Chọn nhân sự - Lựa nhân tài

Bài 4: Nói lại về trọng dụng nhân tài

- Thứ Hai, 10/08/2020, 05:57 - Chia sẻ
Cách nay mấy năm, việc trọng dụng nhân tài, đã được nêu ra và lạm bàn mấy bận.

Song, mấy năm nay, không ít nơi một mặt để việc này bê trễ, mặt khác, lại núp danh việc này mà cắt đặt tùy tiện bộ máy, sắp đặt hỗn mang nhân sự… Từ đây sinh ra tư túng, phường hội, thói "ông tướng bà tướng", tệ "ông vua bà chúa" ở không ít người giữ trọng trách, thậm chí nguy cơ nảy nòi cả thói họ tộc tự tung tự tác, cả manh nha những mầm họa “sứ quân” trong việc cải cách bộ máy, bố trí, sắp đặt con người, gây nên bao sự lộn xộn bộ máy, rối loạn kỷ cương, làm đảo chao muôn việc tại nhiều nơi then chốt, trọng yếu.

Nhưng, điều đáng sợ nhất là, làm lung lay lòng tin của Nhân dân vào bộ máy và cán bộ của ta; làm rã rời nhân tài; làm những người dù hiền nhất cũng phải ngoảnh lại, trông lên và lắc đầu mà nổi giận! Bởi vậy, không thể không lo ngại!

Do thế, càng không nhầm lẫn và không phúng dụ, rằng khi xem thế giới, dù chỉ hạn hẹp trong khoảng dăm chục năm nay, không thể không ngộ ra rằng: Mọi con đường phát triển rực rỡ ấy, thường hội tụ ở ba nhân tố: Con người - Thể chế - Công nghệ?

Và, do thế, có lẽ càng không thể nhầm lẫn, nếu ngẫm lịch sử từ cổ chí kim, lại từ Đông sang Tây, mà nói rằng: Muôn sự thành bại của chính nhân, vạn sự thăng trầm, còn mất của mọi thể chế chính danh, mọi quốc gia chính đạo, quy lại ở tại việc trồng người, chăm người và dùng người, nhất là hiền tài. Ấy là cái gốc của mọi sự phát triển của lịch sử!

Trong ba việc ấy, thiển nghĩ, trọng yếu nhất là trọng dụng nhân tài! Vì, sự nâng niu: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp” (Thân Nhân Trung). Vì, xây dựng đất nước lấy dạy học làm đầu, tìm lẽ trị bình, tuyển nhân tài làm gấp (Nguyễn Huệ - Quang Trung). Vì, khi đất nước có nhiều người tài, đất nước càng hưng thịnh (Mặc Tử). Và, cao hơn cả, là vì sự tôn vinh những người tài trong việc trọng dụng hiền tài: "Nơi đây an nghỉ một người biết dùng người giỏi hơn mình". Ấy là lời khắc trên bia mộ của Andrew Carnegie (1835 - 1919).

Trông lại lịch sử nước nhà, nhất là từ kinh nghiệm lịch sử 90 năm qua, dưới ngọn cờ của Đảng, càng trước những đại sự sinh tử, càng đối mặt những thử thách mất còn, trong trọng sự dụng nhân, đối đãi với hiền tài, làm nên sự vững vàng của thể chế, vì sự phồn thịnh của quốc gia dân tộc, cấp thời nhất định chiêm nghiệm và thực hành:

Dùng thì phải tin tưởng, tôn trọng hiền tài. Bởi, hiền tài trọng danh tiếng hơn trọng thân phận, trọng liêm sỉ hơn trọng thân mình.

Dùng thì phải xứng đáng với hiền tài. Bởi, hiền tài trọng hành, trọng sự hơn trọng mớ danh hão, trọng lối từ chương (tức nói suông).

Dùng thì phải đừng cố chấp hiền tài. Bởi, hiền tài vốn trọng bản ngã, trọng khí tiết hơn mọi thứ danh lợi cá nhân, thậm chí thà chết không chịu nhục và bị làm nhục.

Dùng thì phải khích lệ hiền tài. Bởi, hiền tài không cần sự ban ơn vô lối, tránh xa mọi sự phủ dụ sáo rỗng, giả dối bề trên. Ngọc không bán rao.

Dùng thì phải bảo vệ hiền tài. Bởi, hiền tài trọng phận sự, quốc phận hơn danh phận, tiếng tăm hão huyền; trọng liêm sỉ hơn tất cả, không có liêm sỉ không thành người được huống chi mà thành chính nhân, quân tử. Mọi sự hèn nhát không có chỗ đứng với hiền tài.

Dùng thì phải công minh, công bằngnghiêm khắc với hiền tài.

Như thế mới là trọng dụng nhân tài!

Trái những điều ấy, hiền tài tối thiểu sẽ rũ áo khoanh tay, hiền sĩ bỏ đi, thậm chí quay lưng lại... thì muôn sự chông chênh, thể chế bạc nhược, lòng người phân rã, nhân tài ly tán, vận mệnh quốc gia như trứng để đầu đẳng, khôn mà lượng trước.

Từ đó và qua đó, lạm nghĩ, mọi việc muốn thành, mọi sự nghiệp muốn nên, không trừ một ai, một cấp nào, trước hết những người nắm tổ chức bộ máy và nhân sự các cấp, nhất là những tổ chức nắm giữ trọng sự quốc gia dân tộc, nên chăng nhất định cấp bách giữ lấy 5 điều:

Không thể không sửa chữa con mắt hạt đậu, thiển cận khi xét đoán hiền tài. Trái điều này, không tranh thủ, không hợp tác được với ai, vô hình gây nên bè đảng. Tất cô độc.

Không thể không từ bỏ lối câu nệ, kỳ thị, hẹp hòi khi trọng dụng hiền tài. Vì đại cục, tôn trọng và tin cậy hiền tài; bỏ qua lỗi nhỏ mưu lấy cái lớn; nâng niu khác biệt cốt giữ đại đồng. Trái điều này, hiền tài nghểnh ngảng thờ ơ, người giỏi xa lánh, thậm chí phó mặc thế sự, buông lơi mọi điều. Tất suy bại.

Không thể tự mình không trở thành tấm gương về nhân đức, hài hòa với sự chân thành, tin cậy (khác với nuông chiều) mà đối đãi thành tín, thủy chung khi sống và mực thước trong đối đãi với hiền tài. Không là muối không thể ướp mặn được người khác. Trái điều này, trên dưới bất phân, thượng bất chính hạ tắc loạn, vạ nảy trong tường vách, họa tự mình gây nên. Tất phải tiêu vong.

Không thể không lấy việc mà đo, lấy nhân tâm mà lượng thật nghiêm khắc, lấy sự cầu thị làm đầu khi cắt đặt, lấy hiệu quả công việc làm căn bản để xét công, bình thưởng và chung lòng hành sự với hiền tài. Trái điều này, hiền tài bất tín, nhất định buông tay, mọi sự bê trễ, cơ đồ lung lay, thậm chí thân mình khó giữ, tổ chức khó toàn. Tất đổ vỡ tan tành.

Không thể không thưởng phạt phân minh, công bình khi thẩm xét, coi sóc việc trọng dụng hiền tài. Trái điều này, lòng người rối ren, thể chế hỗn độn. Tất loạn.

TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản