Bài 5: Quốc hội khóa đầu và bản Hiến pháp đi vào lịch sử
(ĐBNDO) - 1946 - năm đầu của chính quyền cách mạng với việc tiến hành tổng tuyển cử đầu tiên, tổ chức kỳ họp Quốc hội đầu tiên, thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến và ban hành bản Hiến pháp đầu tiên. Lịch sử dồn nén và tinh tường với chừng ấy sự kiện vĩ đại diễn ra trong mối quan hệ trình tự và khăng khít của cuộc đấu tranh chính trị pháp lý, giành, giữ và xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á.
>> Bài 2: Sắc lệnh đầu tiên về bầu cử
>> Bài 4: Thực hiện quyền chính trị cơ bản, thiêng liêng
![]() Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I (2.3.1946) (Ảnh tư liệu) |
Hãy gấp rút chuẩn bị mở Quốc hội. Lời kêu gọi của Đảng thông báo trên báo Sự thật số đặc biệt về tết Bính Tuất, 1946. Khó có thể hình dung hết tình hình chính trị phức tạp và căng thẳng từ sau tổng tuyển cử thành công đến thời điểm chuẩn bị kỳ họp đầu tiên của Quốc hội.
Sách lịch sử Quốc hội đã ghi lại bối cảnh lịch sử khốc liệt và gay cấn trong khoảng lặng sau thắng lợi của tổng tuyển cử. Đấy cũng chính là những khó khăn, thách thức cực kỳ to lớn để bước tiếp đến ngày Mở Quốc hội - Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa đầu.
“Thắng lợi tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra triển vọng của thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ, một một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại.”
Điều mà kẻ thù ra sức phá hoại, tìm mọi cách vô hiệu hóa kết quả tổng tuyển cử chính là ở sứ mệnh của Quốc hội khóa đầu. Quốc hội sẽ thành lập Chính phủ chính thức và ban hành Hiến pháp đầu tiên của nhà nước dân chủ nhân dân. Và bằng tất cả tinh thần và lực lượng, cuộc đấu tranh khôn khéo, kiên quyết của chính quyền cách mạng, điều mà kẻ thù mong muốn không thể diễn ra.
Trong tình hình căng thẳng và hết sức khẩn trương, Quốc hội khóa I, kỳ họp đầu tiên đã được triệu tập. Chủ tịch Chính phủ liên hiệp lâm thời Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh quyết định Quốc dân đại hội sẽ họp tại Hà Nội, ngày chủ nhật 3 tháng 3 năm 1946. Đây chính là kỳ họp thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến.
Dù cố gắng tìm hiểu kỹ nhưng chúng tôi không thể hình dung nổi công việc chuẩn bị cho một kỳ họp trong điều kiện như vậy. Về tổ chức, về nội dung, về địa điểm, về an ninh, về nơi ăn nghỉ của đại biểu và những vấn đề gay cấn trong đấu tranh, thương lượng, vừa hòa hoãn, vừa khôn khéo, cương quyết để tiến hành kỳ họp và thành lập Chính phủ chính thức của nhân dân.
Sớm hơn 1 ngày, sáng 2.3.1946, ngót 300 đại biểu đã tề tựu tại nhà hát lớn thành phố Hà Nội… Và đúng 9 giờ 30 Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ liên hiệp lâm thời bước lên diễn đàn.
Cuộc đấu trí và mở rộng thêm 70 người dành cho các vị ở hải ngoại về tham gia Quốc hội và báo cáo trước Quốc hội thắng lợi tổng tuyển cử cũng như những việc Chính phủ liên hiệp lâm thời đã đảm nhận kết thúc trong thắng lợi. Lịch sử Quốc hội ghi rõ : Quốc hội thảo luận Chính phủ liên hiệp kháng chiến, bầu Hồ chí Minh làm Chủ tịch Chính phủ. Và tổ chức Chính phủ mới, Người nói: “Chính phủ nay ra mắt gồm các đại biểu của đảng phái và các anh em không đảng phái, trước đây đã thương lượng và thỏa thuận với nhau, vì vậy sự tổ chức mới nhanh chóng như thế”.
Giây phút lịch sử Chính phủ liên hiệp kháng chiến ra đời và sau đó đi vào cuộc trường chinh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước được bắt đầu như vậy. Đây cũng là thành quả đầu tiên mà cuộc tổng tuyển cử hướng tới - Chính phủ do quốc dân đại hội cử ra.
Chưa bao giờ kỳ họp Quốc hội ngắn như vậy, chỉ trong vòng 4 giờ từ lúc khai mạc đến lúc bế mạc, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa đầu đã kết thúc thành công với những quyết sách lớn thành lập Chính phủ, các cơ quan quan trọng của Quốc hội, thảo luận và bầu ra Ban dự thảo Hiến pháp.
![]() Kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa I, cuối tháng 10, đầu tháng 11.1946 (Ảnh tư liệu) |
Quốc hội khóa đầu đã viết tiếp trang sử mới bằng việc thảo luận và thông qua bản Hiến pháp đầu tiên tại Kỳ họp thứ hai. Theo yêu cầu của Chính phủ, Ban thường trực Quốc hội đã triệu tập Quốc hội họp Kỳ thứ 2 tại thủ đô Hà Nội từ ngày 29.10 đến ngày 9.11.1946. Về dự họp có 290 đại biểu. Một số đại biểu ở cực Nam Trung bộ và Nam Bộ vì công việc kháng chiến không ra được. Đại diện lãnh sứ quán Anh, Mỹ, Trung Hoa, Thụy Sĩ… cùng tham dự.
Một trong những nội dung quan trọng của Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa đầu là thảo luận thông qua bản Hiến pháp đã được thai nghén từ lâu. Đây cũng là bước đi tất yếu của cuộc đấu tranh chính trị pháp lý tiếp diễn khi Chính phủ liên hiệp kháng chiến được thành lập. Trong bài “Bác Hồ với Quốc hội và bản Hiến pháp đầu tiên”, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp viết: Chỉ một tháng sau khi giành được chính quyền, ngày 20 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 34 thành lập ban dự thảo Hiến pháp gồm 7 người : Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy, Đặng Thai Mai, Vũ trọng Khanh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng và Đặng Xuân Khu.
Như vậy, song song với quá trình đấu tranh chính trị pháp lý thực hiện tổng tuyển cử, tiến hành Kỳ họp thứ nhất thì bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập cũng đã được thai nghén.
“Bản dự thảo Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã được soạn thảo xong và được công bố tháng 11.1945. Tiểu ban Hiến pháp do Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội cử ra đã tiếp tục nghiên cứu dự thảo Hiến pháp. Ủy ban kiến quốc của Chính phủ cũng đã tự nghiên cứu đưa ra một bản dự thảo Hiến pháp. Căn cứ vào bản dự thảo của Chính phủ đưa ra, đối chiếu với bản dự thảo của Ủy ban kiến quốc, tập hợp những kiến nghị phong phú của toàn dân và tham khảo kinh nghiệm của các nước Âu, Á, Tiểu ban đã soạn thảo một dự án trình Quốc hội”.
Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa đầu thảo luận và thông qua bản Hiến pháp đầu tiên cũng rất sôi nổi, nhiều khác biệt nhưng cuối cùng đã đi đến thống nhất cao. Ngày 9.11.1946, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa với 240/242 đại biểu tán thành. Bản Hiến pháp đầu tiên của nhà nước độc lập gồm 7 chương với 70 điều. Đây là bản Hiến pháp thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, là nền tảng pháp lý xây dựng nhà nước pháp quyền, xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam đầu tiên.
![]() Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Ảnh tư liệu) |
Trong bài phát biểu tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa I, Hồ Chủ tịch khẳng định: “Hơn mười ngày nay, các đại biểu đã khó nhọc làm việc. Quốc hội đã thu được một số kết quả làm vẻ vang cho đất nước là đã thảo luận xong bản Hiến pháp. Sau khi nước nhà mới được tự do hơn 14 tháng, đã làm bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà. Bản Hiến pháp đó còn là một vết tích lịch sử Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á đông này nữa. Bản Hiến pháp đó chưa hoàn toàn nhưng nó làm nên một hoàn cảnh thực tế. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có mọi quyền tự do. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới: Phụ nữ Việt Nam đã đứng ngang hàng với đàn ông để được tự do của một quyền công dân. Hiến pháp đó nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp."
70 năm, quãng thời gian có thể xóa nhòa đi nhiều thứ, nhưng lớp trẻ chúng tôi, mỗi khi có dịp tiếp cận những trang sử hào hùng của Quốc hội thời kỳ đầu thai nghén là mỗi lần ôn lại những bài học lịch sử không thể nào quên. Đó là những bài học về cội nguồn sức mạnh ở dân, khối đoàn kết toàn dân, dựa vào lòng dân, dựa vào lực lượng ở nơi dân chính là biểu tượng sức mạnh dân tộc Việt Nam, chiến thắng mọi kẻ thù.
Sự kiện Quốc hội ra đời và việc ban hành Hiến pháp 1946 là bước đi đầu tiên vững chắc của Nhà nước bắt nguồn từ niềm tin, sức mạnh của nhân dân - Nhà nước pháp quyền của dân sinh ra trong đêm trường nô lệ, mất nước, vượt qua bão giông, thử thách của thời đại để có ngày hôm nay.
------------------
Tài liệu tham khảo:
- Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946 - 1960.
- Hồ Chí Minh toàn tập T4.
- 60 năm Quốc hội Việt Nam.