Lấy phòng làm việc đầu tiên, làm việc căn bản, làm thế chủ động
Không thể sửa sai những lỗi lầm bằng thứ tư duy đã đẻ ra nó. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí càng phải vậy. Trong rất nhiều vấn đề, phải sửa đổi tư duy làm đầu. Cấp bách là, tiếp tục đổi mới tư duy toàn diện về tham nhũng và phòng, chống tham nhũng gắn với phòng, chống tiêu cực, lãng phí.
Cần lấy phòng làm việc đầu tiên, làm việc căn bản, làm thế chủ động; đồng thời gắn với chống cả tiêu cực và tham nhũng. Nếu không như vậy, mới chỉ chống tham nhũng, tiêu cực “một nửa”, nghĩa là dọn dẹp hậu quả và hệ lụy của tham nhũng, lãng phí. Tiêu cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là một trong những nguyên nhân dẫn tới trộm cắp, tham nhũng. Lãng phí là cái “ô” để tham nhũng núp bóng và là “lô cốt” để tham nhũng cố thủ và hoành hành, mà bắt đầu từ tiêu cực, hủ bại. “Tham nhũng là một loại hành vi tiêu cực do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, là loại biểu hiển cụ thể của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tham nhũng và tiêu cực (…) có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ với nhau; nguyên nhân cơ bản, trực tiếp của tham nhũng là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tiêu cực là môi trường làm nảy sinh tham nhũng; tham nhũng tác động trở lại làm trầm trọng hơn tình trạng tiêu cực” (16).
Bài học từ 500 năm qua càng xác tín, không chủ động phòng bằng việc kiểm soát hữu hiệu những căn nguyên nảy nòi tham nhũng, ở đây từ quyền lực, nhất định không thể khắc chế được tham nhũng - cái “khuyết tật bẩm sinh của quyền lực”. Vì, khi là “khuyết tật” nó càng trở nên nguy hiểm hơn gấp bội, khi những người được giao quyền lực rơi vào tha hóa, thoái hóa quyền lực hoặc để cho thân nhân của họ (hoặc cha mẹ hoặc vợ hoặc chồng hoặc con hoặc anh em…) bằng mọi thủ đoạn: cáo mượn oai hùm, ruồi trên đầu hổ… lợi dụng “khuyết tật” ấy để trục lợi, tham nhũng. Vì thế, “… Phải khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” (419); càng cần “kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, không có vùng cấm, không có ngoai lệ, không bị tác động không trong sáng bởi bất kỳ tổ chức, cá nhân nào” (434).
Đó chính là khâu căn bản để đột phá đổi mới tư duy, tầm nhìn và nguyên tắc để xây dựng hệ thống chính sách hoàn bị hợp thành cơ chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Công khai, minh bạch - con đường ngắn nhất để nhận diện, phòng, chống tham nhũng hiệu quả
Bất cứ ai khi nắm giữ quyền lực, dù hình thức này hay kia, dù mức độ cao hay thấp… nếu không được kiểm soát và khắc chế cũng có thể có nguy cơ trở thành kẻ ăn cắp hay tham nhũng, nếu dục vọng cá nhân không được khắc chế, nếu tự kỷ không có liêm sỉ, nếu đạo đức cá nhân kém nát hay hủ bại, nếu người nắm giữ rường cột thể chế các cấp mục ruỗng, nếu luật pháp quốc gia lỏng lẻo hay suy bại. Tha hóa, thoái hóa quyền lực nhất định tới nạn trộm cắp, buôn bán quyền lực, thậm chí lạm quyền, lộng quyền và thoán đoạt quyền lực.Từ trộm cắp chức vụ tới buôn quan, bán tước, thoán đoạt quyền lực chỉ là một bước trượt ngắn, rất ngắn nhưng hiểm họa chết người!
Do đó, phải “tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở”, nâng cao hiệu quả tổ chức thể chế để không thể tham nhũng, tiêu cực” (46). Rường cột của cơ chế này chính là vấn đề quyền lực và trách nhiệm cá nhân được thực thi và vận hành bằng pháp luật với phương châm công khai, dân chủ và minh bạch, nghĩa là kiến tạo hành lang đểquyền lực thực thi và kiểm soát nó. “Tăng cường giám sát việc thực thi quyền lực” (49). Kiểm tra, kiểm soát từ bên trong tới toàn dân kiểm soát; kiểm soát từ trên xuống và giám sát từ dưới lên, kiểm tra, giám sát từ bên cạnh một cách công khai, minh bạch. Suy cho cùng là, quyền lực phải gắn với trách nhiệm được kiểm tra, giám sát một cách dân chủ và kỷ luật, theo kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, vấn đề đặt ra là càng phát triển cơ chế thị trường, càng hội nhập quốc tế, càng phải kiểm soát quyền lực, càng phải đề cao và thượng tôn pháp luật. “Cùng với “nhốt” quyền lực vào trong “lồng” cơ chế, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình là điều kiện tiên quyết để kiểm soát quyền lực, bảo đảm quyền lực được vận hành đúng đắn, không bị tha hóa” (49). Không thể làm khác, nếu không muốn thất bại.
Theo đó, trước mắt, việc cần kíp là, tiếp tục sửa đổi cơ chế trên nền móng Quốc pháp - Đảng cương và sự giám sát của Nhân dân thật sự là là vòng cương tỏa của thể chế tổng hợp phòng, chống tham nhũng một cách hệ thống, phù hợp và hiệu qủa từ Đức trị tới Pháp trị, với phương châm Dân chủ hóa, Minh bạch hóa, gồm 8 mặt chỉnh thể: Không nên tham nhũng; Không được tham nhũng; Không thể tham nhũng; Không cần tham nhũng; Không vùng cấm, không ngoại lệ xử lý tham nhũng; Không thể thoát khi tham nhũng; và Không thể lợi dụng trong chống tham nhũng để tham nhũng và Các cấp (và trong ngoài phối hợp) đồng thời phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Từ cơ chế kiểm soát sẽ có cơ chế khắc trị... và trị thật nghiêm, không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Nghĩa là công khai, dân chủ và pháp trị phải được thượng tôn! Công khai, minh bạch là con đường ngắn nhất để nhận diện và phòng, chống tham nhũng hiệu quả, để cắt bỏ cái khuyết tật bẩm sinh của quyền lực...
Mặt khác, phải định lượng trách nhiệm để từ đó kiểm soát quyền lực cả kinh tế, chính trị, đạo đức, xã hội theo đó, trên phương diện này. Vì tham nhũng giờ đây không chỉ có tham nhũng kinh tế, vật chất hữu hình, chức vụ và danh vị cụ thể, chính sách cụ thể mà xâm hại cả tới những lãnh địa thiêng liêng vô hình: tham nhũng lòng tin, tham nhũng chính trị... biến ảo khôn lường... song hành với lãng phí. Nếu không nhìn như thế, sẽ rất khó phân định và định luận các lĩnh vực, các cấp từ Trung ương tới địa phương trong cuộc phòng, chống tham nhũng. Nói trực tiếp, cấp bách đổi mới việc thực thi cơ chế kiểm soát quyền lực; và thông qua cơ chế này, chủ động kiểm soát bộ máy của toàn hệ thống chính trị từ Đảng tới mỗi thành viên, kiểm soát từng người theo hướng không sót vùng nào, không lọt một ai. Đồng thời, “yêu cầu các tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương phải ý thức rõ trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng tại địa phương mình…” (196). Đó là động lực của đổi mới hệ thống thể chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.
Thứ tới là, chỉnh đốn bộ máy và đổi mới cơ chế sàng lọc đội ngũ cán bộ. Tham nhũng đã lan rộng, leo cao, chui sâu... và tác họa khôn lường. Nên vấn đề rường cột cốt tử chỗ này là, làm tốt yếu tố cán bộ và công tác cán bộ đồng bộ với công tác kiểm tra, thanh tra và bảo vệ pháp luật. Thực tế cho thấy, phải tiếp tục đột phá vào chỗ tung thâm này, để tiếp tục đổi mới bộ máy nói chung và kiện toàn bộ máy phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng. Một lần nữa nhắc lại Quốc lệnh (1946): “Ăn cắp của công sẽ bị xử tử”. Nhớ ngày 19.8.1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: Có thể nói, kẻ phá hoại sự nghiệp cách mạng ĐÁNG SỢ NHẤT là những người ấy, vì trước mắt đồng bào, họ là Đảng và Nhà nước. Kẻ thù hằng ngày nói xấu chúng ta, đồng bào ta không mắc lừa. Người của ta làm hại cách mạng là NGUY HIỂM NHẤT.
Phải chỉnh đốn, trong sạch hóa đội ngũ cán bộ, dù khó khăn, thậm chí khốc liệt thế nào. "Phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của Đảng lên trên hết; cán bộ cố ý làm trái, dính líu, bao che cho sai phạm, cản trở quá trình điều tra, xử lý thì phải kịp thời thay thế, xử lý nghiêm, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả rõ rệt” (187). Không trong sạch hóa đội ngũ cán bộ không thể phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là cái gốc. Do đó, không thể lùi bước. “… Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân và sự phát triển của đất nước” (437). Mấu chốt ở đây là, kiến tạo cơ chế tuyển chọn và sàng lọc cán bộ.
Vì vậy, phải xây dựng bộ máy các cấp chịu trách nhiệm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gồm những người “hết sức gương mẫu, công tâm, trong sạch, thực hiện đúng bốn chữ: liêm - dũng - chính - trực” (146). Nghĩa là tối thiểu mang 6 tư chất sau: một, trong sạch nhất; hai, dũng cảm nhất; ba, tinh thông nghiệp vụ nhất, bốn, mưu lược khôn khéo nhất; năm, kỷ luật nhất; và sáu, dĩ công vi thượng nhất. Kinh nghiệm cốt tử vừa qua cho thấy, không thể dùng những người tham nhũng để đi chống tham nhũng. “Phải chống tham nhũng trước hết ngay trong các cơ quan chống tham nhũng” (199). Bộ máy chống tham nhũng Trung ương và 63 tỉnh, thành phố tiếp tục được trao đủ quyền năng và được kiểm soát chặt chẽ và toàn diện quyền lực trao cho họ.
Mặt khác, “các cơ quan chức năng cần tích cực, chủ động, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định của pháp luật; chú trọng nâng cao chất lượng công tác điều tra, giám định; chú ý phân loại để xử lý nghiêm đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, gây hậu quả nghiêm trọng; khoan hồng đối với người thành khẩn khai báo, tự nguyện khắc phục hoặc bồi thường thiệt hại gây ra…” (183). Đồng thời, “tập trung chỉ đạo khắc phục các khâu, lĩnh vực còn yếu, nhất là chỉ đạo khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản; thu hồi tài sản, khắc phục thiệt hại trong các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương, cơ sở” (190). Đây là yếu tố quyết định việc thành bại từ nền móng và là khâu quan trọng của công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Các phương diện về thể chế trên phải tiếp tục sửa đổi hoàn bị, giữ nghiêm thực thi, không có ngoại lệ, không có vùng cấm và thi hành đồng bộ, triệt để. Đổi mới và hoàn thiện Quốc pháp đồng bộ và thống nhất với Đảng cương làm riềng mối căn bản của thể chế phòng, chống tham nhũng. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước hết về vấn đề này trên cương vị, chức trách của mình.
--------
(*) Những trích dẫn trực tiếp, ghi số trong ngoặc đơn (…) đều dẫn từ cuốn sách "Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh", Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023.