cộng đồng… Đây được cho là biện pháp đầu tư hiệu quả và dài hạn.

Thái Minh