Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ban hành Thông tư 11/2022/TT-BKHCN bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô.
Theo đó, từ ngày 1.10.2022 sẽ bãi bỏ toàn bộ 3 văn bản gồm: Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô; Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN; Thông tư số 05/2012/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN.
Như vậy, các quy định liên quan tới tỷ lệ nội địa hóa đã chính thức được bãi bỏ sau gần 20 năm tồn tại.
Động thái này được giới chuyên gia đánh giá là phù hợp với sự phát triển, thay đổi quy trình công nghệ sản xuất, lắp ráp ô tô của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam và trên thế giới. Đồng thời, không làm phát sinh thủ tục hành chính và bảo đảm được các điều ước, hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các nước khác.
Trước đó, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam nhiều lần đề xuất thay đổi cách tính tỷ lệ nội địa hóa ô tô vì không còn phù hợp.
Cụ thể, từ năm 2004, Việt Nam sử dụng phương pháp tính theo cụm chi tiết được sản xuất nội địa theo Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN. Tức là, mỗi cụm linh kiện, phụ tùng chính được áp một điểm số, rồi quy ra một tỷ lệ % nội địa hoá nhất định, mà không phụ thuộc vào giá trị linh kiện, phụ tùng đó.
Trong khi đó, các nước trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) và thế giới dựa vào tỷ lệ phần trăm giá trị sản xuất trong nước để tính toán tỷ lệ nội địa hóa.
Cụ thể, theo Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA), ôtô sẽ được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% nếu đạt tỷ lệ nội địa hoá nội khối từ 40% trở lên, khi đó hàng hoá được xác định có nguồn gốc từ các nước ASEAN theo cách tính tỷ lệ nội địa hoá nội khối.
Việc vẫn áp dụng cách cũ khiến các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn và bất lợi khi thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước ASEAN đã về 0% từ 2018, theo ATIGA.
Ngoài ra, theo quy định Thông tư 05/2018 của Bộ Công thương, ôtô nhập về Việt Nam hay từ Việt Nam xuất sang các nước ASEAN nếu muốn được hưởng thuế suất ưu đãi, thì phải áp dụng quy định về tính tỷ lệ nội địa hoá nội khối.
Cũng theo Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, cách xác định tỷ lệ nội địa hoá ôtô hiện cũng không còn phù hợp với xu hướng công nghệ mới khi các tính năng, linh kiện trên ôtô ngày càng chiếm tỷ trọng giá trị lớn so với giá trị của chiếc xe.
Chẳng hạn, với các dòng xe mới, xe điện hoá (hybrid, xe điện chạy pin...), vật liệu sản xuất thân vỏ thường được sử dụng công nghệ mới từ sợi carbon, titanium, nhôm hợp kim... để đảm bảo nhẹ, cứng vững và giảm tỷ trọng kim loại. Trong khi đó, danh mục linh kiện theo các quy định hiện nay lại chưa cập nhật, như các công nghệ an toàn, hệ thống điều khiển thông minh, hệ thống giải trí đa phương tiện...
Lãnh đạo Bộ Công thương rong một cuộc họp hồi đầu năm nay cũng cho rằng cần thiết phải đưa ra cách tính mới về tỷ lệ nội địa hoá trong sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước nhằm tối ưu hoá chi phí sản xuất và phù hợp thực tế.