Nhiệm kỳ 2021 - 2026, hoạt động TXCT của đại biểu HĐND tỉnh Tuyên Quang tiếp tục được đổi mới, đa dạng hóa các hình thức. Tăng cường TXCT chuyên đề, hướng tới cử tri ở cơ sở; hướng đến đối tượng trực tiếp chịu tác động của chính sách dự kiến ban hành và cơ chế, chính sách đã ban hành; những khó khăn, vướng mắc, những “điểm nghẽn”, “nút thắt” trong quá trình thực hiện tại cơ sở. Các cuộc TXCT đã thu hút được sự quan tâm, tham dự của cử tri và nâng cao ý thức trách nhiệm giải trình, tiếp thu của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Vai trò, trách nhiệm, kỹ năng của đại biểu trong tiếp xúc được nâng lên theo hướng đi vào những vấn đề cụ thể, sát với nội dung kỳ họp và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương; nhiều đại biểu trực tiếp thông tin, trao đổi lại, giải đáp rõ về các kiến nghị đã được cơ quan chức năng giải quyết, góp phần hạn chế việc cử tri kiến nghị nhiều lần.
Trách nhiệm, nghĩa vụ lớn
Từ thực tiễn hoạt động, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Hà Quang Giai cho rằng, bên cạnh TXCT theo kế hoạch, cần mở rộng các hình thức TXCT phù hợp, linh hoạt. Tổ chức nhiều cuộc TXCT theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn cử tri quan tâm như TXCT tại các khu công nghiệp, về những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, những vấn đề bức xúc ở địa phương. Từ đó, thu hút được nhiều ý kiến đóng góp thực chất, sát với đời sống cơ sở, sự quan tâm, kỳ vọng của người dân. Đề cao trách nhiệm của đại biểu HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách trong TXCT chuyên đề liên quan đến dự thảo nghị quyết về cơ chế, chính sách, những nội dung sẽ được chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh.
Trước khi TXCT, đại biểu HĐND và các cấp chính quyền cần dành thời gian nắm tình hình địa bàn tiếp xúc, những vấn đề bức xúc cử tri quan tâm đang tồn đọng, chưa được giải quyết và những vấn đề mới phát sinh, những vấn đề cử tri thường quan tâm. Đại biểu HĐND có thể nắm bắt thông tin thông qua kênh Thường trực HĐND và Ủy ban MTTQ cấp huyện, xã. Thêm vào đó, cần lựa chọn những nội dung kỳ họp HĐND tỉnh sẽ xem xét, thảo luận, đưa ra để cử tri cùng thảo luận, đóng góp ý kiến. Các nội dung chuẩn bị để báo cáo trước cử tri cần ngắn gọn, súc tích, đúng trọng tâm; dành thời gian để cử tri trao đổi, phản ánh, đề xuất, kiến nghị. Ngoài ra, các cuộc TXCT cần được mở rộng về tận thôn, xóm, bản, tổ dân phố và thời gian tiếp xúc cử tri linh hoạt (có thể ngày nghỉ hoặc buổi tối) để thu hút đông đảo cử tri tham gia và ghi nhận đầy đủ ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri.
Nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong giải quyết kiến nghị của cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, cần tăng cường giám sát việc thực hiện trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và người đứng đầu. Trong các quy định của Đảng, các văn bản pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức đều quy định trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ; việc không hoặc chậm thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm trong giải quyết ý kiến cử tri, chấp hành kết luận, kiến nghị giám sát về giải quyết kiến nghị của cử tri cũng có thể bị xem xét, xử lý kỷ luật. Vì vậy, việc giải quyết kiến nghị của cử tri, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri phải được xác định là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn lớn, kịp thời và trước mắt của mỗi cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương - Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Hà Quang Giai nhấn mạnh.
Xây dựng ứng dụng tiếp nhận kiến nghị cử tri trên nền tảng số
Để tổ chức tốt các cuộc giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri, cần tập trung lựa chọn những vấn đề chưa được giải quyết, đã được giải quyết nhưng chưa dứt điểm, những kiến nghị UBND và các cơ quan liên quan đã báo cáo sẽ giải quyết trong thời gian nhất định để giám sát. Chú trọng giám sát việc thực hiện trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, có ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền về giải pháp, về thời gian cam kết thực hiện đối với từng nội dung kiến nghị cụ thể. Chủ thể giám sát (các thành viên Đoàn giám sát) thật sự công tâm, khách quan, nhìn nhận và đánh giá nội dung, sự việc toàn diện trước khi đưa ra kết luận chuyển cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết. Đoàn giám sát nên chia thành các tổ giám sát để đi đến được nhiều nơi tại cơ sở giám sát thực tế.
Theo Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Hà Quang Giai, Báo cáo kết quả giám sát được trình tại kỳ họp HĐND để xem xét ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, trong đó nêu rõ các kiến nghị, đề nghị giải quyết, quy định cụ thể thời hạn giải quyết; Thường trực HĐND phân công cho 1 BanHĐND chủ trì, phối hợp với các Ban theo dõi, đôn đốc và giám sát việc thực hiện nghị quyết.Cùng với đó, cần xây dựng phần mềm theo dõi việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đa dạng hóa hình thức tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri, nghiên cứu xây dựng ứng dụng tiếp nhận kiến nghị cử tri trên nền tảng số và các hình thức khác.