Đọc sách

Bài ca về gánh hàng rong

Câu chuyện mở ra từ một thanh niên bán hàng rong trên đường phố Istanbul. Đêm đêm, đòn gánh trên vai, hai đầu là hai thúng hàng nặng, anh đi qua các đường phố đô thị, tiếng rao “boza” như từ thời xa vắng vọng về. Nhiều người mua boza vì thích tiếng rao của anh, thậm chí tiếng rao còn làm cho những người hoài cổ xúc động. Boza là một thức uống lên men từ ngũ cốc, vừa chua vừa ngọt, có lịch sử hàng nghìn năm ở vùng Trung Á và một phần Đông Âu. Nhưng trong những trang viết của Orhan Pamuk, boza với người Thổ Nhĩ Kỳ là quốc hồn quốc túy, là lịch sử, là hoài niệm. Theo thời gian, có lúc boza đã mai một, trở thành đồ uống bình dân khi người ta ngả theo thức uống thời thượng đóng lon đóng chai, bán trong những tủ kính tự động trên đường. Nhưng boza không biến mất, nó vẫn còn trong những gánh hàng rong giữa đêm đông vang vọng trong các ngõ ngách.

Ấn tượng đầu tiên, đây là cuốn sách mà nhà văn đoạt giải Nobel dành để tôn vinh thức uống dân tộc: boza.

Ấn tượng thứ hai, cuốn tiểu thuyết tôn vinh nghề bán hàng rong. Người đọc đi theo bước chân của anh chàng Mevlut mà giật mình vì đã từng thờ ơ trước những tiếng rao đêm trên đường phố quê hương mình. Không chỉ là đôi quang gánh và tiếng rao, mà đằng sau đó là một cuộc đời nhiều uẩn khúc nhiều sắc thái. Mevlut rời làng quê theo cha lên đô thị Istanbul từ khi còn bé, chỉ có một nghề là gánh boza đi bán rong. Từ nhỏ đi theo giúp cha cho đến khi thôi học, chính anh lại mang đòn gánh trên vai mà tự đi bán. Lấy vợ, vẫn đi bán. Có con, vẫn bán. Có khi đổi sang bán cả sữa chua rồi một số thứ hàng khác, có khi được bạn bè giúp mở quán, chuyển sang đi thu tiền điện, quản lý một hội trường, nhưng sau giờ làm việc, ban đêm anh lại quang gánh trên vai. Bán hàng rong, với anh đã thành một thú vui, một cơn nghiện, thậm chí là lẽ sống. Khi sướng vui hạnh phúc, anh đi bán. Khi cô quạnh vẩn vơ, anh lại đi bán. “Mevlut không bao giờ thấy buồn chán khi ban đêm đi bán boza, ngay cả khi con đường vắng nhất không một cửa sổ nào mở và không ai mua boza. Khi anh bước, trí tưởng tượng của anh hoạt động, nhắc Mevlut nhớ rằng trên đời này còn một thế giới khác bên trong thế giới này, giấu đằng sau bức tường thánh đường, nhà gỗ đổ nát, nghĩa trang” (trang 409).

Cái anh chàng đẹp trai có gương mặt trẻ thơ, chân thực, nghiện bán hàng rong ấy là một hình tượng đầy mỹ cảm khiến người đọc trân trọng hơn một cái nghề bị coi là làm mất mỹ quan trong những đô thị hiện đại.

Mevlut là đường dây đi suốt cuốn tiểu thuyết. Nhưng ở đó còn một tuyến khác: ba chị em gái. Cô chị cả lấy Korkut, anh họ của chàng Mevlut. Cô hai lấy Mevlut bán hàng rong. Cô ba lấy Ferhat, bạn thân của Mevlut.

Chuyện cưới xin của họ không hề đơn giản. Chàng Mevlut trong đám cưới của anh họ Korkut đã để mắt đến em gái của cô dâu. Trong ba năm tiếp đó chàng viết hàng chục bức thư tình gửi cho cô. Ban đầu chữ nghĩa còn kém, chàng phải nhờ anh bạn Ferhat viết hộ, về sau đã có đà, cứ thế mà tự viết những lời có cánh. Rồi khi đôi bên đều mặn nồng mà không dám chắc bố cô dâu ưng thuận, chàng lập kế hoạch bắt cóc cô dâu từ làng quê đưa lên Istanbul.

Một vụ bắt cóc cô dâu nữa: anh bạn Ferhat ngấm ngầm liên lạc với cô ba, cô gái xinh đẹp nhất trong ba chị em, rồi cô ba bỏ trốn cùng anh ta. Anh chàng Ferhat này khi còn là học sinh đã rủ Mevlut bí mật đi dán truyền đơn biểu ngữ cho cánh tả. Thể chế chính trị không ổn định, thậm chí xảy ra nhiều cuộc đảo chính, hoặc can thiệp của quân đội, khiến người dân cũng phe phái nọ kia. Ferhat về sau lấy vợ, có được một cái nghề hái ra tiền nhưng vẫn tiếp tục tư tưởng cánh tả, và từ nhân vật này, tác giả bình luận rằng rất nhiều người thời trẻ là cánh tả rồi khi cưới vợ, họ thành tư bản. Họ thường vênh váo còn hơn người cánh tả trung kiên.

Câu chuyện còn mở rộng ra một người anh họ khác của Mevlut là Süleyman. Anh ta mê cô ba, tưởng như có thể cưới được cô đến nơi, thì bất ngờ cô bỏ trốn theo Ferhat. Anh chàng Süleyman này chính là người từng chuyển giúp những bức thư tình của Mevlut đến cô hai, rồi chính anh ta lại lan truyền mối nghi ngờ rằng Mevlut mê cô ba nhưng thư tình bị chuyển cho cô hai, rồi vì nhầm lẫn mà cưới cô hai. “Nghi án” này làm cho các nhân vật liên quan vật vã cho đến hết cuốn sách.

Cốt truyện như kính vạn hoa, còn nhiều éo le, mở ra nhiều lối, nhiều biến cố, nhiều sắc thái… và còn rất nhiều chỗ cho người đọc khám phá. Orhan Pamuk tham vọng viết ra một thiên sử thi về thành Istanbul nửa Á nửa Âu với bề dày văn hóa. Đoạt giải Nobel văn chương năm 2006, ông là nhà văn mà nhắc đến, người ta nghĩ đến Istanbul. Những cuốn tiểu thuyết như Tuyết; Tên tôi là Đỏ khiến nhiều người mơ một lần đến Istanbul và Thổ Nhĩ Kỳ. Ai đã từng dọc ngang khắp thành Istanbul thì khi đọc Xa lạ trong tôi, một lần nữa như được phiêu lưu cùng chàng bán rong Mevlut qua những ngõ ngách những đường phố hòa trộn Á - Âu, hòa trộn xưa và nay. Không hẳn là sử thi, nhưng cuốn tiểu thuyết đã làm được một điều: khiến người ta yêu hơn thành phố quê hương của Orhan Pamuk, yêu hơn thức uống bình dân trong đêm đông lạnh, trân trọng hơn những người bán hàng rong chất phác mà trong họ luôn đầy ắp những mộng mơ bình dị.

Người dịch thực sự nỗ lực khi xử lý một cuốn sách đa sắc như một thiên sử thi. Chỉ có thỉnh thoảng làm cho người đọc bị vấp vì sử dụng phương ngữ hơi quá độ. Người đọc cũng vấp khi chữ “thánh Allah” lặp đi lặp lại hàng chục lần trong suốt 600 trang sách. Allah, theo quan niệm đạo Hồi là Thượng đế, Chúa Trời, ông trời. Allah không phải là thần thánh.

Một chữ nữa, tiếng Anh có thể chỉ dùng một động từ, nhưng chuyển sang tiếng Việt nó có thể là cưới, cưới xin, kết hôn, lấy chồng, lấy vợ… Tùy theo văn cảnh mà sử dụng. “Bà cưới người đàn ông đầu tiên hỏi cưới bà” (trang 274). Người đàn ông “hỏi cưới bà” thì đúng, nhưng bà không “cưới” mà là “lấy” người đàn ông ấy. Người con gái mà cưới chồng thì tức là phải các thêm tiền mới lập gia đình được. Chữ “cưới chồng” này cũng lặp lại nhiều lần trong cuốn sách.

__________

* Xa lạ trong tôi, tiểu thuyết của Orhan Pamuk, Thiên Nga dịch, Nhã Nam và NXB Hà Nội 2022.

Văn hóa

Tạo sức sống mới cho di sản văn hóa Huế
Văn hóa - Thể thao

Tạo sức sống mới cho di sản văn hóa Huế

Chiều 23.11, tỉnh Thừa Thiên Huế long trọng tổ chức Lễ đón nhận bằng của UNESCO công nhận Di sản tư liệu “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” và công bố hoàn thành dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể điện Thái Hòa.

Biến di sản thành “kho vàng, kho bạc”
Văn hóa - Thể thao

Biến di sản thành “kho vàng, kho bạc”

Chứa đựng những giá trị tinh thần sâu sắc của dân tộc, di sản văn hóa phi vật thể dù không có hình hài cụ thể, nhưng lại có thể được chuyển hóa thành tài sản vật chất, thành “kho vàng, kho bạc”. Khi được khai thác, di sản văn hóa phi vật thể sẽ trở thành cảm hứng sáng tạo nên sản phẩm công nghiệp văn hóa.

Chiêm ngưỡng “Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” - bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk
Văn hóa - Thể thao

Chiêm ngưỡng “Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” - bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk

Sáng 22.11, tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, UBND tỉnh khai mạc triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22.11.1904 - 22.11.2024); 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12.1944 - 22.12.2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22.12.1989 - 22.12.2024).

Hình ảnh tại triển lãm 3D. ảnh: TTLTI
Văn hóa - Thể thao

Lịch sử Kiên Giang qua hình ảnh và tài liệu lưu trữ

Với hơn 200 tài liệu, bản đồ lần đầu tiên được công bố, triển lãm 3D trực tuyến “Giới thiệu hình ảnh, tài liệu lưu trữ về địa giới hành chính tỉnh Kiên Giang xưa và nay” nhằm lan tỏa giá trị của tài liệu lưu trữ, tạo thuận lợi cho người xem dễ dàng tiếp cận thông tin về địa giới hành chính Kiên Giang qua các thời kỳ.

Khi sắc màu và cảm xúc thăng hoa
Văn hóa - Thể thao

Khi sắc màu và cảm xúc thăng hoa

Triển lãm "Colors in Bloom - Sắc màu bừng nở" quy tụ các nghệ sĩ: Nguyễn Phương, Minh Đàm, Thanh Hà, Đình Đức, Phương Thảo và Đức Tiến. Đây là không gian để công chúng chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh tế và độc đáo của nghệ thuật màu nước.

Xây dựng nền “văn hóa Hòa Bình” mãi trường tồn, lan tỏa
Địa phương

Xây dựng nền “văn hóa Hòa Bình” mãi trường tồn, lan tỏa

Nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống, nhất là các di tích thuộc nền “Văn hóa Hòa Bình”, tỉnh Hòa Bình xác định, phát triển văn hóa sẽ là một trong 5 đột phá chiến lược và sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, giúp di sản mãi trường tồn và lan tỏa. Từ đó, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Chuyện làng, chuyện phố
Văn hóa

Chuyện làng, chuyện phố

Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 với chủ đề Chuyện làng, chuyện phố sẽ được Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức vào ngày 22 - 23.11.