Phát triển điện gió ở Quảng Trị

Bài cuối: Chủ động ứng phó với thiên tai, sạt lở

- Thứ Hai, 13/09/2021, 07:12 - Chia sẻ
Qua rà soát, nhiều vị trí dự án điện gió có nguy cơ mất ổn định, cản trở tiêu thoát nước mặt; các bãi thải khả năng sạt trượt cao… sẽ tác động tiêu cực đến môi trường, nhất là mùa mưa bão đang đến gần. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng đề nghị các đơn vị chủ động phương án ứng phó thiên tai, sạt lở đất, lũ quét năm 2021; chủ đầu tư cần thực hiện nghiêm phương án tác động môi trường đã được phê duyệt, không để ảnh hưởng đến đời sống, tính mạng của người dân.

Tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét

Khu vực miền núi tỉnh Quảng Trị hiện có 29 dự án điện gió đang được xây dựng, với tổng vốn đầu tư gần 50.000 tỷ đồng. Trong đó, huyện Hướng Hóa có 26 dự án, 3 dự án còn lại ở huyện Đakrông (chưa thi công). Qua kiểm tra, rà soát cho thấy, quá trình chủ đầu tư mở đường, bạt taluy dương, đắp nền đường tạo taluy âm, nhiều vị trí có nguy cơ làm mất ổn định mái dốc, thanh thải đất đá làm thay đổi địa hình, cản trở khả năng tiêu thoát nước mặt… Đặc biệt, các bãi thải có nguy cơ sạt trượt cao gây tắc nghẽn, thay đổi dòng chảy có khả năng gây ra lũ ống, lũ quét, sạt lở.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cùng người dân trồng cây xanh tại công trình điện gió Hướng Tân
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cùng người dân trồng cây xanh tại công trình điện gió Hướng Tân

Giám đốc Sở NN - PTNT Hồ Xuân Hòe cho biết: Sở đã phối hợp với các đơn vị, địa phương rà soát, đánh giá, nhận diện, khoanh vùng phạm vi dự án điện gió có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại 13 thôn, bản, khối phố của 7 xã, thị trấn thuộc 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông… "Hiện, có 12 xã, thị trấn ở huyện Hướng Hóa có công trình đang triển khai thi công. Trong đó, vùng có nguy cơ rất cao chịu ảnh hưởng gồm 12 thôn/6 xã, với 147/670 nhân khẩu", ông Hòe thông tin. Còn theo Giám đốc Sở TN - MT Nguyễn Trường Khoa, một số dự án điện gió làm tốt phương án chống sạt lở như: Gia cố taluy âm bằng vải địa kỹ thuật, trải lưới xơ dừa kết hợp trồng tràm và cỏ voi... Tuy nhiên, một số dự án (Tài Tâm, Hoàng Hải...) có các bãi thải quy mô lớn, chưa được xử lý, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao…

Từ góc độ địa phương, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Đặng Trọng Vân thừa nhận: Nguy cơ sạt lở rửa trôi trong quá trình làm đường, bãi thải, làm bồi lấp đất, ảnh hưởng dòng chảy rất rõ ràng. "Nhiều dự án chưa gia cố, lu lèn cẩn thận, có nguy cơ sạt taluy âm dương ở các con đường như tại các xã Tân Liên, Tân Lập, Húc, Hướng Tân... Huyện đã chỉ đạo chủ đầu tư cập nhật tình huống, ban hành kế hoạch phòng, chống thiên tai, sạt lở đất", ông Vân chia sẻ.

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Trị, thiên tai năm 2021 sẽ còn diễn biến phức tạp; hiện tượng ENSO ở trạng thái trung tính có khả năng tiếp tục duy trì đến đầu năm 2022. Theo đó, các hiện tượng thời tiết, khí hậu thường có những biến động mạnh nên cần lưu ý đề phòng các cơn bão có diễn biến cường độ và quỹ đạo phức tạp, mưa lớn cục bộ và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác. Đặc biệt, cần chú ý đề phòng khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất do mưa lớn cục bộ trên các sông suối nhỏ và vùng thượng lưu các sông lớn trong các tháng mùa mưa lũ.

Chủ động phương án ứng phó

Trước nguy cơ mất an toàn từ các dự án điện gió khi xảy ra thiên tai, UBND tỉnh Quảng Trị đã có nhiều văn bản yêu cầu các đơn vị, địa phương nhanh chóng khắc phục tồn tại, hạn chế; triển khai các phương án ứng phó với sạt lở đất, lũ quét, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Theo Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh, phương án trước mắt là xử lý, gia cố kịp thời các bãi thải đất đào đặt trụ tuabin, chống sạt lở đất của các dự án điện gió; các đoạn đường thi công có nguy cơ chia cắt trong mùa mưa bão và có giải pháp bảo đảm an toàn cho các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, đất sản xuất và đời sống của người dân vùng dự án... "Về lâu dài, cần rà soát, xây dựng các khu tái định cư để di dời dân những vùng có nguy cơ cao đến nơi an toàn; xây dựng các kịch bản ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai; triển khai phương án ứng phó khi có các tình huống, sự cố xảy ra", ông Hồ Xuân Hòe đề xuất.

Đặc biệt, tại Hội nghị Phòng chống thiên tai, sạt lở đất ở miền núi tỉnh Quảng Trị, trọng tâm tại khu vực thực hiện các dự án điện gió mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng nhấn mạnh: Các sở, ngành, địa phương chủ động phương án ứng phó thiên tai, tình trạng sạt lở đất, lũ quét, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản; xem an toàn tính mạng của Nhân dân là trên hết… Đồng thời, giao các Sở NN - PTNT, TN - MT, Công thương và chính quyền các địa phương thường xuyên kiểm tra việc thực hiện của chủ đầu tư. "Chủ đầu tư phải thực hiện nghiêm phương án tác động môi trường. Kiên quyết không để các dự án ảnh hưởng đến đời sống, tính mạng của người dân; phát triển kinh tế phải bảo đảm an sinh, môi trường", ông Hưng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cần có phương án tổ chức sản xuất bảo đảm an toàn trước và trong thiên tai; xử lý, khắc phục kịp thời các bãi thải có nguy cơ sạt lở đất, gia cố mái taluy đường công vụ trước mùa mưa bão. Khẩn trương hoàn thành các thủ tục pháp lý về đất đai, đánh giá tác động môi trường… UBND các huyện Hướng Hóa, Đakrông khẩn trương kiểm tra, rà soát, cập nhật các phương án phòng, chống thiên tai đã lập và phê duyệt. Trong đó, đặc biệt chú trọng phương án phòng, chống sạt lở đất, lũ ống, lũ quét chi tiết đến cấp thôn/bản. Tăng cường thông tin, tuyên truyền về thiên tai và hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất bằng nhiều hình thức để người dân biết và chủ động phòng tránh… ông Võ Văn Hưng nhấn mạnh.

Diệp Anh