- Mua sắm vật tư y tế chống dịch tại TP.HCM: Chuyển hồ sơ vi phạm sang Bộ Công an
- Mua sắm vật tư y tế chống dịch: Sai phạm hàng loạt về trình tự, thủ tục, xác định giá trị gói thầu
- Hàng loạt bệnh viện sử dụng ngân sách không rõ ràng trong mua sắm vật tư y tế chống dịch
- Mua sắm vật tư y tế tại TP Hồ Chí Minh: Lợi dụng dịch bệnh để nâng giá bán cao bất thường
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại Công văn số 8475/VPCP-V.1 ngày 16.12.2022 của Văn phòng Chính phủ và kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại Kết luận thanh tra số 2117/KL-TTCP ngày 30.11.2022 (KLTT) về thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc xin và thuốc phòng, chống dịch Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh; UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện như sau:
Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, báo cáo đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu đối với việc thực hiện các nội dung theo kết luận, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại KLTT đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân là đối tượng thanh tra, cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của đối tượng thanh tra và các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan.
UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu quán triệt, chấp hành và thực hiện nghiêm các nội dung kết luận của KLTT. Thường xuyên nắm bắt thông tin về tình hình và kết quả thực hiện KLTT của đối tượng thanh tra, cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của đối tượng thanh tra và các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan.
Kịp thời nhắc nhở, đưa ra các biện pháp thúc đẩy việc tổ chức thực hiện các nội dung đã được kết luận, kiến nghị.
Đề ra các biện pháp triển khai cụ thể và phân công nhiệm vụ rõ ràng, rành mạch và xác định mốc thời gian cụ thể cho từng đơn vị thực hiện theo từng nhóm công việc gồm: phối hợp với các đơn vị có liên quan; tổ chức kiểm điểm tập thể, cá nhân có vi phạm pháp luật. Các đơn vị được phân công chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân Thành phố đối với tiến độ, kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị mình.
Phát hiện xử lý các hành vi không thực hiện, cố tình chây ỳ, cản trở việc thực hiện KLLT nhằm bảo đảm hiệu quả, hiệu lực hoạt động thanh tra, ngăn chặn tối đa thất thoát, thiệt hại ngân sách, tài sản Nhà nước.
UBND TP. Hồ Chí Minh Giao Sở Y tế căn cứ theo thẩm quyền và lĩnh vực phụ trách thực hiện thanh, kiểm tra việc quyết toán nguồn ngân sách Nhà nước sử dụng để mua sắm; việc giao nhận và quản lý, sử dụng trang thiết bị, vật tư, kít xét nghiệm, sinh phẩm và thuốc chữa bệnh phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Kiểm tra, rà soát các gói thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư, kít xét nghiệm, sinh phẩm và thuốc chữa bệnh phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 theo thẩm quyền để xem xét, xử lý theo quy định. Khẩn trương thực hiện nội dung chỉ đạo của UBND TP.
Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp Thanh tra Thành phố, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm và tham mưu UBND TP hình thức xử lý đối với các tập thể (nếu có), cá nhân có liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm nêu tại Kết luận thanh tra theo thẩm quyền và phân cấp quản lý cán bộ.
Giao Thủ trưởng các đơn vị có liên quan lập kế hoạch và tổ chức kiểm điểm đối với các tập thể, cá nhân thuộc quyền quản lý của đơn vị mình. Qua đó, đề nghị các đơn vị có liên quan chấn chỉnh các tồn tại, khuyết điểm trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, thuốc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã nêu tại KLTT.
Yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị liên quan thực hiện theo đúng nội dung Kế hoạch; báo cáo kết quả thực hiện cho UBND TP (thông qua Thanh tra Thành phố) trong Quý II năm 2023.
Về tổ chức thực hiện, UBND TP. Hồ Chí Minh giao Thủ trưởng Sở - ngành chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể các nhiệm vụ được giao, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ và đạt chất lượng theo yêu cầu đề ra; báo cáo, đề xuất UBND TP xem xét, trao đổi, xin ý kiến Thanh tra Chính phủ và các Bộ - ngành Trung ương đối với các nội dung vướng mắc, khó khăn (nếu có) phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện để thống nhất hướng xử lý; đồng thời, chủ động báo cáo tiến độ thực hiện các công việc định kỳ mỗi 2 tuần/lần hoặc đột xuất theo yêu cầu.
Giao Thanh tra Thành phố theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị tổ chức thực hiện; tổng hợp, báo cáo kết quả trình UBND TP xem xét, báo cáo Thanh tra Chính phủ theo quy định.
Trước đó, TTCP đã ban hành Thông báo kết luận thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc xin và thuốc phòng, chống dịch CoVid-19 tại TP. Hồ Chí Minh (thời kỳ từ 1.1.2020 đến 31.12.2021), qua đó chỉ ra hàng loạt sai phạm tại các bệnh viện sử dụng nguồn vốn ngân sách và nguồn viện phí để mua sắm vật tư y tế nhưng trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu không phân định rõ từng nguồn vốn, điều này dễ dẫn đến không rõ ràng, minh bạch khi quyết toán.
Qua thanh tra cũng phát hiện một số gói thầu có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh, mua bán qua nhiều khâu trung gian để nâng giá bán cao bất thường. Trình tự, thủ tục thực hiện đấu thầu, xác định giá gói thầu, tư cách hợp lệ của nhà thầu, thương thảo ký kết hợp đồng trong công tác mua sắm vật tư y tế chống dịch xảy ra hàng loạt sai phạm.
TTCP đã chuyển sang Bộ Công an hồ sơ 2 gói thầu do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư có dấu hiệu vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, với số tiền thiệt hại hơn 6,3 tỷ đồng.
* Báo điện tử Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục giám sát và thông tin kết quả thực thi pháp luật của các cơ quan liên quan đến bạn đọc và cử tri cả nước.