Nhìn lại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp

Bài 8: Làm tốt công tác nhân sự bắt đầu từ Đại hội Đảng các cấp

- Thứ Hai, 12/07/2021, 06:58 - Chia sẻ
Để cuộc bầu cử trên địa bàn Thủ đô đạt thành công, công tác lựa chọn nhân sự tham gia ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp ngay từ khâu lựa chọn nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp đóng vai trò hết sức quan trọng. Đây là cơ sở để thành phố, các địa phương xây dựng đề án cụ thể, bảo đảm thành phần, cơ cấu, làm căn cứ tổ chức các bước hiệp thương lựa chọn người ứng cử chính thức.

Còn một số lúng túng trong điều hành bầu cử

Theo Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố, Chủ tịch Uỷ ban Bầu cử (UBBC) thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, với sự chủ động, triển khai sớm, thực hiện tốt các bước công việc về bầu cử; sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo công tác bầu cử, UBBC thành phố..., nhất là sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình, có trách nhiệm cao của cử tri, công tác bầu cử trên địa bàn được triển khai với nhiều điểm mới, sáng tạo, hiệu quả. Trong đó, có những công việc chưa từng có trong tiền lệ.

	Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố, Chủ tịch UBBC TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại huyện Thường Tín Ảnh: P.Long
Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố, Chủ tịch UBBC TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại huyện Thường Tín
Ảnh: P.Long

Bên cạnh những kết quả đạt được, UBBC thành phố cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, tồn tại như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, nắm bắt tình hình có nơi còn chưa sâu sát; việc giải quyết các vấn đề vướng mắc của Nhân dân có lúc, có nơi chưa kịp thời. Một số đơn vị bầu cử đại biểu HĐND xã, trong ngày bầu cử 23.5 chưa bầu đủ số đại biểu được bầu theo quy định dẫn đến phải tổ chức bầu cử thêm...  Nguyên nhân một phần do Hà Nội là địa phương có số đơn vị bầu cử đại biểu HĐND thành phố, đại biểu HĐND cấp huyện, xã, thị trấn và số khu vực bỏ phiếu lớn nhất cả nước. Khối lượng công việc lớn đã dẫn đến việc kiểm tra, phát hiện, bổ khuyết và xử lý các sai sót còn khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, khó lường.

Bên cạnh đó, một số cán bộ chuyên môn làm công tác bầu cử tại các quận, huyện, thị chưa có nhiều kinh nghiệm; thành viên của một số Tổ bầu cử còn lúng túng trong công tác hướng dẫn, điều hành bầu cử, nhất là trong kỹ năng kiểm phiếu bầu cử, ảnh hưởng tới tiến độ tổng hợp kết quả bầu cử. Đồng thời, việc kiểm tra rà soát tính chính xác của phiếu bầu vẫn còn sơ suất, in sai phiếu bầu đại biểu HĐND xã. "Cá biệt, có một số cán bộ chủ chốt của xã còn có hành vi vi phạm pháp luật về bầu cử, dẫn đến UBBC thành phố phải đề nghị Hội đồng bầu cử quốc gia huỷ bỏ kết quả bầu cử tại hơn đơn vị bầu cử đại biểu HĐND xã", ông Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Xây dựng đề án nhân sự cụ thể, đúng thành phần

Để các cuộc bầu cử tiếp theo được thuận lợi, đạt kết quả cao, UBBC thành phố Hà Nội đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thời gian từ Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 đến khi công bố và niêm yết danh sách những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử dài hơn để có đủ thời gian sắp xếp và in ấn tài liệu. Đồng thời, cần quy định cụ thể hơn đối với việc bầu cử thêm, bầu cử lại cho phù hợp với tình hình thực tiễn của các địa phương.

Theo Chủ tịch UBBC thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, qua thực tiễn tổ chức cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, UBBC thành phố đã rút ra một số bài học kinh nghiệm hết sức sâu sắc. Trước hết, để công tác bầu cử đạt kết quả như kỳ vọng cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, xuyên suốt của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phân công khoa học, phối hợp làm việc có trách nhiệm của các tổ chức phụ trách bầu cử, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội để triển khai các khâu, các bước, các nội dung của công tác bầu cử theo đúng quy định của pháp luật.

Chủ tịch UBBC thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh đến vai trò của việc xác định, lựa chọn nhân sự tham gia ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp ngay từ khâu lựa chọn nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp. Đây là cơ sở để thành phố và các địa phương xây dựng được đề án nhân sự cụ thể, bảo đảm về thành phần, cơ cấu. Qua đó, làm căn cứ quan tổ chức các bước hiệp thương lựa chọn người ứng cử chính thức... Ngoài ra, cần thường xuyên giám sát chặt việc thực hiện nhiệm vụ của các tổ chức, cá nhân trong công tác bầu cử, nhất là tại các Tổ bầu cử. Cần thống nhất sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của HĐND, UBBC, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác kiểm tra, giám sát bầu cử để tránh chồng chéo, kịp thời trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình bầu cử tại các địa phương. Đây là tiền đề quan trọng dẫn tới thành công của ngày bầu cử", Chủ tịch UBBC thành phố nêu rõ.

Để cuộc bầu cử thành công về mọi mặt đòi hỏi phải xây dựng và triển khai thực hiện tốt các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, kiên quyết trấn áp các loại tội phạm, bảo vệ an toàn cho cuộc bầu cử. Trong đó, phải nắm chắc tình hình, có các biện pháp phù hợp, đúng quy định để đấu tranh với các hành vi của các thế lực chống phá cuộc bầu cử. Lựa chọn, bố trí người có phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử, tham gia thực hiện nghiệp vụ công tác bầu cử, đặc biệt là Tổ bầu cử, nhất là cần tập huấn kỹ nghiệp vụ công tác bầu cử, nghiệp vụ hiệp thương, công tác tổ chức ngày bầu cử, kỹ năng kiểm phiếu...

PHI LONG