IPU và nỗ lực tăng cường ảnh hưởng của phụ nữ trong chính trị

Xây dựng chương trình hành động

- Chủ Nhật, 25/10/2020, 08:53 - Chia sẻ
IPU không ngừng cố gắng nỗ lực xây dựng các chương trình hành động hỗ trợ công tác thúc đẩy bình đẳng giới trong các nghị viện và kêu gọi các nước nghị viện thành viên thông qua và triển khai thực hiện tại các phiên họp toàn thể thường niên của tổ chức. Các kế hoạch hành động về bình đẳng giới của IPU có ý nghĩa hết sức quan trọng và thực tế để các nhà chính trị dễ dàng học hỏi và thực hiện.

Đặt ra mục tiêu

Những kế hoạch hành động này hướng đến giải quyết những vấn đề cơ bản mà không ảnh hưởng đến sự khác biệt giữa văn hóa, tôn giáo, xã hội, chính trị giữa các nước. Giải pháp trong các kế hoạch của IPU đều nhằm giải quyết các vấn đề thông thường trong bình đẳng giới của các nước; không những đưa ra biện pháp tăng số lượng nữ giới tham gia chính trị mà còn trong các lĩnh vực khác như xã hội, kinh tế, văn hóa.

Năm 1994, IPU đã thông qua kế hoạch hành động với mục đích nhấn mạnh tầm quan trọng của “Công ước về Quyền chính trị của phụ nữ” (do Liên Hợp Quốc ban hành vào năm 1953 - đây là công ước quốc tế có tính pháp lý đầu tiên về bảo vệ vị trí của phụ nữ trong việc thực hiện các quyền chính trị). Kế hoạch hành động năm 1994 đã đưa ra nội dung một số phương án cho các nước nhằm tăng cường nhận thức chính trị của phụ nữ và chia sẻ trách nhiệm chính trị bình đẳng giữa nam và nữ.

Tại kỳ Đại Hội đồng lần thứ 127 ở Canada năm 2012, IPU đã thông qua Kế hoạch Hành động xây dựng Nghị viện ủng hộ bình đẳng giới. Kế hoạch hành động này được đưa ra nhằm hướng tới một trong những Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc (MDGs) trong vấn đề tăng quyền năng cho phụ nữ; bao gồm các chiến lược trải rộng trên 7 lĩnh vực kêu gọi các nghị viện hưởng ứng và tiến hành các chiến lược của quốc gia mình bằng cách xây dựng các mục tiêu, kế hoạch và thời hạn cụ thể phù hợp với bối cảnh quốc gia. Đồng thời, IPU cũng kêu gọi các quốc gia, khi đã xây dựng được kế hoạch cần phải giám sát và đánh giá tiến độ thường xuyên để có thể đạt được mục tiêu tăng cường bình đẳng giới.

Theo Kế hoạch hành động năm 2012, một nghị viện ủng hộ bình đẳng giới cần có được các tiêu chí như: hướng tới con số đồng đều giữa nam và nữ trong các cơ quan; phát triển khung pháp lý về bình đẳng giới phù hợp với bối cảnh nghị viện quốc gia; lồng ghép thực hiện bình đẳng giới trong tất cả các công việc của nghị viện; đẩy mạnh việc tôn trọng quyền phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và đáp ứng nhu cầu thiết thực của nam và nữ nghị sĩ; tôn trọng và ủng hộ các hoạt động của nghị sĩ nam trong việc ủng hộ bình đẳng giới; khuyến khích các đảng chính trị tiên phong thực hiện bình đẳng giới; hỗ trợ các cán bộ nghị viện để họ có thể thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới, tích cực khuyến khích việc tuyển dụng và đề bạt phụ nữ trong các vị trí cấp cao, và bảo đảm lồng ghép bình đẳng giới trong tất cả các công việc của nghị viện.

Và các biện pháp thực hiện

Để nghị viện thành viên có thể đạt được các tiêu chí nêu trên, IPU đã đề ra các phương án bao gồm:

Nghị viện cần thông qua các biện pháp đặc biệt để tăng số lượng nữ nghị sĩ như sửa đổi luật bầu cử và hiến pháp; tổ chức các chiến dịch nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của phụ nữ trong nghị viện; có các biện pháp bảo đảm phụ nữ có thể đảm nhận được các vị trí cấp cao trong nghị viện;

Nghị viện cần ban hành các luật thúc đẩy và bảo vệ bình đẳng giới, đồng thời cần rà soát lại các luật và quy định về lồng ghép bình đẳng giới và hệ thống giám sát và thi hành các luật trên. Các luật và chính sách cần phù hợp với Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) của LHQ thông qua năm 1979, Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế, Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về quyền kinh tế và xã hội;

Nghị viện cần tăng cường phân bổ ngân sách cân bằng cho cả hai giới; tổ chức các buổi chất vấn về bình đẳng giới và các chính sách liên quan, thành lập các ủy ban chuyên môn giám sát và báo cáo về các hoạt động tăng cường bình đẳng giới, nghiên cứu và thống kê số liệu và thông tin về cán bộ nam và nữ; tổ chức các phiên họp chuyên đề của nữ nghị sĩ;

Nghị viện cần hỗ trợ các nữ nghị sĩ cân bằng giữa công việc và gia đình thông qua các phương án thay đổi giờ làm việc, chế độ thai sản hợp lý, tạo môi trường làm việc tôn trọng và an toàn đối với nữ nghị sĩ;

Nghị viện cần xây dựng các chiến lược nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa nam và nữ bao gồm các phương án như bổ nhiệm nam và nữ nghị sĩ hoạt động trong ủy ban về bình đẳng giới, tạo cơ hội cho nam giới tham gia vào các chương trình và hội nghị họp bàn, khóa tập huấn về vấn đề bình đẳng giới;

Các đảng chính trị cần thông qua các biện pháp để tăng số lượng cán bộ nữ, nhất là trong bộ phận điều hành, điều chỉnh cân bằng số lượng nam và nữ trong các ủy ban của đảng, phát triển các kế hoạch chiến lược để giám sát và đánh giá hoạt động của các ủy ban trong việc thực hiện bình đẳng giới.

Với những kế hoạch hành động nêu trên, có thể thấy IPU đang dần hướng tới là tổ chức đi đầu trong hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới tại các nghị viện. Thông qua các kế hoạch, IPU muốn bảo đảm rằng các nghị viện thành viên đều cam kết cao và thực hiện áp dụng trong nghị viện; nâng cao năng lực lồng ghép bình đẳng giới trong chính sách.

Quỳnh Vũ