Cơ chế nào cho Khu thương mại tự do Hải Phòng?

Bài 4: "Tự do" phải là kim chỉ nam

- Thứ Sáu, 22/10/2021, 06:47 - Chia sẻ
Theo các chuyên gia, cùng với chính sách thuế hấp dẫn, "tự do" phải là từ khóa, là kim chỉ nam khi xây dựng Khu thương mại tự do Hải Phòng.

Càng tự do, càng thu hút đầu tư 

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, trong số các hình thức và công cụ tạo thể chế vượt trội để phát triển kinh tế của các quốc gia, khu thương mại tự do là hình thức vượt trội, đặc thù lâu đời nhất và đang được sử dụng phổ biến ở cả những nước phát triển như Mỹ, Vương quốc Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Tính “vượt trội” của chính sách, thể chế trong các khu này là mở tự do hơn, tạo thuận lợi hơn, ưu đãi nhiều hơn cho đầu tư phát triển và hoạt động kinh doanh. Chẳng hạn, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) đã thành lập gần 50 khu thương mại tự do với chế độ ưu đãi tốt nhất và hỗ trợ thuận lợi nhất, như: Dịch vụ hạ tầng tốt nhất; không hạn chế loại hình kinh doanh, chế độ sở hữu; miễn tất cả loại thuế, hoặc miễn thuế xuất, nhập khẩu và mức thuế thu nhập thấp nhất; sử dụng luật pháp quốc tế, tòa án quốc tế, trọng tài quốc tế theo thông lệ tốt (thường sử dụng luật, tòa án Vương quốc Anh và trọng tài quốc tế)…

Còn tại Cảng thương mại tự do Hải Nam đang được Trung Quốc xây dựng, tập trung vào tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, đầu tư. Các giải pháp gồm: Thực hiện chính sách thuế quan bằng 0 đối với một số mặt hàng nhập khẩu theo nguyên tắc chọn bỏ; thí điểm chính sách tài trợ và thúc đẩy đầu tư chứng khoán xuyên biên giới; áp dụng chính sách nhập cảnh miễn thị thực thuận tiện hơn; nhân tài cao cấp được hưởng thuế suất thuế thu nhập cá nhân là 15%; đổi mới thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức chính quyền tỉnh Hải Nam và ủy quyền đầy đủ cho chính quyền tỉnh trong xây dựng, vận hành khu…

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, chính sách, thể chế vượt trội là chủ trương, chiến lược phát triển quốc gia, được thực hiện trong một giới hạn địa lý nhất định ở địa phương, không phải là sáng kiến từ địa phương; hoàn toàn không tăng thêm quyền, lợi ích cho chính quyền địa phương như cách đang làm phổ biến ở nước ta. Về phía Nhà nước, nhìn chung là đơn giản hóa, giảm thủ tục đến mức thấp nhất; ít can thiệp nhất vào hoạt động đầu tư kinh doanh; quản lý tập trung vào an ninh trật tự, an toàn xã hội, môi trường sinh thái…

Theo ông Cung, bài học ở đây là càng thuận lợi, tự do cho đầu tư kinh doanh, có chế độ ưu đãi cạnh tranh và thể chế tin cậy bảo vệ tài sản cùng lợi ích của nhà đầu tư thì càng thu hút được nhiều vốn đầu tư cũng như nhân tài từ bên ngoài để phát triển đất nước. Do đó, khi xây dựng Khu thương mại tự do Hải Phòng, cùng với việc phải có chế độ thuế hấp dẫn, cần lấy từ khóa là “tự do”: Tự do hóa đầu tư, tự do hóa thương mại, tự do hóa dịch vụ gắn với logistics, tiến tới tự do hóa tài chính. “Phải xây dựng Khu thương mại tự do Hải Phòng trọng tâm về sản xuất công nghiệp chế tác chế tạo, logistics, đổi mới sáng tạo và có thể tiến tới là trung tâm tài chính, khác với Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh khi đặt trung tâm tài chính lên đầu tiên. Nếu mở trung tâm tài chính tự do mà không dựa trên nền kinh tế thực được tự do sẽ thất bại!”.

TSKH. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới dẫn lại kỷ niệm của ông khi tham gia viết đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế thứ 13 tại Bắc Vân Phong, Khánh Hòa cho một tập đoàn tài chính của Mỹ năm 2013. Trong đó, ông Lược xác nhận “có nhiều điểm đột phá”, như: Lập hội đồng quản lý là cơ quan điều phối chung, người Việt chiếm 50%, còn lại là người Mỹ và do người Việt Nam đứng đầu. Phía Việt Nam chỉ can thiệp 3 vấn đề: Quốc phòng, an ninh và ngoại giao, còn kinh doanh nội bộ hoàn toàn do phía Mỹ quyết định. "Đề án đã hoàn tất việc xin ý kiến các bộ, ngành, chỉ chờ ký quyết định thông qua. Tuy vậy, vì lý do khách quan nên phải gác lại. Rõ ràng, nếu thực sự muốn đột phá, chúng ta vẫn có thể làm, vấn đề là có muốn làm không?”, ông Lược nhấn mạnh.

Cần luật riêng?!

Tại Kỳ họp lần này, dự kiến Quốc hội sẽ thảo luận và xem xét thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng, trong đó có đề xuất thành lập khu thương mại tự do. Nhiều ý kiến băn khoăn nội dung này hiện chưa được quy định trong luật. Song, “đây không phải là vấn đề mấu chốt”, TSKH. Võ Đại Lược nói. Lý do là “năm 2006 - 2007, tôi viết bản nhận xét đề án xây dựng khu đô thị quốc tế ở Phú Yên do Tập đoàn Sama Dubai (UAE) đề xuất xây dựng, trong đó có những điểm đáng chú ý như thiết lập một hệ thống quản lý, pháp lý, tư pháp theo tiêu chuẩn quốc tế - nội dung rất mới so với quy định hiện hành và đã được phía Việt Nam chấp thuận nhưng vì khủng hoảng kinh tế 2008 nên phải gác lại”. Vì thế, theo ông, chúng ta vẫn có thể làm được nếu quyết tâm.

Tuy nhiên, nguyên Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho rằng “nhất thiết phải có luật” để tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư. Tại Trung Quốc cũng đã ban hành luật về Cảng thương mại tự do Hải Nam vào tháng 6.2021.

“Chúng ta cần sửa đổi các luật hiện hành hoặc xây dựng luật riêng về khu thương mại tự do. Có thể rút ngắn quy trình nhưng không nên ép tiến độ bởi sẽ không ra hết được chính sách cần thiết. Nhưng trước đó, phải thống nhất được nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của khu thương mại tự do đối với nền kinh tế quốc gia”, ông Cung đề xuất.

Đan Thanh