Nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm giám sát chuyên đề

Bài 4: Minh chứng thuyết phục cho nhận định, đánh giá

- Thứ Hai, 04/10/2021, 06:20 - Chia sẻ
Theo kinh nghiệm của các địa phương, quá trình giám sát, cần kết hợp nghe báo cáo với kiểm tra thực tế và nghiên cứu hồ sơ, tài liệu liên quan để “thẩm định” và phát hiện “độ vênh” giữa báo cáo và thực tế; kế thừa kết quả làm việc của một số ngành liên quan; tổ chức các buổi tọa đàm khoa học, tham vấn ý kiến các chuyên gia, hiệp hội cũng như chú trọng tham vấn ý kiến cộng đồng… Đặc biệt, nên sử dụng các thiết bị hỗ trợ như máy ảnh, máy ghi âm... góp phần “minh chứng, vật chứng”, tăng tính thuyết phục cho các nhận định, đánh giá trong giám sát.
Đại biểu HĐND tỉnh Tuyên Quang xem hình ảnh giám sát chuyên đề tại Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 - ẢNH KHÁNH XUYẾN
Đại biểu HĐND tỉnh Tuyên Quang xem hình ảnh giám sát chuyên đề tại Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021
Ảnh: Khánh Xuyên

Phát hiện “độ vênh” giữa báo cáo và thực tế

Để hoạt động giám sát, trong đó có giám sát chuyên đề hiệu quả, đại biểu HĐND cần lắng nghe thông tin từ nhiều phía, phân tích, đánh giá tính chính xác của thông tin; đồng thời, đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành để xem xét vấn đề giám sát một cách toàn diện.

Khi trao đổi với các đơn vị chịu sự giám sát, đại biểu phải có kỹ năng nêu câu hỏi, gợi ý cho đối tượng chịu sự giám sát trả lời nội dung mình quan tâm. Câu hỏi ngắn gọn, dễ hiểu, đi sâu vào những vướng mắc, hướng khắc phục. Khi phát hiện những điều bất hợp lý, đại biểu không nên chỉ trích cơ quan chấp hành mà cần tìm được biện pháp hữu ích để điều chỉnh hoặc giải quyết vấn đề.

Quá trình giám sát, nên kết hợp nghe báo cáo với kiểm tra thực tế tại cơ sở và nghiên cứu hồ sơ, tài liệu liên quan để “thẩm định” và phát hiện “độ vênh” giữa báo cáo của đơn vị chịu sự giám sát và thực tế. Bên cạnh đó, cần kế thừa kết quả làm việc của một số ngành liên quan: Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, kết luận của thanh tra nhà nước và thanh tra chuyên ngành đối với lĩnh vực được giám sát để so sánh; tổ chức các buổi tọa đàm khoa học, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, hiệp hội cũng như chú trọng tham vấn ý kiến cộng đồng…

Tăng cường giám sát có minh họa bằng hình ảnh

Theo kinh nghiệm của nhiều địa phương, quá trình giám sát, nên sử dụng các thiết bị hỗ trợ như máy ảnh, máy ghi âm... góp phần “minh chứng, vật chứng”, tăng tính thuyết phục cho các nhận định, đánh giá trong hoạt động giám sát.

Điển hình, giám sát có minh họa bằng hình ảnh đã được HĐND tỉnh Tuyên Quang kế thừa, phát huy từ năm 2006 (HĐND tỉnh Khóa XVI, nhiệm kỳ 2004 - 2011), không ngừng được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả. Nhiều cuộc giám sát chuyên đề được thực hiện bằng hình ảnh có sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng từ lực lượng đến phương tiện giám sát. Báo cáo kết quả giám sát bằng hình ảnh được trình chiếu tại kỳ họp phản ánh đầy đủ, sinh động nội dung giám sát tại cơ sở.

Để thực hiện mỗi cuộc giám sát bằng hình ảnh, Thường trực, các Ban HĐND tỉnh đã đầu tư xây dựng kịch bản giám sát, nghiên cứu và tìm hiểu kỹ thông tin từ cơ sở, xây dựng báo cáo kết quả giám sát bằng hình ảnh cụ thể, khách quan, chân thực, mang tính thuyết phục cao. Do đó, kết quả giám sát là một kênh thông tin quan trọng, làm cơ sở để Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy quyết định nhiều chủ trương trên các lĩnh vực. Qua đó, các cấp, các ngành khắc phục hạn chế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Kết tinh trí tuệ, bản lĩnh của HĐND

Thông thường, sau khi kết thúc giám sát chuyên đề, đoàn giám sát dành thời gian hội ý, đánh giá sơ bộ làm cơ sở cho người trực tiếp tổng hợp, viết dự thảo báo cáo kết quả giám sát, đưa ra các đề xuất, kiến nghị ban đầu. Trong giai đoạn này, một vấn đề không kém phần quan trọng là nên phân công ai trực tiếp soạn thảo báo cáo kết quả giám sát? Đây là trăn trở trong hoạt động của HĐND - nhất là ở cấp xã, cấp huyện - trong điều kiện tinh giản biên chế hiện nay, khi không phải ở đâu cũng có được đội ngũ chuyên viên tham mưu, giúp việc cho HĐND giàu kinh nghiệm, am tường pháp luật, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm. Bởi vậy, sau khi kết thúc một cuộc giám sát, có nơi Trưởng đoàn hoặc Phó Trưởng đoàn là đại biểu chuyên trách phải “cặm cụi” ngày đêm cho kịp thời hạn luật định. Cũng có nơi, Trưởng đoàn gạch đầu dòng” ý chính và giao cho chuyên viên giúp việc; có nơi giao “khoán trắng” hẳn cho cán bộ chuyên viên(!)... Chất lượng báo cáo kết quả giám sát, vì thế phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của người “chấp bút”.

Báo cáo kết quả giám sát là kết tinh trí tuệ, bản lĩnh, chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND. Cho nên, dù giao cho ai “chấp bút” cũng phải phản ánh được thực tiễn. Các thành viên đoàn giám sát cần nêu cao trách nhiệm chính trị, bản lĩnh công tác, coi trọng uy tín của cá nhân và của cơ quan thực hiện giám sát để đóng góp công sức, tư duy vào báo cáo kết quả giám sát, đưa ra các đánh giá, kiến nghị xác đáng, thuyết phục, yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát nghiêm túc tiếp thu, thực hiện. Tránh tình trạng báo cáo bị những người trong cuộc “cắt xén”, chung chung, né tránh, ngại va chạm, vì lý do nhạy cảm hay bất kỳ lý do nào khác khi giám sát.

Trách nhiệm giám sát của HĐND rất quan trọng, cần phải được tất cả các đại biểu tham gia với tinh thần nhiệt tình. Để phát huy vai trò của các đại biểu kiêm nhiệm trong hoạt động giám sát, theo nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương Nguyễn Thị Kim Oanh: Trên cơ sở nắm được chuyên môn, sở trường công tác của từng đại biểu kiêm nhiệm, khi giám sát những vấn đề liên quan, Thường trực HĐND tỉnh đều tranh thủ ý kiến đóng góp của những đại biểu này qua nhóm Zalo, qua đó, phát huy chuyên môn, sở trường hoạt động của các đại biểu kiêm nhiệm trong hoạt động giám sát của HĐND.

NGUYÊN PHƯƠNG