Nhìn lại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp

Bài 6: Tạo điều kiện để cử tri lựa chọn đại biểu

- Thứ Bảy, 10/07/2021, 07:05 - Chia sẻ
Với đặc thù là tỉnh biên giới, địa bàn dân cư rộng nên tỉnh Lạng Sơn đã triển khai sớm, kịp thời, đồng bộ, sáng tạo công tác tuyên truyền cuộc bầu cử bằng nhiều hình thức như: Photo danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu QH Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 gửi đến từng hộ gia đình để cử tri nghiên cứu, lựa chọn đại biểu tiêu biểu; tuyên truyền bằng loa kéo tại những địa bàn xã khó khăn; thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, các nền tảng mạng xã hội… đã tạo sức lan tỏa rộng lớn trong Nhân dân.

Chú trọng tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin

Nhìn lại cuộc bầu cử đại biểu QH Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 vừa qua, Ủy ban Bầu cử (UBBC) tỉnh Lạng Sơn đánh giá: Việc triển khai công tác bầu cử đã được cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ các tổ chức đoàn thể các cấp và Nhân dân trên địa bàn quán triệt thực hiện tích cực, đồng bộ, đúng pháp luật. Tỉnh đã chủ động xây dựng đầy đủ các kịch bản, phương án bầu cử trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Các thành viên Ban Chỉ đạo, UBBC các cấp và các tổ chức phụ trách bầu cử nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát, theo dõi sát từng địa bàn, thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, kịp thời tiếp nhận, giải quyết những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở.

	Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết công tác bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn Ảnh: Trần Tâm
Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết công tác bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
Ảnh: Trần Tâm

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo bầu cử tỉnh, Chủ tịch UBBC tỉnh Hồ Tiến Thiệu, với đặc thù là tỉnh biên giới, địa bàn dân cư rộng nên tỉnh đã triển khai sớm, kịp thời, đồng bộ, sáng tạo công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Photo danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu QH Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 gửi phát đến từng hộ gia đình để cử tri nghiên cứu, lựa chọn đại biểu tiêu biểu; tuyên truyền bằng loa kéo tại những địa bàn xã khó khăn; thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, các nền tảng mạng xã hội… đã tạo sức lan tỏa rộng lớn trong Nhân dân. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng CNTT theo dõi tiến độ cử tri tham gia bỏ phiếu, công tác kiểm phiếu, tổng hợp kết quả bầu cử để bảo đảm tổng hợp kết quả nhanh, chính xác.

Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của toàn dân, cuộc bầu cử trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã diễn ra dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm. Kết thúc thời gian bỏ phiếu, Lạng Sơn là tỉnh đứng thứ hai cả nước có tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu cao đạt 99,99%. Cử tri đã bầu đủ 6/6 đại biểu QH, 55/55 đại biểu HĐND tỉnh, 360/360 đại biểu HĐND cấp huyện, 3.917/3.962 đại biểu HĐND cấp xã với tỷ lệ đại biểu trúng cử có trình độ ngày càng cao. “Kết quả đó đã thể hiện quyết tâm chính trị cao, là biểu hiện rõ nét nhất của sự đoàn kết, nhất trí và sự đồng lòng của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh”, Chủ tịch UBBC tỉnh Hồ Tiến Thiệu khẳng định.

Bảo đảm quyền lợi của cử tri

Bên cạnh những thuận lợi, thành công, Chủ tịch UBBC tỉnh Hồ Tiến Thiệu cũng nhìn nhận: Là tỉnh miền núi biên giới, địa bàn rộng, dân cư không tập trung, đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sống ở vùng núi cao có địa hình, giao thông đi lại khó khăn nên đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc cử tri đi bỏ phiếu. Trên địa bàn tỉnh còn một số thôn chưa có điện lưới, không có sóng điện thoại di động cũng đã gây ảnh hưởng phần nào đến việc báo cáo nhanh, tổng hợp kết quả ngày bầu cử. Trong giai đoạn đầu triển khai công tác bầu cử, việc quy định sử dụng các mẫu dấu (như mẫu dấu Tổ bầu cử) phục vụ công tác bầu cử giữa các cơ quan có thẩm quyền (Hội đồng Bầu cử quốc gia và Bộ Công an) chưa có sự thống nhất cũng gây lúng túng cho địa phương trong tổ chức thực hiện, bảo đảm tiến độ thời gian quy định…

Từ thực tiễn tại địa phương, UBBC tỉnh Lạng Sơn đã đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm trong triển khai tổ chức cuộc bầu cử. Trong đó, Ban Chỉ đạo, UBBC tỉnh, huyện thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn công tác chuẩn bị cuộc bầu cử để kịp thời giải quyết những phát sinh ở cơ sở. Chủ động nghiên cứu kỹ các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để tránh bị động trong quá trình tổ chức thực hiện. Mặt khác, công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu người ứng cử đại biểu QH và đại biểu HĐND các cấp phải theo đúng sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy, bảo đảm chất lượng, số lượng, đúng cơ cấu, thành phần và số dư theo quy định.

Cùng với đó, UBBC tỉnh Lạng Sơn cũng mong muốn, Quốc hội xem xét, sửa đổi quy định bỏ phiếu nơi khác tại Điều 34 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND theo hướng: Trường hợp cử tri đi công tác ngoài tỉnh thì chỉ được bầu đại biểu QH; cử tri đi công tác ngoài huyện nhưng trong tỉnh thì được bầu ĐBQH và đại biểu HĐND tỉnh; cử tri đi công tác ngoài xã nhưng trong huyện thì được bầu 3 cấp (đại biểu QH và đại biểu HĐND tỉnh, cấp huyện); đi công tác trong xã thì được bầu 4 cấp (đại biểu QH và đại biểu HĐND tỉnh, cấp huyện, cấp xã) để bảo đảm quyền lợi của cử tri…

Trần Tâm